Cải cách hành chính thúc đẩy phát triển kinh tế

.

Thực hiện chủ đề “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, công tác cải cách hành chính (CCHC) thành phố trong năm 2022 vừa phát huy kết quả năm 2021, vừa đề xuất các chương trình, giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện tốt cải cách hành chính góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thành phố. Trong ảnh: Giao dịch tại bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố.  Ảnh: TRỌNG HUY
Thực hiện tốt cải cách hành chính góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thành phố. TRONG ẢNH: Giao dịch tại bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: TRỌNG HUY

Dấu ấn chuyển đổi số

Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho biết, thành phố đã đẩy mạnh các nội dung ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), điều hành hoạt động của các cơ quan hành chính, tăng cường mở rộng áp dụng các tiện ích hỗ trợ người dân trong việc thực hiện các dịch vụ công, tạo sự hài lòng cao nhất của người dân, doanh nghiệp đối với các dịch vụ công mà các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố cung ứng. Qua đó, góp phần khôi phục phát triển kinh tế, với tăng trưởng 14,05% so với năm 2021, đứng thứ 3 cả nước; thu ngân sách Nhà nước hơn 23.600 tỷ đồng, đạt hơn 120% dự toán.

Theo ông Đồng, nhiều văn bản chỉ đạo được thành phố ban hành trong quá trình triển khai xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, triển khai thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC được ban hành, triển khai có hiệu quả. Đáng chú ý, thành phố ban hành kế hoạch phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025; kế hoạch triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố; phê duyệt, ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030” trong giai đoạn 2022-2025.

UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương triển khai thành lập tổ công nghệ số cộng đồng ở 100% thôn, tổ dân phố, khu dân cư, mỗi tổ có 5 đến 9 thành viên do tổ trưởng/bí thư chi bộ làm tổ trưởng, cùng với sự tham gia của Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và nhân viên các doanh nghiệp số. Đến nay, đã có 56 phường, xã thành lập 2.424 tổ công nghệ số cộng đồng với khoảng 13.000 thành viên.

“Với những kết quả tích cực đạt được, Đà Nẵng là 1 trong 7 đơn vị được vinh danh tại hạng mục “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” với nền tảng Công dân số thành phố Đà Nẵng. Theo đó, nền tảng Công dân số thành phố Đà Nẵng (My Portal Đà Nẵng) chính thức triển khai từ ngày 12-9-2022 tại địa chỉ https://congdanso.danang.gov.vn/; https://myportal.danang.gov.vn. Nền tảng này  được tích hợp trên ứng dụng DaNang Smart City. Công dân số, một hợp phần quan trọng của lĩnh vực: xã hội số, kinh tế số và chính quyền số. Đến nay, nền tảng Công dân số Đà Nẵng có hơn 240.000 tài khoản công dân số”, ông Đồng cho hay.

Hơn 99% thủ tục hành chính giải quyết đúng hạn

Theo ông Võ Ngọc Đồng, trong số các nội dung về cải cách hành chính, cải cách TTHC và những vấn đề liên quan vẫn là nội dung trọng tâm và tác động rõ nét nhất đến tổ chức, công dân. Thành phố luôn chú trọng, kịp thời phát hiện để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc hủy bỏ TTHC hoặc quy định có liên quan không cần thiết, không phù hợp, không đáp ứng được các nguyên tắc về quy định thực hiện TTHC giúp cắt giảm thời gian và tài chính của cá nhân, tổ chức trong việc tuân thủ TTHC, góp phần cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.

Năm 2022, có 39 TTHC và nhóm TTHC theo quyết định phê duyệt phương án đơn giản hóa TTHC do UBND thành phố ban hành. Tỷ lệ hồ sơ TTHC do các sở, ngành tiếp nhận được giải quyết đúng hạn đạt 99,02%; UBND cấp quận, huyện tiếp nhận được giải quyết đúng hạn 99,37%; UBND cấp xã tiếp nhận được giải quyết đúng hạn 99,95% và tỷ lệ giải quyết phản ánh, kiến nghị về quy định TTHC đạt 99,09%.  Đến nay, cơ chế một cửa được duy trì có hiệu quả, đồng bộ cả ba cấp thành phố, quận, huyện và phường, xã (100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, 100% quận, huyện; 100% phường, xã). Cơ chế một cửa liên thông tiếp tục được duy trì hiệu quả tại 100% phường, xã; 100% quận, huyện.

Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Trần Tường Vân cho biết, năm 2022 quận đầu tư nâng cấp phần mềm KIOSK tại bộ phận “Một cửa” quận nhằm chuyển hình thức tra cứu TTHC thủ công bằng bảng niêm yết như hiện nay sang tra cứu trên phần mềm, giảm thời gian cập nhập cũng như chi phí khi có thay đổi nội dung bộ TTHC; triển khai thí điểm cấu hình thủ tục ngoài một cửa trên trang dịch vụ công thành phố đối với 2 thủ tục nâng lương thường xuyên. Tỷ lệ hồ sơ TTHC đối với UBND quận tiếp nhận sớm và đúng hẹn đạt 99,82% (trễ 13 hồ sơ, tỷ lệ 0,18%); tỷ lệ giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 đạt 91,48%, tăng 10% so với 2021.

Tại huyện Hòa Vang, mặc dù có nhiều nỗ lực, song kết quả giải quyết hồ sơ TTHC vẫn còn trễ hẹn 3,2% (173/5.498 hồ sơ) tập trung tại các đơn vị: Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Tài nguyên và Môi trường; Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Tư pháp và Phòng Văn hóa - Thông tin. “Để hạn chế tối đa tình trạng trễ hẹn hồ sơ thời gian tới, huyện chỉ đạo gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC với bình xét thi đua, đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị, địa phương”, Trưởng phòng Nội vụ huyện Hòa Vang Ngô Duy Quang nói.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.