Đà Nẵng là trung tâm của cực tăng trưởng vùng động lực miền Trung

.

ĐNO - Sáng 27-12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì buổi họp hội đồng thẩm định Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với quy hoạch này. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cùng tham dự cuộc họp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh mới của Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì phiên họp hội đồng thẩm định Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Vai trò, sứ mệnh mới của Đà Nẵng

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Đà Nẵng có một vị trí hết sức quan trọng, là trung tâm của miền Trung. Hiện nay, trong định hướng quy hoạch quốc gia, Đà Nẵng được xác định là một trung tâm của cực tăng trưởng vùng động lực miền Trung (từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi). Đây là vai trò, sứ mệnh mới của Đà Nẵng trong thời gian đến.

Thời gian qua, Đà Nẵng đã có những bước phát triển rất ấn tượng với tốc độ tăng trưởng bình quân cao; diện mạo của thành phố thay đổi rất nhanh; cơ cấu và quy mô kinh tế của Đà Nẵng đạt được những kết quả rất tốt.

Tuy nhiên, gần đây, Đà Nẵng đã có bước chững lại. Do đó, vấn đề đặt ra đối với Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là kế thừa những kết quả đạt được của thành phố và đặt ra những vấn đề mới của Đà Nẵng.

Theo đó, hướng tập trung phát triển, bố trí cơ cấu các ngành kinh tế, không gian, hạ tầng của thành phố cũng như hướng kết nối, liên kết vùng, tích hợp các ngành trong bối cảnh quỹ đất, dư địa... không còn nhiều.

“Đây là những vấn đề rất lớn đặt ra cho Đà Nẵng mà các bộ, ngành, thành phố cùng các chuyên gia, nhà khoa học tập trung đóng góp trao đổi. Đà Nẵng có gì đột phá, có gì mới để tạo nên những giá trị mới, cao hơn.

Chẳng hạn, Đà Nẵng triển khai hướng xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, thương mại tự do, công nghệ cao, hướng tạo động lực mới ra sao để tạo ra bước phát triển đột phá mới cho Đà Nẵng...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi ý. 

Thống nhất, đồng bộ trong các định hướng phát triển và khai thác nguồn lực tổng thể

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh báo cáo quá trình lập Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện đúng quy trình theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (bìa trái) phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Trong quá trình lập quy hoạch, thành phố luôn bảo đảm việc thực hiện tích hợp theo chiều dọc trên nguyên tắc kết hợp hai chiều, từ trên xuống và từ dưới lên với quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành, lĩnh vực cấp quốc gia đã được phê duyệt hoặc đang được lập đồng thời và các nội dung tích hợp vào quy hoạch được giao cho các sở, ban, ngành và quận, huyện của thành phố thực hiện.

Bên cạnh đó, tích hợp theo chiều ngang với quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và các tỉnh trong vùng thông qua việc tham gia ý kiến, tổ chức hội thảo… để thống nhất, đồng bộ trong các định hướng phát triển và khai thác nguồn lực tổng thể.

Những hoạt động này được phối hợp thực hiện song hành, trao đổi xuyên suốt trong quá trình xây dựng các ý tưởng và dự thảo báo cáo quy hoạch.

Ngoài ra, thành phố đã triển khai lấy ý kiến 2 lần đối với 14 bộ và 4 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); tổ chức 2 hội thảo, tọa đàm lấy ý tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp; số hóa, đăng tải công khai hồ sơ dự thảo quy hoạch...

Đồng thời, thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng lấy ý kiến góp ý rộng rãi của cộng đồng với 900 phiếu đối với người dân sinh sống, làm việc tại thành phố và 900 phiếu đối với các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn Đà Nẵng...

Các ý kiến góp ý đều được thành phố phối hợp với đơn vị tư vấn, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan rà soát, tiếp thu hoặc giải trình cụ thể.

Đặc biệt, thành phố đã phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo tham gia ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định, các chuyên gia đối với nội dung quy hoạch thành phố Đà Nẵng và báo cáo đánh giá môi trường chiến lược vào tháng 8-2022.

Đến nay, thành phố đã có báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia.

“Tại cuộc họp thẩm định này, thành phố rất mong nhận được các ý kiến nhận xét, đánh giá của hội đồng thẩm định để tiếp tục hoàn thiện báo cáo quy hoạch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị. 

3 trụ cột phát triển, 6 nhóm ngành ưu tiên

Báo cáo nội dung quy hoạch, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa hết sức quan trọng, được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm mà thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh báo cáo sơ lược về quy hoạch. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh báo cáo sơ lược về quy hoạch. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Về quy hoạch, thành phố Đà Nẵng đã đặt ra quan điểm tập trung phát triển theo 3 trụ cột, trong đó đã nghiên cứu tích hợp đồng bộ yếu tố văn hóa vào sự phát triển du lịch trở thành một trụ cột quan trọng của thành phố.

Đó là du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế và yếu tố văn hóa, tạo nên sự độc đáo, khác biệt.

Một trụ cột quan trọng định hình sự phát triển của thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ đến là kinh tế tri thức với 2 mũi nhọn là công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

Trụ cột thứ ba là trung tâm dịch vụ chất lượng cao với 2 mũi nhọn là cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.

Báo cáo quy hoạch cũng xác định trong thời kỳ tới thành phố Đà Nẵng sẽ có 6 nhóm ngành, lĩnh vực cần ưu tiên, kèm theo các không gian và nguồn lực phát triển trong sự kết nối không chỉ trong nội bộ Đà Nẵng mà còn với các địa phương khác trong nước và các thành phố trong khu vực và quốc tế.

Theo đó, đối với ngành du lịch, định hướng ưu tiên hình thành các sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn chất lượng cao ở tất cả các loại hình, nhất là các dòng sản phẩm, dịch vụ cao cấp và siêu sang gắn với các khu vực trọng điểm như: Quần thể du lịch Bà Nà - Suối Mơ, Khu du lịch thể thao, nghỉ dưỡng Hồ Hóc Khế; Khu phức hợp đô thị và du lịch Làng Vân; khu vực sinh thái nghỉ dưỡng dọc chân bán đảo Sơn Trà.

Đối với ngành thương mại, Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu để trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn của khu vực và cả nước với hai điểm nhấn quan trọng là khu logistics, dịch vụ hỗ trợ chợ đầu mối, Chợ đầu mối Hòa Phước và Tổ hợp Thể thao, giải trí, thương mại Hòa Xuân.

Bên cạnh đó, các dịch vụ thương mại cao cấp liên quan đến các bến du thuyền và khu phi thuế quan tiêu chuẩn quốc tế cũng là những định hướng quan trọng về thương mại được quy hoạch trong thời kỳ tới của Đà Nẵng.

Quang cảnh cuộc họp hội đồng thẩm định Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đên năm 2050. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Quang cảnh cuộc họp hội đồng thẩm định Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Đối với ngành logistics, quy hoạch đặt ra mục tiêu và xây dựng định hướng để phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics, cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, quốc gia trên hành lang kinh tế Đông - Tây, trong khu vực ASEAN và quốc tế, trọng tâm là việc đưa vào hoạt động của cảng Liên Chiểu và nâng cấp, mở rộng, phát huy tối ưu vị trí, vai trò của cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Theo đó, trên địa bàn thành phố dự kiến sẽ hình thành 7 trung tâm logistics tập trung, trong đó có 1 trung tâm logistics cấp vùng và các trung tâm logistics phụ trợ để đáp ứng mục tiêu quy hoạch.

Đối với ngành thông tin, truyền thông, quy hoạch xác định chuyển đổi số toàn diện là một trong những nhân tố đóng góp chủ yếu cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng. Do đó, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu sau thời kỳ quy hoạch sẽ thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước.

Các dự án trọng tâm hỗ trợ cho mục tiêu này được xác định là việc hình thành các trung tâm dữ liệu quy mô quốc gia và khu vực, triển khai thêm mới một trạm cập bờ cáp quang biển; phát triển Khu Công nghệ thông tin Công viên phần mềm Đà Nẵng, bao gồm cả khu công viên phần mềm số 2 liên kết với các Khu Công nghệ thông tin tập trung của FPT, Viettel, VNPT trở thành các khu công nghệ thông tin tập trung trọng điểm của quốc gia.

Đối với nhóm ngành công nghiệp, trong thời kỳ quy hoạch thành phố Đà Nẵng định hướng sẽ di dời hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi các khu dân cư và ưu tiên phát triển cho các ngành có hàm lượng cao về công nghệ, tri thức, thân thiện với môi trường.

Đồng thời, bố trí quy hoạch mới 9 cụm công nghiệp tập trung chủ yếu ở huyện Hòa Vang và đẩy nhanh đưa vào hoạt động 3 khu công nghiệp mới đã có chủ trương quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.

Riêng đối với Khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao sẽ là trọng điểm phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng, trở thành một trong những cụm công nghiệp vệ tinh, liên kết hỗ trợ sản xuất với khu công nghệ cao Đà Nẵng; điều chỉnh quy hoạch mở rộng khu công nghệ cao đáp ứng yêu cầu - cơ bản của một khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế.

Xác định yếu tố đổi mới sáng tạo là một trong các khâu đột phá trong thời kỳ quy hoạch của thành phố, Đà Nẵng cũng bố trí nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ hình thành khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp; nâng cấp, mở rộng Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng phục vụ nghiên cứu và phát triển vùng Nam Trung Bộ, khuyến khích hình thành các không gian làm việc chung, khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với mục tiêu phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của quốc gia.

Trên cơ sở định hướng, tổ chức không gian phát triển của các ngành nêu trên, quy hoạch thành phố cũng đã khoanh định 7 khu vực trọng điểm phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ quy hoạch tới: khu vực trung tâm thành phố; khu trung tâm công nghiệp công nghệ cao gắn với Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và các khu công nghệ thông tin tập trung; khu vực trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics gắn với cảng Liên Chiểu, ga đường sắt và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; khu trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng ven biển; khu vực trung tâm dịch vụ đào tạo và nghiên cứu ở phía đông nam thành phố, trọng tâm là khu đô thị đại học Đà Nẵng; khu vực trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại phía tây nam huyện Hòa Vang; các cực du lịch sinh thái núi gắn với các không gian, sản phẩm du lịch cao cấp của thành phố.

Các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế được kết nối thông qua hai tuyến vành đai và 5 hành lang kinh tế trên cơ sở thế mạnh, định hướng phát triển của từng khu vực trong thành phố cũng như thế mạnh của thành phố trong vùng động lực duyên hải Trung bộ, miền Trung - Tây Nguyên.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.