Nghĩa tình trong mùa dịch

.

Covid-19 được dự báo vẫn diễn biến phức tạp. Công việc, sinh hoạt của người dân thành phố theo đó sẽ tiếp tục gặp khó khăn, vì vậy, sự chăm lo của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội cũng như sự quan tâm, hỗ trợ nhau của người dân trong lúc này là điều đáng quý để cùng nhau chung sức đẩy lùi dịch bệnh.

Đại diện một doanh nghiệp (phải) tặng quà cho người dân nghèo ở phường Hòa An (quận Cẩm Lệ).                Ảnh: T.S
Đại diện một doanh nghiệp (phải) tặng quà cho người dân nghèo ở phường Hòa An (quận Cẩm Lệ). Ảnh: T.S

Ly hôn, chị B.T.H quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, dắt hai con nhỏ vào Đà Nẵng, tạm trú ở kiệt 12 Hoàng Diệu (quận Hải Châu) làm thuê kiếm sống. Thế nhưng, khi chưa tìm được việc làm, số tiền dành dụm cạn dần, cũng là lúc thành phố Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội lần hai vì Covid-19 tái bùng phát. Đang lúc lo lắng chưa biết tính sao, thì chị được đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu đến tặng 1 phần quà gồm 1 bao gạo, 1 thùng mì ăn liền và 20 quả trứng... Chị xúc động tâm sự: “Thật không ngờ, chính quyền địa phương vẫn quan tâm thăm hỏi và tặng quà người mới đến tạm trú như tôi. Ngoài ra, bà con ở kiệt 12 Hoàng Diệu còn tặng mẹ con tôi gạo và nhiều loại nhu yếu phẩm khác để ăn trong những ngày cách ly xã hội”.

Sau 3 ngày thực hiện giãn cách xã hội, nhóm thợ sơn vôi quê Đắk Lắk (đang làm việc cho một công trình ở Đà Nẵng) hết lương thực, tiền lương chưa được nhận. Vậy là cả nhóm thợ 4 người chỉ biết cầm cự với thùng mì ăn liền. Rồi mì ăn liền cũng hết, cùng đường, anh Tạ Đình Hiển (một trong những thành viên của nhóm) phải đôn đáo đi xin hàng cứu trợ. “May mắn khi vừa chạy xe từ công trình ra đường Nguyễn Tất Thành, tôi đã gặp các mạnh thường quân, họ hỗ trợ tôi 1 bao gạo, 2 thùng mì ăn liền, 30 quả trứng gà và chai sát khuẩn tay, thật quý hóa khi trong lúc khó khăn này lại được sự chia sẻ như vậy”, anh Hiển bộc bạch.

Theo báo cáo nhanh, từ ngày 31-7 đến 12-8, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu tiếp nhận trên 1 tỷ đồng tiền mặt, 15 tấn gạo và nhiều nhu yếu phẩm khác từ các tổ chức, cá nhân đóng góp. Số tiền mặt và quà này đã nhanh chóng được chuyển đến ủng hộ các lực lượng tham gia phòng, chống Covid-19 cũng như các hộ nghèo, cận nghèo... trên địa bàn. Đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận đã dành ra gần 340 triệu đồng để hỗ trợ tiền mặt cho 310 hộ nghèo, hộ cận nghèo và tặng 1.407 suất quà, trị giá gần 200 triệu đồng cho các trường hợp khó khăn do ảnh hưởng Covid-19.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu Trần Thị Cúc Hương, đợt hỗ trợ quà này được triển khai sớm, bao phủ hết các nhóm người khó khăn, không chỉ người của địa phương mà cả người lao động nghèo tạm trú, công nhân, sinh viên, người bán vé số... bị kẹt lại ở Đà Nẵng. Đến nay, không có trường hợp khó khăn nào trên địa bàn bị bỏ sót, tất cả đều được hỗ trợ, giúp đỡ để vượt qua những ngày cách ly xã hội.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) Nguyễn Thị Hoa cho biết thêm: “Tất cả cán bộ, nhân viên của UBND phường vừa phải đi cách ly, thế nhưng thật may là chúng tôi đã kịp vận động và tặng quà cho 320 hộ nghèo, cận nghèo của phường. Riêng các Chi hội Phụ nữ trực thuộc đến nay cũng đã huy động và tặng trên 500 suất quà cho gia đình hội viên phụ nữ gặp khó khăn, những trường hợp sinh viên, công nhân, người lao động tạm trú trên địa bàn phường không kịp về quê”.

Xúc động vì sự giúp đỡ này, chị Lê Thị Hương (làm phụ hồ, quê Quảng Ngãi, tạm trú ở phường Hòa An) tâm sự: “Dịch bệnh khiến những người lao động chân tay rất vất vả để xoay xở kiếm sống. Tuy nhiên, cũng chính trong lúc hoạn nạn, khó khăn này, chúng tôi mới hiểu tấm lòng của chính quyền và người dân thành phố Đà Nẵng. Các cấp chính quyền và cộng đồng không chỉ chăm lo cho người dân thành phố, mà còn quan tâm đến cả những người lao động tạm trú như chúng tôi. Chúng tôi rất biết ơn”.

Thời điểm hiện nay, không có việc làm, nhiều người dân lâm vào cảnh khó khăn. Tuy nhiên, cũng chính trong lúc khó khăn này, chính quyền các cấp, ban, ngành, đoàn thể đã rất có trách nhiệm trong việc hỗ trợ, chăm lo cho cuộc sống của người dân. Song song, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và ngay cả những người lao động nghèo cũng thể hiện sự tương thân tương ái. Nhiều chủ nhà trọ đã chủ động giảm, thậm chí là không lấy tiền trọ của người thuê trong những ngày dịch tái bùng phát. Nhiều người lao động nghèo đã sẵn sàng nhường lại phần quà của mình cho người cùng cảnh ngộ gặp khó khăn hơn... để đồng lòng vượt qua thời điểm khó khăn.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.