Chính trị - Xã hội

Góp sức cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh

13:41, 10/08/2020 (GMT+7)

Ngày bình thường họ là những doanh nhân, chủ doanh nghiệp, bộn bề với công việc, khi dịch tái xuất hiện, họ lại tất bật ngược xuôi, kết nối nơi cần, nơi thiếu với các mạnh thường quân; bỏ công, góp sức cùng thành phố chống dịch với mong muốn thành phố sẽ sớm được bình yên.

Các thành viên, tình nguyện viên của bếp ăn Đà Nẵng đang chuẩn bị bữa ăn phục vụ tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Danang Kitchen
Các thành viên, tình nguyện viên của bếp ăn Đà Nẵng đang chuẩn bị bữa ăn phục vụ tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Danang Kitchen

1. Công việc của chị Trần Thị Bê là điều hành khách sạn, mùa cao điểm chị làm giám đốc điều hành tại 5-6 khách sạn, lúc nào cũng bận rộn với công việc. Đợt dịch trước, khi thành phố cần, chị đã sử dụng khách sạn Yến Vy (đường An Thượng 30, quận Sơn Trà) là nơi lưu trú cho các du khách còn ở lại Đà Nẵng. Lần này, chị cũng sử dụng khách sạn Maison Phương (69 Hà Bổng, quận Sơn Trà) để làm nơi lưu trú cho các du khách mắc kẹt, chưa thể về từ ngày 29-7.

Tuy nhiên, khi thành phố cần một địa chỉ làm nơi cách ly cho các bác sĩ thì ngay lập tức chị vừa phải “chạy đôn chạy đáo” tìm nơi ở mới cho các du khách đang lưu trú tại Maison Phương vừa nhanh chóng cho nhân viên dọn dẹp khách sạn, đội ngũ y tế để vệ sinh, khử khuẩn để làm nơi cách ly cho các y, bác sĩ, những người nơi tuyến đầu phòng chống dịch bệnh.

Chị chia sẻ, vừa di chuyển khách vừa chuẩn bị phòng ốc khách sạn trong một khoảng thời gian rất ngắn, song chị có đội ngũ nhân viên cùng tham gia hỗ trợ nên công việc diễn ra suôn sẻ. Những nhân viên này ở tại khách sạn 24/24 giờ cũng coi như cách ly luôn. “Đang trong lúc dịch bệnh phức tạp lại phải di chuyển khỏi chỗ lưu trú nên nhiều khách cũng khó chịu và không hài lòng. Tuy nhiên, mình cùng với đội ngũ nhân viên túc trực đã giải thích để khách hiểu và thông cảm. Cũng may, khách đã hiểu và đồng hành chia sẻ, chung tay chống dịch với thành phố”, chị Bê nói.

2. Mỗi ngày chị Trần Mỹ Quyên, Điều hành tour du lịch tại Công ty TNHH MTV Hành Hương Việt, lại ngược xuôi như “con thoi”, đến với những nơi cách ly đang còn thiếu thốn. Chị tự xem mình như một “người vận chuyển” đưa hàng từ người trao tặng tới tay những người cần. Đã từng là cựu cán bộ đoàn viên thanh niên nên chị luôn tâm niệm khi còn sức thì phải “ra trận”; đồng thời luôn xác định rõ mình sẽ là người kết nối, người vận chuyển nên sẽ đi cho đến khi nào thành phố mình vượt qua đại dịch.

Tính từ đầu mùa dịch đến nay chị đã kết nối, nhận và trao tận tay cho các nơi cần những nhu yếu phẩm thiết yếu như: nước uống, sữa, vitamin, chiếu nhựa, giường xếp, mũ chống giọt bắn, gạo, trái cây, khẩu trang, găng tay… với tổng trị giá hơn 50 triệu đồng. Chị chia sẻ: “Dù những chuyến đi thường xuyên vào các chỗ cách ly, chốt chặn… nhưng gia đình, người thân vẫn ủng hộ. Trong quá trình đi nhận/trao quà luôn được sự hỗ trợ kịp thời của các thành viên xe bán tải Đà Nẵng và nhiều bạn bè khác chở đi trao tặng quà. Thực lòng khi các nhà hảo tâm gọi gửi cái này cho bệnh viện, gửi cái kia cho trạm chốt, gửi cái nọ cho ký túc xá hoặc chùa... ít hay nhiều, lớn hay nhỏ thì mình đều xin nhận và đến tận nơi trao trọn”.

3. Trong khi hầu hết các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn thành phố đều đóng cửa thì từ những ngày đầu tháng 8, nhóm bếp ăn Đà Nẵng (Danang Kitchen- cộng đồng chung của những người kinh doanh ẩm thực trên địa bàn thành phố Đà Nẵng) đặt tại bếp của Công ty Amomi vẫn luôn đỏ lửa từ sáng tới tối. Nhóm này nấu hàng ngàn suất ăn gửi tặng đội ngũ y bác sĩ, lực lượng tại các chốt, các điểm cách ly và những hoàn cảnh khó khăn.

Thay vì mỗi nhà hàng tổ chức riêng lẻ, hoạt động này đã được những người kinh doanh ẩm thực gom về một địa điểm đáp ứng các tiêu chuẩn diện tích, quy mô, an toàn thực phẩm, bảo đảm chất lượng đầu ra của các khẩu phần ăn mỗi ngày. Tất cả các công đoạn từ nguyên vật liệu chế biến, vận chuyển… đều được tính toán, bàn bạc kỹ lưỡng từ những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh ẩm thực…

Đại diện nhóm bếp ăn Đà Nẵng cho hay, đồ ăn được vận chuyển, sắp xếp theo quy trình phân loại trữ trong kho lạnh để bảo đảm độ tươi ngon, sau đó chuyển qua khâu sơ chế, chế biến… Mỗi khâu đều có kế hoạch cụ thể, chi tiết. Đội vận chuyển của Đà Nẵng Kitchen cũng được trang bị đồ bảo hộ nghiêm túc với quy trình giao nhận không trao tay, chỉ đặt hàng và chụp hình giao hàng và xác nhận qua zalo để bảo đảm an toàn cho đội ngũ. Để làm ra các phần ăn với số lượng lớn, một ngày làm việc của các thành viên Da Nang Kitchen bắt đầu lúc 4 giờ sáng và kết thúc có thể là 12 giờ khuya.

Để có được các suất ăn đầy đủ dinh dưỡng, bảo đảm các tiêu chuẩn, bếp ăn cũng nhận được sự ủng hộ từ các mạnh thường quân và các tình nguyện viên. Những công việc tưởng chừng như đơn giản, nhỏ bé nhưng đang được làm từ những tấm lòng chung tay góp sức cùng thành phố chống dịch.

HÀ KHUÊ

.