Giải tỏa lối thoát hiểm trong khu dân cư

.

Chiếm dụng lối thoát hiểm để nuôi gà, đặt bếp than nấu nướng, biến thành không gian sinh hoạt riêng của gia đình… là thực trạng tồn tại bấy lâu nay ở một số khu dân cư (KDC) trên địa bàn thành phố. Để bảo đảm an toàn cho người dân, đồng thời giải quyết vấn đề môi trường, mỹ quan đô thị, nhiều địa phương đã tích cực vận động, thậm chí cưỡng chế để giải tỏa lối thoát hiểm.

Lối thoát hiểm giữa 2 dãy nhà trên đường Mân Quang 3, Mân Quang 4 phường Thọ Quang bị chiếm dụng trồng rau, làm gác xép. Ảnh: TRỌNG HUY
Lối thoát hiểm giữa 2 dãy nhà trên đường Mân Quang 3, Mân Quang 4 phường Thọ Quang bị chiếm dụng trồng rau, làm gác xép. Ảnh: TRỌNG HUY

Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu) Đặng Công Tâm cho biết, toàn phường có 25 lối thoát hiểm. Đa phần các lối thoát hiểm bị người dân chiếm dụng và thực trạng này tồn tại suốt nhiều năm. “Tình trạng trên kéo dài khiến việc giải tỏa hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Người dân chây ì, có tư tưởng “nhìn nhau” trong việc chấp hành chủ trương thông lối thoát hiểm của phường; một số người còn nhận thức không đúng về không gian lối thoát hiểm”, ông Tâm nói. Năm 2019, Đảng ủy phường Hòa Thuận Tây ban hành nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo công tác giải tỏa lối thoát hiểm trên địa bàn phường. UBND phường đã triển khai vận động nhân dân giải tỏa 11/25 lối thoát hiểm, góp phần phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) có 68 tuyến đường, 74 lối thoát hiểm. Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Bắc Trương Thị Thúy Ngọc cho biết, người dân chiếm dụng hầu hết các lối thoát hiểm cho mục đích cá nhân. Cùng với đó, quá trình đô thị hóa khiến nhiều khu vực có độ chênh về cốt nền do khớp nối hạ tầng không đồng bộ giữa các dự án chỉnh trang và dự án mới, có nơi lối thoát hiểm thấp hơn gần cả mét so với mặt đường chính. “Từ năm 2017, phường đã xây dựng và triển khai đề án giải tỏa lối thoát hiểm. Do tính chất phức tạp và khó khăn trong giải tỏa lối thoát hiểm, nên địa phương xác định đây là nhiệm vụ lâu dài và thường xuyên”, bà Ngọc cho hay.

Sau 3 năm thực hiện, đến nay phường Hòa Cường Bắc giải tỏa được 47 lối hoát hiểm. Theo bà Ngọc, phường tiến hành lên sơ đồ tại các khu vực có lối thoát hiểm bị lấn chiếm, đánh số thứ tự từng lối và phân loại theo từng nhóm từ dễ giải tỏa đến phức tạp, khó khăn. Nhóm dễ giải tỏa tiến hành triển khai trước, sau đó đi dần đến nhóm khó khăn hơn, và đến nhóm phức tạp.

Phường tổ chức làm điểm một lối thoát hiểm khó nhất để các nơi khác noi theo, tự tháo dỡ. Cùng với quá trình này, phường thông báo đến tận từng KDC, các hộ dân lấn chiếm nêu cao tinh thần tự tháo dỡ, nếu không chấp hành, địa phương sẽ ra quân cưỡng chế giải tỏa. Sau giải tỏa, phường giao cho Ban điều hành KDC có trách nhiệm theo dõi và bảo đảm hộ dân không tái phạm, coi đó là tiêu chí thi đua cuối năm. Đối với nhóm bất cập do khớp nối hạ tầng (chiếm khoảng 10% số lối thoát hiểm), UBND phường đã có kiến nghị gửi lên quận, thành phố để cùng phối hợp giải quyết.

Theo Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hải Châu Võ Duy Thắng, quan điểm của quận là phải thông triệt để có các lối thoát hiểm trên địa bàn. Trách nhiệm, thẩm quyền xử lý thuộc về UBND các phường. Về bất cập do khớp nối hạ tầng không đồng bộ, quận đã ghi nhận kiến nghị từ các phường và gửi ý kiến lên thành phố cũng như các cơ quan liên quan. “Đây là thực trạng khó khăn, để giải quyết dứt điểm tình trạng chênh cao trình, phải giải tỏa hẳn cả một khu vực. Để làm đồng bộ vấn đề này, thẩm quyền và năng lực thuộc về cấp thành phố. Thời gian qua, cùng với đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước, quận đã hỗ trợ một số hộ nâng cốt nền”, ông Thắng nói.

Phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) là địa bàn có rất nhiều lối thoát hiểm. Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc cho biết, hiện nay các trang quản lý đô thị (từ thành phố đến phường) hoạt động hiệu quả. Nếu người dân phát hiện tình trạng này và có ý kiến phản ánh việc lấn chiếm lên các trang quản lý đô thị, phường sẽ có biện pháp xử lý dứt điểm. Thời gian qua, phường đã tiếp nhận và xử lý 43 thông tin liên quan đến lấn chiếm lối thoát hiểm thông qua mạng xã hội và Tổng đài 1022. Qua tiếp nhận, phường đã cho lực lượng chức năng xử lý, trả lại thông thoáng lối thoát hiểm.

Theo ông Cao Hoàng Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Sơn Trà, tình trạng người dân lấn chiếm lối thoát hiểm để nuôi gà, làm bếp nấu, thậm chí đặt giường ngủ, dùng làm không gian sinh hoạt riêng của gia đình khá phổ biến. Trước thực trạng đó, quận đã chỉ đạo các phường thống kê danh sách các lối thoát hiểm, đánh số thứ tự theo tuyến đường để đưa vào quản lý. Các phường lên phương án và có giải pháp giải tỏa lối thoát hiểm cũng như thời gian thực hiện.

Tại các KDC, từ chi bộ, Mặt trận, tổ dân phố, các hội, đoàn thể cùng vào cuộc vận động để người dân chấp hành nghiêm chủ trương thông lối thoát hiểm. Mặt khác, UBND quận phối hợp với các ban quản lý dự án tiến hành nạo vét, cải tạo các lối thoát hiểm, cống thoát nước dưới lối thoát hiểm; đồng thời xử lý hộ lấn chiếm. Tuy nhiên, bên cạnh những phường có cách làm quyết liệt để giải tỏa lối thoát hiểm trong KDC vẫn còn thực trạng chính quyền cơ sở kiểm soát không hết và còn những lối thoát hiểm bị bịt kín trong nhiều năm.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.