Nỗi niềm cán bộ không chuyên trách

.

Những người hoạt động không chuyên trách (gọi tắt là cán bộ không chuyên trách-KCT) làm việc đủ 8 giờ mỗi ngày như cán bộ, công chức cùng phường, xã, thậm chí còn được phân công thêm nhiều nhiệm vụ khác ngoài giờ hành chính. Từ ngày 1-4-2020, khi thành phố bắt đầu thực hiện Nghị định số 34-NĐ/2019/NĐ-CP, gần 1.000 cán bộ KCT của 56 phường, xã sẽ không khỏi lo âu chuyện cơm áo.

Mức phụ cấp 1,14 sẽ làm ảnh hưởng lớn đến đời sống và sự an tâm cống hiến của  cán bộ không chuyên trách phường, xã. TRONG ẢNH: Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Khánh Nam Trần Minh Phương. Ảnh: SƠN TRUNG
Mức phụ cấp 1,14 sẽ làm ảnh hưởng lớn đến đời sống và sự an tâm cống hiến của cán bộ không chuyên trách phường, xã. TRONG ẢNH: Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Khánh Nam Trần Minh Phương. Ảnh: SƠN TRUNG

Thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP (ngày 24-4-2019) về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố (gọi tắt là NĐ34), tại kỳ họp thứ 12 cuối năm 2019, HĐND thành phố khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 277/2019/NQ-HĐND (ngày 12-12-2019) về số lượng, chức danh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Nội dung được quan tâm nhất của nghị quyết là mức phụ cấp hàng tháng của cán bộ KCT là 1,14 lần mức lương cơ sở hiện hành (1,49 triệu đồng).

Tiếp nhận thông tin này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường Thạch Thang (quận Hải Châu) cho hay: “Từ năm 2016, khi thành phố có chính sách chuẩn hóa cán bộ KCT phường, xã đi kèm với chính sách sử dụng ngân sách bù thêm vào mức phụ cấp hàng tháng cho cán bộ KCT để họ có thu nhập theo trình độ chuyên môn (người có trình độ thạc sĩ có mức phụ cấp 2,67 lần lương cơ sở, đại học: 2,34; cao đẳng 2,1), anh em cán bộ KCT rất phấn khởi mặc dù phụ cấp là cố định không bao giờ tăng lên như lương công chức tăng bậc sau 3 năm. Bây giờ, áp dụng Nghị định 34 vẫn biết thành phố có tăng thêm khoán chi để bù mức phụ cấp như lúc trước, nhưng sẽ không được như chính sách của thành phố hồi năm 2016 nữa. Anh em cán bộ KCT cũng tâm tư.

Cảm giác hụt hẫng nhất là những cán bộ KCT từng tham gia Đề án 89 hoặc thuộc diện thành phố thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học đưa về công tác ở phường, xã đến nay chưa được tuyển dụng vào công chức. Chị Trần Minh Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) cho biết, sau tốt nghiệp đại học, chị được thành phố thu hút bố trí về công tác tại phường đã 10 năm nhưng vẫn chưa được tuyển dụng vào công chức. Chị cho biết, trong 10 năm chị yên tâm công tác bởi vì theo chính sách của thành phố, chị được trả lương đại học, được tham gia BHXH, BHYT và lên lương sau mỗi 3 năm như mọi công chức khác của phường. Hiện nay, chị đang hưởng lương bậc 4 với hệ số 3,33. Thế nhưng, chỉ ít ngày nữa thôi, phường sẽ sắp xếp chị vào diện cán bộ KCT và chỉ còn hưởng phụ cấp ở mức 1,14 lần mức lương cơ sở hiện hành (1,49 triệu đồng). “Đang thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng xuống còn hơn 1,5 triệu đồng, tôi biết sống thế nào”, chị Phương cho biết.

Nắm thông tin ngay sau kỳ họp thứ 12 của HĐND thành phố khóa IX, anh Nguyễn Minh Hà, Phó Chỉ huy trưởng Cơ quan Quân sự phường Chính Gián (quận Thanh Khê) đã xin thôi việc để tìm công việc mới. Anh cho biết: “Với mức thu nhập như vậy, tôi không thể nào giúp được gia đình gồm vợ vừa mới sinh và 2 con nhỏ”.

Tại cuộc làm việc của Thường trực Thành ủy với Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố ngày 6-2, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đặng Thị Kim Liên đã phản ánh mức phụ cấp 1,14 của cán bộ KCT quá thấp, sau khi trừ BHXH, BHYT, thu nhập chỉ còn 1.537.000 đồng. Mức thu nhập này không bảo đảm cho cán bộ KCT yên tâm công tác.

Ông Võ Văn Đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chính Gián nhận xét: Mức phụ cấp này chỉ hơn hộ nghèo (thu nhập dưới 1,5 triệu đồng/người/tháng) của thành phố 37.000 đồng. Đó là mới nói bản thân cán bộ KCT. “Nếu họ phải nuôi 1 người con nữa thì họ thuộc diện hộ nghèo của thành phố, mà thông thường mỗi cặp vợ chồng có từ 1-2 con”, ông Đoàn nói.

Tại các cuộc làm việc của Thường trực Thành ủy với Ban Thường vụ các quận, huyện ủy mới đây, lãnh đạo Sở Tài chính đã giải đáp phản ánh mức phụ cấp quá thấp của cán bộ KCT rằng: Thành phố đã tăng thêm khoán chi hành chính cho đối tượng này từ 20 triệu đồng/người/năm lên 32 triệu đồng trong năm 2020. Mức khoán chi này đủ để bù cho cán bộ KCT có thu nhập như trước đây.

Tuy nhiên, theo phân tích của Mặt trận thành phố (lấy mức phụ cấp của cán bộ KCT có trình độ đại học được hưởng mức phụ cấp 2,34 lần lương cơ sở trước năm 2020 làm ví dụ) khi góp ý dự thảo Nghị quyết số 277/2019/NQ-HĐND cho thấy: Chi ngân sách thành phố cho 1 cán bộ KCT trước năm 2020 là 61,839 triệu đồng/người/năm (gồm phụ cấp là 2,34×1,49 triệu đồng×12 tháng + 20 triệu đồng khoán chi hành chính). Từ năm 2020, phụ cấp giảm xuống còn 1,14 lần lương cơ sở và khoán chi hành chính tăng lên 32 triệu đồng. Như vậy, tổng chi phụ cấp và khoán chi hành chính là 52,3832 triệu đồng /người /1 năm. So với trước năm 2020 giảm đi 9,456 triệu đồng.

Nếu lấy số tiền khoán chi là 32 triệu đồng bù cho đủ mức phụ cấp là 2,34 lần lương cơ sở trong 12 tháng sẽ chỉ còn 10,5442 triệu đồng để chi cho tất cả các nhu cầu khác cho 1 cán bộ KCT (quản lý hành chính, công tác phí, phụ cấp làm thêm giờ, điện nước, lễ, Tết…). Nhiều lãnh đạo UBND phường, xã cho rằng số tiền còn lại không đủ chi hành chính.

SƠN TRUNG

;
;
.
.
.
.
.