Những "cây đại thụ" ở làng Cơ tu

.

Trong những chuyến về tìm hiểu đời sống đồng bào Cơ tu tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang), bên ấm chè xanh dưới bóng rừng, chúng tôi được nghe những câu chuyện dung dị, đời thường nhưng không kém phần tự hào của những già làng là đảng viên người Cơ tu mẫu mực đã có nhiều đóng góp xây dựng quê hương. Họ xứng đáng là những “cây đại thụ” của người dân Cơ tu ở Hòa Vang.

  Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà (giữa) tặng hoa chúc mừng già làng Đinh Hồng Khanh (bìa trái) và già làng Bùi Văn Siêng (bìa phải) trong đợt trao Huy hiệu Đảng 3-2.-2020  Ảnh: LAM PHƯƠNG
Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà (giữa) tặng hoa chúc mừng già làng Đinh Hồng Khanh (bìa trái) và già làng Bùi Văn Siêng (bìa phải) trong đợt trao Huy hiệu Đảng 3-2.-2020 Ảnh: LAM PHƯƠNG

1. “Sống không thẹn với lòng mình” - đó là câu quả quyết dứt khoát của già làng Bùi Văn Siêng (SN 1951, trú thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc) khi nói về lẽ sống của đời mình. Ông Siêng sinh ra và lớn lên ở huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam).

Năm 16 tuổi, ông đi bộ đội. Nhờ tính cách nhanh nhẹn, ông được huyện đội Đông Giang cử đi học sĩ quan và tham gia chiến đấu. Năm 1973, ông Siêng được kết nạp Đảng. Sau ngày Đà Nẵng giải phóng, ông Siêng về làm tại Hiệu thuốc Quốc doanh quận 1 Đà Nẵng (nay là quận Hải Châu). Sau khi nghỉ chế độ do mất sức, ông Siêng không để mình ngơi tay, tiếp tục tham gia công tác tại UBND xã Hòa Bắc gần 10 năm, làm Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí suốt 20 năm, làm Trưởng thôn Giàn Bí, rồi đến Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Giàn Bí.

Năm 2017, ông Siêng được nhân dân tín nhiệm bầu làm già làng thôn Giàn Bí. Ở vị trí người đứng đầu làng, ông Siêng luôn phát huy tính gương mẫu, xông xáo của đảng viên, người lính bộ đội Cụ Hồ, kịp thời có mặt ở mọi nơi, mọi việc, bất cứ khi nào nhân dân cần.

“Để lời nói của mình được dân tôn trọng, tôi luôn tự nhắc bản thân phải gương mẫu, sống tốt và dặn dò con cháu trong nhà hòa thuận, yêu thương. Đã là già làng, là bậc cha ông trong làng thì phải sống sao cho không thẹn với lòng mình để làm gương cho con cháu, thanh niên làng noi theo”, ông Siêng nói.

Từ khi UBND xã Hòa Bắc triển khai xây dựng nông thôn mới, với uy tín của người đảng viên lâu năm, ông Siêng vận động mỗi hộ phải xây nhà vệ sinh, hầm rác, không vứt rác vừa bãi ra môi trường. Để nói dân nghe, ông Siêng thường xuyên gặp gỡ, khuyên mọi người vì lợi ích chung, vì tương lai con cháu cần bảo vệ môi trường.

Nhờ vậy mà hầu hết nhân dân đều đồng thuận. “Vừa rồi có 2 hộ dân không đồng ý chặt bỏ cây ăn quả để hiến đất mở rộng đường, tôi trực tiếp đến vận động. Tôi cam kết với họ nếu đã hiến đất đai, cây cối để mở đường đều sẽ được đền bù thỏa đáng. Nếu Nhà nước không đền bù thỏa đảng, đích thân tôi sẽ bỏ tiền túi đền bù. Vậy là họ ưng ngay”, ông Siêng phấn khởi nói.

Trong làng, khi có tranh chấp, vợ chồng bất hòa, ông Siêng luôn có mặt hòa giải các vụ việc, biến việc lớn thành nhỏ, việc nhỏ thành không. Nhà nào có việc hỷ, giỗ chạp, ma chay, ông Siêng kêu gọi thanh niên, phụ nữ trong làng quây quần giúp đỡ...

Tình làng nghĩa xóm nhờ vậy luôn gắn kết. Ông Đinh Văn Như, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Giàn Bí nhìn nhận: “Việc dân làng bầu chọn già làng là đảng viên thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân đối với đảng, với chính quyền. Khi già làng là đảng viên sẽ có uy tín, trách nhiệm hơn với dân làng, là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân trong đời sống tinh thần và vật chất”.

Vừa trò chuyện với tôi, ông Siêng vừa khoe tấm Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng được treo trang trọng trên cây xà gỗ giữa nhà. Ông nói: “Chắc cô không tin chứ tôi được kết nạp Đảng đến 2 lần đấy. Lần đầu lúc đi bộ đội, nhưng do chiến tranh, thất lạc giấy tờ. Mãi đến năm 1980, tôi phấn đấu và được kết nạp Đảng trở lại. Vừa rồi kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng (3-2) cũng là ngày tôi tròn 40 năm tuổi Đảng”.  

2. Già làng Đinh Hồng Khanh (SN 1951) ở thôn Tà Lang được dân làng quý như “cây đại thụ”. Già Khanh tuy không còn nhanh nhẹn như trước nhưng những lời của già vẫn rất đanh thép, vẹn nguyên giá trị với dân làng Cơ tu. Nhờ sớm tham gia cách mạng, dày dạn kinh nghiệm nên mỗi lời của già Khanh nói ra có sức thuyết phục cao, được dân làng làm theo.

Già Khanh kể, những năm mười sáu, mười bảy tuổi, già tiếp bước thế hệ cha anh đi theo cách mạng. Những năm tháng chiến đấu ác liệt đã hun đúc già thành người lính Cụ Hồ, người đảng viên trung kiên, một lòng theo Đảng.

Sau ngày đất nước giải phóng, già Khanh trở về thôn Tà Lang, tiếp tục lao động, cống hiến cho quê hương. Ngày dân làng tổ chức bầu chọn già làng, già Khanh được xem là ứng cử viên sáng giá nhờ thành tích chiến đấu dạn dày, chức vụ nguyên Đội trưởng Đội trinh sát huyện đội Đông Giang (tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũ) và được nhận Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng II. Trên hết, già Khanh là đảng viên lâu năm nhất của thôn Tà Lang nói riêng và xã Hòa Bắc nói chung.

 Già làng Bùi Văn Siêng (bìa trái) thường xuyên gặp gỡ người dân, phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.   Ảnh: LAM PHƯƠNG
Già làng Bùi Văn Siêng (bìa trái) thường xuyên gặp gỡ người dân, phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Từ năm 2019, xã Hòa Bắc có chủ trương cải tạo môi trường nông thôn ở 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng. Nhận thấy chủ trương đúng đắn, già Khanh không ngần ngại xắn tay cùng chính quyền, vận động nhân dân hiến đất, mở đường, xây dựng cảnh quan xanh-sạch-đẹp. Có được con đường bê-tông khang trang, kiên cố như hôm nay, già Khanh đã cùng chính quyền địa phương nhiều đợt “ăn dầm nằm dề” nhà các hộ dân để vận động.

Qua hàng tháng trời kiên trì gõ cửa từng nhà, con đường đất lộc cộc sỏi đá, bụi bặm mịt mù ngày nắng, lầy lội ngày mưa đã được thảm bê-tông sáng loáng, bề ngang rộng 7 mét, dài hơn 600 mét chạy dọc từ đầu đến cuối làng.

Bà Alăng Thảo, một người dân thôn Tà Lang mừng rỡ cho biết: “Con đường bê-tông kiên cố, có đèn điện sáng rực mỗi đêm là ao ước cả đời của nhân dân Tà Lang. Già Khanh dặn rồi, chúng tôi phải gìn giữ và làm đẹp con đường để con cháu xa quê mỗi lần về sẽ tự hào. Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục trồng thêm nhiều cây xanh, tạo thêm bóng mát cho đời con, đời cháu được hưởng”.

Anh Đinh Văn Cư, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Tà Lang kể, những ngày cán bộ, dân quân xã Hòa Bắc về làng trồng cây xanh, già Khanh chống gậy ra đường bắt tay, vỗ vai từng người cảm ơn. Dù bước đi lập cập nhưng già vẫn ra đường, cùng mọi người trồng cau, trồng sim. Già còn kêu gọi nhân dân trong làng hợp sức cùng cán bộ xã trồng được 1.000 cây sim, 400 cây cau.

Những ngày trời nắng, già Khanh nhắc mọi người xách nước tưới cây, cũng không quên dặn đám con nít không để trâu bò dẫm đạp chết cây.

Chỉ lên tấm Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng vừa nhận, già Khanh khoe: “Người Cơ tu chúng tôi luôn biết ơn Đảng, biết ơn Bác Hồ. Giờ đây khi là già làng, những lời tôi nói được dân làng trọng có lẽ một phần nhờ tôi là đảng viên có 45 năm tuổi Đảng”.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà, già Khanh và già Siêng đã giúp chính quyền xã vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, bài trừ mê tín dị đoan, giáo phái lạ, không nghe theo lời dụ dỗ của các thế lực thù địch. Hơn hết, hai già có công lớn trong việc vận động nhân dân, nhất là thế hệ trẻ gìn giữ văn hóa truyền thống của người Cơ tu, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng.

3. Già làng Đinh Văn Trí (SN 1945) của thôn Phú Túc là đảng viên, vốn là cán bộ về hưu, được nhân dân thôn Phú Túc bầu làm già làng từ năm 2017. Nhờ gương mẫu trong gia đình và xã hội, già làng Trí dễ dàng vận động nhân dân tuân theo mọi chủ trương của địa phương.

Với uy tín, tiếng nói của đảng viên, già Trí đến từng hộ dân, nhất là các hộ đồng bào Cơ tu vận động người dân chung tay cùng với chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới. Những hộ nghèo, hộ khó khăn, già Trí tìm hiểu hoàn cảnh, nguyện vọng, đề xuất chính quyền địa phương hỗ trợ sinh kế, vốn làm ăn để vươn lên thoát nghèo.

Với thế hệ trẻ, già khuyên phải ra sức học tập, tích cực lao động, làm kinh tế, góp phần xây dựng, phát triển quê hương. Trong các ngày lễ trọng đại của làng, già phụ trách việc cúng bái, cầu an cho dân làng; vận động nhân dân, thế hệ trẻ gìn giữ văn hóa truyền thống.

Theo ông Lê Văn Nghĩa, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phú Túc, nếu như trước đây, việc bầu chọn già làng căn cứ vào tiêu chí là người lớn tuổi, hiểu rõ phong tục tập quán, biết hát lý, nói lý thì nay còn có thêm tiêu chí ưu tiên già làng là đảng viên. Bởi lẽ, với đồng bào Cơ tu, khi già làng đồng thời là đảng viên thì uy tín cao hơn, tiếng nói giá trị hơn trong làng.

Từ đó, phương châm “già làng nói - dân làng nghe, già làng hô - dân làng hưởng ứng, già làng làm - dân làng làm theo” sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường nhìn nhận, trong đời sống đồng bào Cơ tu, già làng có vị trí, tiếng nói quan trọng, được cả làng tôn kính, nể trọng. “Già làng là nhân tố then chốt để vận động người dân tích cực làm ăn, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã miền núi của huyện Hòa Vang”, ông Trường khẳng định.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.