Đà Nẵng - Quảng Nam cùng phát triển

.

Bằng ý thức tự lực, tự cường, thời gian qua, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam là hình mẫu trong sự phát triển năng động, đột phá. Sự phát triển của Đà Nẵng cũng chính là sự phát triển của Quảng Nam và ngược lại.

Với nhận thức đó, sau 23 năm tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1997), bằng tinh thần đoàn kết, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam và Đà Nẵng đã có những bước phát triển mang ý nghĩa lịch sử, góp phần “thay da, đổi thịt” vùng đất này.

Tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đưa vào vận hành đã rút ngắn nửa thời gian di chuyển từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ (Quảng Nam). Ảnh: TRỌNG HÙNG
Tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đưa vào vận hành đã rút ngắn nửa thời gian di chuyển từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ (Quảng Nam). Ảnh: TRỌNG HÙNG

Luôn giữ gìn truyền thống đoàn kết, gắn bó

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định); trong đó Đà Nẵng được xác định là thành phố đóng vai trò hạt nhân tăng trưởng, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho cả vùng.

Chính vì vậy, quá trình xây dựng và phát triển Đà Nẵng có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt đối với miền Trung-Tây Nguyên và cả nước. Với thuận lợi trên, trong những năm qua, Đà Nẵng đã có nhiều cơ hội hợp tác, phát triển với các địa phương trong và ngoài nước.

Trong đó tỉnh Quảng Nam là địa phương “anh em ruột thịt” của Đà Nẵng, từng “chung lưng đấu cật” suốt chặng dài lịch sử từ chống ngoại xâm đến hòa bình, xây dựng đất nước trong “cái nôi” chung mang tên đất Quảng.

Có thể khẳng định, những năm qua, Đảng bộ và chính quyền thành phố luôn coi trọng việc phát triển hợp tác với các địa phương, đặc biệt là Quảng Nam; xem đây là một trong những chủ trương mang tính xuyên suốt, lâu dài và không tách rời của quá trình xây dựng, phát triển thành phố.

Mối quan hệ hợp tác phát triển Đà Nẵng-Quảng Nam được minh chứng sinh động qua Chương trình hợp tác, hỗ trợ giữa hai địa phương theo Kết luận số 08-KL/TUĐN-TUQN của Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Nam, bắt đầu triển khai từ năm 2008. Kết luận này thể hiện nỗ lực của lãnh đạo hai địa phương, nhằm thực hiện tinh thần “chia mà không tách” từ khi Quảng Nam- Đà Nẵng tái lập thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương; đồng thời cũng là nền tảng để hai địa phương hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Để triển khai Kết luận nêu trên, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 5516/QĐ-UBND về việc “Hợp tác liên kết, hỗ trợ giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam”. Theo đó, từ năm 2008 đến năm 2020, thành phố Đà Nẵng cam kết hỗ trợ tỉnh Quảng Nam mỗi năm 15 tỷ đồng với phần lớn dành để xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đầu tư giáo dục...

Đây có thể xem là tín hiệu mới trong việc tạo mối liên kết vùng giữa các địa phương tại khu vực miền Trung nói chung, giữa hai “người anh em” Quảng Nam và Đà Nẵng nói riêng. Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Kết luận 08, hai địa phương đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác liên kết, hợp tác, hỗ trợ phát triển kinh tế, du lịch, xúc tiến đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, kiểm soát và khai thác tài nguyên khoáng sản, phát triển giáo dục, y tế, bảo đảm các vấn đề an sinh xã hội, quốc phòng-an ninh. Hai bên phối hợp lập, quản lý quy hoạch và khai thác, đầu tư đồng bộ, sử dụng hiệu quả hệ thống hạ tầng kỹ thuật giữa hai địa phương. Thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ ngân sách để Quảng Nam thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo cam kết.

Không những vậy, thành phố Đà Nẵng dành cho các con em Quảng Nam nhiều sự quan tâm, ưu đãi trong các cơ sở y tế, giáo dục cũng như việc sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố. Tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đoàn kết cùng nhau thực hiện nhiều kế hoạch chương trình liên kết phát triển du lịch, thông qua việc kết nối các sản phẩm du lịch, xúc tiến du lịch…

Bên cạnh đó, hai địa phương cũng đã chủ động phối hợp và thông qua các hội nghị diễn đàn kinh tế với các bộ, ngành để cùng tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương đối với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của hai địa phương và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Một số công trình dự án trọng điểm đã được đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng như: đường nối Đà Nẵng-Hội An, mở rộng nâng cấp quốc lộ 1A, 14B, cảng Tiên Sa và tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi… đã mang lại những giá trị kinh tế-xã hội cho khu vực, trong đó có tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

Liên kết để phát triển

Theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, thời gian qua, Đà Nẵng và Quảng Nam đã phối hợp xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông liên tỉnh, kết nối khu vực và quốc tế, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ để phát triển thương mại, du lịch, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của hai địa phương. Hai địa phương cũng phối hợp nghiên cứu phát triển tuyến xe buýt công cộng BRT Đà Nẵng-Hội An.

Ngoài ra, Đà Nẵng phối hợp, hỗ trợ xây dựng đường Mai Đăng Chơn nối dài đến giáp khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam. Phía tỉnh Quảng Nam cũng đầu tư nâng cấp, hoàn thiện tuyến đường ĐT 605, đoạn xã Hòa Tiến-Điện Tiến để kết nối giao thông; sớm triển khai đầu tư, khớp nối hạ tầng tuyến cống thoát nước nối từ hạ lưu tuyến cống trên đường Lê Văn Hiến ra sông Cổ Cò.

Đặc biệt, đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi với tổng chiều dài 139,52km hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nhất là phát triển hạ tầng giao thông của Đà Nẵng và Quảng Nam.

Theo định hướng, trong thời gian tới, hai địa phương sẽ phối hợp tranh thủ hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương để đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 14B, 14D, 14G nhằm tạo sự liên kết đồng bộ về giao thông.

“Vốn từ một địa phương chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1997) nên quan hệ giữa Quảng Nam và Đà Nẵng có tính chất đặc biệt, gắn bó mật thiết và khắng khít. Do vậy, bám sát Kết luận 08, hai địa phương triển khai nhanh nhiều nội dung hợp tác, đạt được những thành tựu tích cực và quan trọng trên các lĩnh vực về kinh tế-xã hội, tạo mối liên kết, hỗ trợ hợp tác, phát triển lâu dài và bền vững”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nói.

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hai địa phương có được kết quả rất lớn về phát triển hạ tầng giao thông như hiện nay là do Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Nam đã chủ động phối hợp và tích cực làm việc với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ, ngành Trung ương để tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ đối với các đề án phát triển của hai địa phương và một số dự án, công trình trọng điểm.

Đặc biệt, kết quả đạt được về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông với nhiều công trình giao thông lớn hoàn thành và đưa vào sử dụng, đã góp phần tạo nên hệ thống giao thông huyết mạch, kết nối Đà Nẵng-Quảng Nam với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Ông Lê Trí Thanh ghi nhận những hỗ trợ của Đà Nẵng đối với sự phát triển của Quảng Nam, nhất là về hạ tầng giao thông. Theo ông Thanh, quan tâm lớn nhất của Quảng Nam hiện nay là tập trung các nguồn lực để sớm hoàn thành dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò, bởi Quảng Nam đã thực hiện quy hoạch toàn bộ khu vực ven sông Cổ Cò để phát triển đô thị, dịch vụ du lịch, kết nối với thành phố Đà Nẵng.

Có thể nói, bằng tinh thần đoàn kết, sáng tạo, 23 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã có những bước phát triển mang ý nghĩa lịch sử, góp phần thay da, đổi thịt vùng đất “trung dũng, kiên cường”.

Trong quá trình phát triển, quan hệ Đà Nẵng-Quảng Nam luôn gắn bó mật thiết thể hiện tinh thần keo sơn, gắn bó của người con xứ Quảng. Thời gian đến, hai địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác cùng phát triển, đặc biệt là trên các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, hạ tầng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.