Đà Nẵng - Việt Nam trong tim nước bạn Lào

.

Trong mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam-Lào, Đà Nẵng là một trong những cầu nối quan trọng thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ tích cực và hiệu quả với các tỉnh Nam, Trung Lào. Mối quan hệ keo sơn, gắn bó ấy ngày càng bền chặt, nhờ luôn được xây trên một nền tảng và niềm tin vững chắc từ xưa cho đến mãi về sau.

Đoàn công tác của Đà Nẵng thăm Trung tâm Tiếng Việt tỉnh Savannakhet.
Đoàn công tác của Đà Nẵng thăm Trung tâm Tiếng Việt tỉnh Savannakhet.

Trong chuyến tháp tùng lãnh đạo thành phố thăm các tỉnh của Lào mới đây, tại Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Kaysone Phomvihan và Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Savannakhet, chúng tôi gặp ông Champakhao Kayamphone, một người dân sống ở gần Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ông đang đăm chiêu ngắm nhìn chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông chia sẻ, vì thấy đoàn Việt Nam sang thăm, do từ lâu đã ngưỡng mộ hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” nên ông âm thầm ra đón chào. Nhìn vào Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cho biết, đây chính là biểu tượng cho tình đoàn kết của hai dân tộc, là tài sản quý giá cho các thế hệ con cháu Lào và Việt Nam không chỉ hôm qua, ngày nay mà cả mai sau. Chia tay chúng tôi, ông bộc bạch: “Bên chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trong trái tim mỗi người dân Lào còn có một đài tưởng niệm, khắc ghi tên tuổi những bộ đội tình nguyện Việt Nam vì nhân dân Lào mà chiến đấu, đã hy sinh, nằm lại trên đất nước yêu thương này”.

“Dấu ấn” Việt Nam không chỉ đậm sâu trong ký ức những người dân Lào về một lịch sử hào hùng mà còn ở những công trình đầy ân tình ngay trên nước Lào hiện giờ. Đó là Trung tâm Tiếng Việt tỉnh Savannakhet. Tại đây, chị Linthone, Giám đốc Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh vui mừng cho biết, Trung tâm được thành phố Đà Nẵng hỗ trợ xây dựng tại huyện Kaysone Phomvihan, khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 2011. Đến năm 2015, thành phố hỗ trợ xây dựng thêm Thư viện đọc sách. Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm đã đào tạo được 1.755 học viên là cán bộ, bộ đội, nhân dân, kể cả Việt kiều ở Thái Lan sang học tiếng Việt. Trung tâm Tiếng Việt này là một dấu son cụ thể trong việc góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; đồng thời mở ra cơ hội để cho học sinh, sinh viên Lào biết tiếng Việt để sang học tập và nghiên cứu tại các trường đại học của Việt Nam, trong đó có các trường của Đại học Đà Nẵng.

Khi gặp chúng tôi, em Vannida Vinitsa chia sẻ, mặc dù em chưa được đi sang Việt Nam lần nào nhưng đối với em, Việt Nam không còn xa lạ, vì bạn bè và người thân của em đã và đang học tập ở Việt Nam rất nhiều. “Người Lào chúng em luôn coi đất nước Việt Nam và người Việt Nam ở Lào không phải là người nước ngoài mà là xem như anh em một nhà”, Vannida Vinitsa tự hào. Còn đối với em Khankham Inthachac, hai tiếng “Việt Nam” như là động lực to lớn để phấn đấu trong học tập và rèn luyện. Em cho biết đang cố gắng học tiếng Việt cho thật tốt nhằm chuẩn bị để năm sau sang Việt Nam học đại học. “Mặc dù chưa lần nào đến Việt Nam nhưng em đã từng được thưởng thức và rất ấn tượng với nhiều món ăn ngon của Việt Nam ngay tại quê hương mình, như: phở bò, bún bò, bánh canh cá lóc, cháo lươn, cháo cá…”, Khankham Inthachac chia sẻ.

Cùng bày tỏ sự cảm nhận của mình, em Thipsavanh Phommachak xem Việt Nam là điểm hẹn cho tương lai của cuộc đời mình: “Chúng em biết Việt Nam qua các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như qua các mạng xã hội và qua lời kể của bạn bè từng du học ở Việt Nam”. Đối với Thipsavanh Phommachak, Việt Nam là một nước có nền kinh tế phát triển trong khu vực. Người dân Việt Nam rất chăm chỉ, cần cù, chịu khó trong lao động và chăm học, vậy nên người Việt Nam học rất giỏi. “Chúng em rất mong muốn được sang Việt Nam học tập, tích lũy kinh nghiệm để có cơ hội đóng góp sức trẻ nhằm xây dựng quê hương Lào phát triển; đồng thời tiếp tục vun đắp mối quan hệ thủy chung, son sắt bao đời nay giữa hai đất nước anh em Việt-Lào”, Thipsavanh Phommachak bày tỏ khát vọng.

Các dự án hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo luôn được phía bạn đánh giá cao, đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển tại các địa phương của Lào. “Chuyến thăm của Đoàn lãnh đạo cấp cao thành phố Đà Nẵng đã mang theo những tình cảm ấm áp, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần vun đắp truyền thống đoàn kết, đặc biệt là mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước nói chung, giữa hai địa phương Savannakhet - Đà Nẵng nói riêng”, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng Savannakhet Santiphap Phomvihan cho biết.

Ngay trong chuyến đi thăm và làm việc với các tỉnh Nam, Trung Lào, trong đó có Savanakhet, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, cho biết, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ các tỉnh Nam, Trung Lào trên lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các tỉnh bạn cũng đưa ra nhiều chương trình hợp tác kinh tế, đôi bên cùng có lợi như mời gọi các doanh nghiệp Đà Nẵng sang đầu tư tại Lào, vận chuyển hàng hóa của Lào qua cảng Đà Nẵng, hợp tác khai thác lợi thế Hành lang kinh tế Đông Tây 1, Đông Tây 2 nối liền Đà Nẵng qua cửa khẩu Nam Giang - Đắc Ốc đến Sekong, Champasak (Lào) - Thái Lan...

Rất nhiều chuyến thăm, làm việc đầy ắp tình cảm giữa thành phố Đà Nẵng với các tỉnh Nam, Trung Lào ở các cấp ngày càng nhiều và làm sâu sắc hơn mối quan hệ gắn bó keo sơn giữa Đà Nẵng với các tỉnh Nam, Trung Lào.

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Savannakhet (thuộc Khu Thà-đàn, huyện Kayxone Phomvihane) có diện tích khoảng 1.000m2, tọa lạc bên bờ sông Mekong huyền thoại. Công trình được khánh thành vào tháng 4-2014, trị giá 300.000 USD, được xây dựng bằng nguồn kinh phí của Chính phủ Lào.

Bài và ảnh: ĐẶNG NỞ

;
;
.
.
.
.
.