Qua hơn 5 tháng triển khai phong trào thu gom các loại pin đã qua sử dụng, Hội LHPN phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu) gom hơn 10kg pin cũ. Hoạt động này nhằm giảm thiểu tác hại của chì, thủy ngân, thạch tín thải ra môi trường, bảo vệ sức khỏe của người dân cũng như gia tăng ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng lối sống lành mạnh và có trách nhiệm hơn trong cộng đồng dân cư.
Tuyến đường Hùng Vương (phường Hải Châu 2) tập trung khá nhiều tiệm đồng hồ lớn chuyên bán buôn, sửa chữa các loại đồng hồ trang trí, treo tường, đồng hồ đeo tay… Khi có nguồn pin thải, các cửa tiệm này thường cho vào túi ni-lông rồi bỏ thẳng ra các thùng rác công cộng như một số chất thải đơn thuần khác. Dù có kích thước nhỏ nhưng viên pin cũ được ví như một kho hóa chất độc hại, với lượng lớn kim loại nặng như thủy ngân, chì, thạch tín, có thể gây nguy hiểm cho hệ tim mạch, não, thận, khả năng sinh sản và đặc biệt nguy hại đối với trẻ em.
Chị Lê Vân, chủ tiệm đồng hồ Trung Tâm (183 Hùng Vương) cho biết, tiệm của chị mỗi tháng thải ra gần cả ký pin đã qua sử dụng, đôi khi đó là pin của khách hàng mang đồng hồ tới sửa, hoặc pin của cửa tiệm thải ra sau thời gian gắn vào những chiếc đồng hồ treo tường. Bản thân chị cũng từng lúng túng không biết vứt pin ở đâu để tránh gây hại cho môi trường. Tuy vậy, không thể giữ mãi pin ở cửa tiệm vì pin càng cũ thì lớp màng bọc bên ngoài càng dễ bị oxy hóa.
“Trước đây, chúng tôi chỉ có thể gói thật gọn rồi bỏ ra thùng rác công cộng, nay biết đến phong trào thu gom pin cũ đã qua sử dụng của chị em phụ nữ trong khu vực, tôi rất ủng hộ nên có bao nhiêu pin cũ đều gom lại rồi tới ngày tới tháng gửi cho các chị. Tôi nghĩ rằng, việc thu gom này vừa giúp bảo vệ môi trường trong khu vực, vừa hỗ trợ các cửa hàng đồng hồ trên đường Hùng Vương nhanh chóng “giải phóng” lượng pin cũ”, chị Vân chia sẻ.
Phong trào thu gom các loại pin cũ đã qua sử dụng được Hội LHPN phường Hải Châu 2 triển khai đến các chi hội và các cửa hàng bày bán đồng hồ trên địa bàn phường từ tháng 5-2019. Chị Mai Thị Thúy Vân, Chủ tịch Hội LHPN phường Hải Châu 2 cho hay, việc triển khai chương trình này tại địa phương không chỉ giúp làm sạch môi trường sống trong từng hộ gia đình, từng khu dân cư, mà hơn hết còn giúp người dân có thêm kiến thức về những chất độc hại có trong những vật dụng nhỏ bé và quen thuộc như các loại pin. Nếu như trước đây có khá nhiều người vô tư cho con nhỏ chơi với những viên pin thì bây giờ họ biết tạo khoảng cách an toàn giữa pin và trẻ; đồng thời có ý thức thu gom pin, không thải pin trực tiếp ra môi trường thiên nhiên.
Cũng theo chị Thúy Vân, cùng với phong trào “chống rác thải nhựa” trên địa bàn, Hội LHPN phường Hải Châu 2 sẽ tiếp tục duy trì thường xuyên, lâu dài phong trào thu gom pin đã qua sử dụng. “Pin là dòng sản phẩm thông dụng, hầu như nhà nào cũng có. Trung bình mỗi năm, một gia đình có thể thải ra gần 100 viên pin các loại. Con số này sẽ cao hơn rất nhiều nếu gia đình đó có trẻ em thường xuyên sử dụng các đồ chơi có gắn pin hoặc gia đình có nhiều phòng, diện tích sử dụng lớn, cần sử dụng nhiều bộ điều khiển khác nhau”, chị Vân nói.
Được biết, sau mỗi đợt thu gom pin cũ, chị em phụ nữ thuộc các chi hội mang pin về phường tập kết, sau đó chuyển pin đến điểm thu gom tại Siêu thị BigC Đà Nẵng. Bà Tăng Hoàng Hôn Thắm, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố đánh giá, phong trào thu gom pin cũ của chị em phụ nữ phường Hải Châu 2 giúp người dân trong khu vực có điều kiện loại bỏ những viên pin cũ, độc hại ra khỏi đời sống gia đình, tránh được mối nguy hại về sức khỏe cho chính bản thân người sử dụng. “Mô hình thu gom pin cũ được các Hội LHPN quận Hải Châu, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang thực hiện từ những tháng đầu năm 2019, đến nay đã vận động được 23 địa điểm gồm 10 cửa hàng điện tử, 2 cơ sở bán hàng đồ chơi trẻ em và các nhà sinh hoạt cộng đồng, khu dân cư thực hiện, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Đối với địa bàn phường Hải Châu 2, do đặc thù tập trung nhiều tiệm bán đồng hồ lớn, nhiều cửa hàng đồ chơi, tiệm sửa đồng hồ nên mô hình thu gom pin cũ trở nên hữu ích và vô cùng cần thiết, góp phần vào thành công của phong trào “Chống rác thải nhựa” năm 2019 của chị em phụ nữ đang sinh sống tại các địa bàn khu dân cư”, bà Thắm đúc kết.
HUỲNH LÊ