Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án luật

.

Sáng 15-7, phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Sau kỳ họp thứ 7 đến nay, tuy thời gian không nhiều nhưng được Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội chuẩn bị khẩn trương nên tại phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về 4 dự án luật để chuẩn bị trình ra Quốc hội tiếp tục thảo luận vào kỳ họp thứ 8. Theo đó, 4 dự án luật, gồm: Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Bên cạnh đó, UBTVQH xem xét, quyết định việc thành lập phường Lộc Hòa và phường Mỹ Xá thuộc thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định; thành lập thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; cho ý kiến về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.

UBTVQH tiến hành tổng kết kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Quốc hội điện tử giai đoạn 2019-2026.

* Kết luận phiên thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) vào sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định: Cơ bản các ý kiến của UBTVQH đều tán thành nội dung tiếp thu chỉnh lý của dự án luật. Về tên gọi, cơ bản các ý kiến đồng tình như giải trình của Ủy ban Quốc phòng-An ninh. Về vị trí chức năng của Dân quân tự vệ cũng đã được chỉnh lý cho phù hợp. Vấn đề tự vệ trong doanh nghiệp được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận và ngay tại Phiên họp thứ 35 của UBTVQH cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý. Điều 17 của dự thảo luật cũng đã được tổ chức chặt hơn. Về kinh phí hoạt động của đối tượng dự án luật này cũng cần bảo đảm công bằng, minh bạch, công khai…

Thảo luận tại phiên họp về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, UBTVQH cơ bản tán thành với nhiều nội dung tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo luật, cho rằng việc bổ sung một số điều và 2 chương mới là phù hợp với mục đích là để cụ thể, chi tiết thêm các nội dung của dự thảo luật.

Bên cạnh đó, UBTVQH  đề nghị rà soát kỹ thêm quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam bởi đây là quy định mới. Bên cạnh các cơ sở dữ liệu như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cơ sở dữ liệu về hộ tịch thì việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh là cần thiết, song cũng cần có đánh giá kỹ về tính liên thông, việc kết nối sử dụng chung giữa các cơ quan, đánh giá kỹ vấn đề liên quan đến chi phí, con người, bộ máy. UBTVQH cũng đề nghị rà soát quy định về đối tượng bảo đảm hộ chiếu ngoại giao được sử dụng đúng mục đích, phát huy giá trị; quy định về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh phải bảo đảm yêu cầu chặt chẽ vừa phục vụ công tác quản lý nhưng không được làm ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền của công dân, rà soát quy định về thẩm quyền quyết định tạm hoãn, bổ sung quy định về trách nhiệm của người ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh; làm rõ vai trò của cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp, trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong quản lý hoạt động xuất nhập cảnh…

Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

B.T (tổng hợp từ TTXVN, quochoi.vn)


 

;
;
.
.
.
.
.