Có thể sẽ rút ngắn thời gian phát biểu của đại biểu quốc hội

.

Sáng 16-7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã Tổng kết kỳ họp thứ 7; cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội (QH).

Tiếp tục đổi mới nội dung kỳ họp

Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 8, QH khóa XIV sẽ diễn ra vào tháng 10-2019 với thời gian họp khoảng 22 đến 25 ngày. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các nội dung dự kiến tại kỳ họp này: Xem xét, thông qua 10 dự án luật, cho ý kiến 8 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; xem xét các báo cáo về công tác tư pháp; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện giám sát chuyên đề; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét báo cáo kết quả giám sát (hoặc báo cáo chuyên đề) về vấn đề bức xúc, nổi lên trong lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH do UBTVQH lựa chọn trình QH xem xét, thảo luận tại kỳ họp (nếu có); xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác (nếu có).

Trình bày báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 7, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Sau 20 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ, QH đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình. QH tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo để ban hành những quyết sách quan trọng, đúng đắn, hợp lòng dân, củng cố vững chắc những thành tựu đã đạt được, tạo đà cho đất nước phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định sự nhất trí, đoàn kết trong hoạt động của QH, đồng thời, thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời và sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị, sự quan tâm ủng hộ của cử tri và nhân dân.

QH đã xem xét, thông qua 7 luật, 10 nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự án luật khác; phê chuẩn nhân sự, tiến hành giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác.

Cũng theo Tổng Thư ký QH, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục khẳng định được hiệu quả, hiệu lực và thực chất hơn. Các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn xác đáng, bám sát thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, phù hợp với nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Đại biểu QH đã đặt nhiều chất vấn gọn, rõ, bám sát nhóm vấn đề, thể hiện sự đồng hành, chia sẻ những khó khăn trong quản lý, điều hành của Chính phủ. Nhiều đại biểu đã tranh luận làm rõ thêm những vấn đề quan tâm. Thành viên Chính phủ đã trả lời nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm, đồng thời đưa ra nhiều cam kết khắc phục những mặt hạn chế, bất cập để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực phụ trách. Chủ tọa phiên chất vấn kiên quyết, khéo léo, hài hòa, hướng câu hỏi và trả lời đúng trọng tâm, được cử tri đánh giá cao. Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn giảm nhưng số lượng đại biểu QH đặt câu hỏi và số lượng câu hỏi chất vấn tăng lên.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Công tác phục vụ kỳ họp được chuẩn bị chu đáo, phần mềm cung cấp thông tin, tài liệu kỳ họp bước đầu phát huy hiệu quả tích cực, giúp đại biểu tra cứu tài liệu nhanh, kịp thời, theo dõi được tổng thể các hoạt động của kỳ họp, giảm văn bản giấy và số lượng tài liệu phải mang theo, tiết kiệm chi phí. Việc lấy ý kiến đại biểu QH qua hệ thống điện tử vừa bảo đảm tính chính xác, vừa thể hiện tính khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch. Công tác tiếp dân được thực hiện tốt, các kiến nghị của cử tri gửi tới đại biểu QH trong kỳ họp được nghiên cứu trả lời đầy đủ. Các công tác bảo đảm khác được chú trọng quan tâm, góp phần nâng cao hiệu suất làm việc của đại biểu. 

Tổng Thư ký QH cho biết: Trong thời gian tới, tiếp tục quán triệt đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Thực hiện đúng quy định về gửi hồ sơ, tài liệu kỳ họp đến các vị đại biểu QH. Không bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp sau khi khai mạc kỳ họp, trừ trường hợp thật sự cấp thiết. 

Nâng cao chất lượng chuẩn bị các dự án luật, bảo đảm kỹ thuật lập pháp trước khi trình QH. Tổ chức Hội nghị đại biểu QH chuyên trách, các hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến các đại biểu QH, các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu tác động của các dự án luật trình QH tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019). 

Tăng cường công tác giám sát, trong đó tập trung các vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm như: Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách tư pháp, gian lận thi cử, giá xăng, giá điện, mê tín dị đoan, bạo lực học đường, bạo lực gia đình,… góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân. 

Tiếp tục nghiên cứu đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả kỳ họp, trong đó bảo đảm để các cơ quan có thời gian tập trung tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, dự thảo nghị quyết trong kỳ họp. Tăng cường thông tin về kỳ họp trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần tuyên truyền sâu rộng để tạo đồng thuận về các nội dung nhạy cảm, phức tạp. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phục vụ kỳ họp. Tiếp tục nghiên cứu cải tiến, hoàn thiện, nâng cao tiện ích của phần mềm cung cấp thông tin, tài liệu kỳ họp, giảm tài liệu giấy nhiều hơn nữa. Các vị đại biểu QH tiếp tục phát huy, kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và tích cực chủ động hơn nữa trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. 

“Báo chí rất quan trọng, công tác thông tin cho báo chí những vấn đề mà QH, Chính phủ đang bàn là rất cần thiết. Nhưng còn những cơ quan chưa nhận thức hết việc này”, Phó Chủ tịch QH, Uông Chu Lưu nói.

Làm rõ thêm báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ có trách nhiệm trình 24 báo cáo, tờ trình, dự án luật.

Nhận thức vai trò của thể chế pháp luật, ngay từ đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chất lượng, tiến độ trình các dự án luật, dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp với lãnh đạo các bộ, cơ quan để rà soát tình hình và đôn đốc tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và tình hình chuẩn bị, gửi hồ sơ các báo cáo, đề án, dự án trình kỳ họp thứ 7. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ khẩn trương tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hai văn bản phân công, chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ chuẩn bị báo cáo, tờ trình phục vụ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Thể hiện trách nhiệm cao trước QH, tại Phiên họp Thường kỳ Chính phủ tháng 4/2019, Chính phủ đã cho ý kiến về công tác chuẩn bị tài liệu phục vụ kỳ họp và yêu cầu các bộ ngành khẩn trương soạn thảo, thực hiện các quy trình thủ tục theo quy định, bảo đảm toàn bộ báo cáo, tài liệu gửi tới Văn phòng QH trước khi khai mạc kỳ họp QH; đồng thời chủ động rà soát các dự án Luật trong phạm vi quản lý Nhà nước của bộ, ngành, sớm đề xuất việc sửa đổi những quy định liên quan đến các nội dung Việt Nam đã cam kết trong Hiệp định CPTPP, trình Chính phủ xem xét, quyết định trước khi báo cáo UBTVQH cho ý kiến. Các thành viên Chính phủ chủ động nắm bắt đầy đủ thông tin, kịp thời cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan, giải trình về những vấn đề mà các đại biểu QH và cử tri quan tâm, nhất là những vấn đề nhạy cảm, nổi cộm liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý…

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các thành viên Chính phủ tham dự đầy đủ các buổi thảo luận về kinh tế - xã hội, các phiên trả lời chất vấn tại Hội trường; chủ động trao đổi, phát biểu về những vấn đề QH và cử tri quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh được phân công thay mặt Thủ tướng Chính phủ phát biểu, làm rõ một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu QH về các nội dung liên quan đến chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Có đoàn vắng mặt tới 13 đại biểu

Phát biểu ý kiến góp ý về kỳ họp thứ 7, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH cho rằng thành công của kỳ họp vừa qua cho thấy đã tiết kiệm thời gian, đổi mới công tác chuẩn bị kỳ họp. Việc áp dụng công nghệ chuyển văn bản tới các đại biểu QH bằng thư điện tử đã có nhiều đổi mới.

“Trong kỳ họp thứ 8, thời gian phát biểu của các đại biểu QH nên rút ngắn từ 7 phút xuống còn 5 phút để nội dung phát biểu của địa biểu cô đóng, nhanh gọn hơn”, ông Nguyễn Văn Giàu đề nghị.

Quang cảnh Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quang cảnh Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng, kết quả kỳ họp thứ 7 có nhiều Luật “nóng” được dư luận quan tâm và đã được các đại biểu QH thảo luận, tán thành, đồng thuận cao thông qua kết quả biểu quyết Nghị quyết.

“Tôi đồng tình với QH điện tử cần tiếp tục triển khai. Song trong quá trình thảo luận có những phiên họp ở tổ có buổi họp chất lượng chưa tốt, ghép quá nhiều vấn đề dẫn đến chất lượng thảo luận không cao”, bà Lê Thị Nga nói.

Theo bà Lê Thị Nga, qua theo dõi tại kỳ họp vừa qua, có đoàn đại biểu QH vắng tới 13 người. Như vậy chất lượng của phiên họp tổ không cao. Cử tri theo dõi kỳ họp thông qua việc biểu quyết tỷ lệ phần trăm phiếu trên tổng số đại biểu thấp, rõ ràng đại biểu QH vắng mặt nhiều. “Nhiều vấn đề nóng của xã hội cần được các bộ, ngành giải trình trước QH. Trong đó có việc kiểm soát quyền lực nên đưa báo cáo của các Ủy ban của QH cần đưa vào thảo luận”, bà Lê Thị Nga nói.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH đồng tình: Thành công của kỳ họp là cách thức tổ chức tiến hành kỳ họp, đổi mới trong điều hành, không áp đặt, không cứng nhắc và linh hoạt.

“Mặc dù vậy, cần rút kinh nghiệm trong khâu chuẩn bị tài liệu vẫn còn chậm. Thời gian đọc báo cáo thẩm tra, báo cáo giải trình… xem xét rút ngắn thời gian đọc báo cáo”, ông Nguyễn Khắc Định kiến nghị.

Phó Chủ tịch QH, Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc thảo luận tổ cần giữ nguyên như các kỳ họp trước, nhưng việc thảo luận kinh tế - xã hội nên rút ngắn từ 3 ngày xuống 2 ngày.

Thẳng thắn nhìn vào chất lượng kỳ họp, Phó Chủ tịch QH, Uông Chu Lưu cho rằng: “Hoạt động của đất nước, xã hội đang rất nóng nhưng trong báo cáo của các bộ, ngành có vẻ vẫn quá lạc quan, hồng hào quá. Sau mỗi kỳ họp, lần nào cũng có tổng kết, nhưng những kinh nghiệm, những mặt hạn chế ở kỳ họp trước liệu có được rút kinh nghiệm không lặp lại ở kỳ họp sau? Đó mới là vấn đề cần bàn”. 

Ông Uông Chu Lưu cũng đặt câu hỏi về vấn đề giám sát chất vấn, đổi mới trong kỳ họp tuy đã có nhiều điểm mới nhưng việc giám sát chính sách, giám sát pháp luật như thế nào? Đó mới là vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm, qua đó mới thấy QH đổi mới thực sự, đây là điều cần rút kinh nghiệm sâu sắc.

Theo Phó Chủ tịch QH, Uông Chu Lưu, khi đưa vấn đề kinh tế - xã hội ra thảo luận tại Hội trường và ở tổ cần đi vào trọng tâm về chính sách cụ thể, những vấn đề quyết định, không thể để các đại biểu phát biểu biểu thiếu trọng tâm, có nhiều ý kiến trùng lặp. 

Kết luận Phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Các ý kiến thảo luận hôm nay đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế mà kỳ họp thứ 7 còn tồn tại. Kỳ họp thứ 7 là kỳ họp ngắn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các Luật và dự thảo Luật được đưa ra bàn thảo, thông qua tại kỳ họp đều có chất lượng, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.

Công tác chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp liên tục được đổi mới, câu hỏi của đại biểu và phần trả lời của Chính phủ, các thành viên Chính phủ ngắn, đi thẳng vào vấn đề, có trọng tâm. 

Công tác ứng dụng thông tin, đổi mới trong kỳ họp, cải tiến trong việc áp dụng thông tin điện tử đã có nhiều đột phá được các đại biểu đánh giá cao. Sự phối hợp giữa các UBTVQH với Chính phủ, Chính phủ với QH rất nhịp nhàng, hiệu quả.

"Vấn đề tồn tại triền miên đó là các bộ ngành, Chính phủ chậm gửi báo cáo tới QH trước kỳ họp vẫn còn. Đại biểu vắng mặt trong các phiên họp của QH rất nhiều, có hôm có đoàn đại biểu vắng tới 50%. Ngay cả ngày biểu quyết mà các đại biểu vẫn vắng mặt. Đây là điều mà QH cần rút kinh nghiệm", Chủ tịch QH, Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Theo Chủ tịch QH, vẫn còn đại biểu thiếu thận trọng khi phát biểu, khiến dư luận hiểu lầm. Vấn đề tranh luận tại hội trường, trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn giữa đại biểu với đại biểu; đại biểu với người được chất vấn vẫn còn. Điều này cũng cần rút kinh nghiệm.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.