60 năm mở đường Hồ Chí Minh (19-5-1959 - 19-5-2019): Quyết tử để thông đường

.

ĐNO - Trong cuộc gặp mặt của 300 cựu thanh niên xung phong (TNXP) nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh diễn ra tại thành phố Đà Nẵng cuối tháng 4 vừa qua, những người anh dũng khai phá, bảo vệ con đường huyền thoại ôn lại những kỷ niệm không bao giờ quên của một thời quyết tử để thông đường.

Ông Nguyễn Tiến Mai
Ông Nguyễn Tiến Mai ôn lại kỷ niệm một thời.

Tại cuộc gặp mặt, chúng tôi khá ấn tượng với người Đại đội trưởng Đội TNXP giữ Đường 20 Quyết Thắng - ông Nguyễn Tiến Mai (quê Thạch Hà, Hà Tĩnh). Dù đã 84 tuổi, với biết bao vết thương đang mang trên mình, trí nhớ của ông vẫn còn minh mẫn.

Ông bảo, sau nhiều năm, được gặp lại đồng đội, ông cảm thấy bồi hồi, xúc động lắm. Lật từng trang ký ức, có những lúc không còn nhớ rõ vì thời gian, tuổi tác, nhưng những câu chuyện ông kể một thời thật bi hùng.

Năm 29 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Tiến Mai rời làng quê Hà Tĩnh để vào Đường 20 Quyết thắng theo tiếng gọi của Trung ương Đoàn với phong trào TNXP. Từ tháng 12-1965, ông đã làm B trưởng (Trung đội trưởng), rồi C phó (Đại đội phó) và sau là C trưởng C1. Đơn vị C1 đóng chốt ở Cà Roòng  từ năm 1966 đến khi hòa bình lập lại.

Ông cho biết, chốt Cà Roòng là đoạn đường “huyết mạch” của Đường 20 Quyết thắng, với chiều dài 41km/125km tổng chiều dài con đường, với nhiều lèn đá rất khó đi và nguy hiểm. “Thời điểm ấy, hầu hết rừng rậm, mưa gió ở Quảng Bình rất khắc nghiệt. Sên, vắt đầy rẫy. Áo quần mỗi người chỉ hai bộ, ẩm ướt suốt. Đàn ông thì đỡ vất vả, còn phụ nữ thì rất khổ. Ban đêm tranh thủ sưởi khô để mặc. Địch thì bắn phá suốt đêm ngày. Máy bay C130 quần từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng. Ban ngày, máy bay trinh sát của địch luôn trinh sát, bắn hỏa mù, báo hiệu cho phản lực ra đánh bom”, ông kể.

Ở tuyến đường này, mỗi ngày địch bắn phá, dội bom cả chục lần, có ngày hơn 100 lần, chủ yếu bom bi, bom chuồn chuồn, từ trường, bom lá, ba càng… nhằm phá đường, tiêu diệt lực lượng, không cho lực lượng ta có thời gian san lấp đường, không để xe vận tải qua lại.

“Ban đầu khi địch thả bom, ta chưa có cách để phá gỡ nên hy sinh nhiều. Nhưng rồi lực lượng TNXP đã có cách phá chế nó, hạn chế được thương vong”, ông xúc động.

Đặc biệt, địch thường thả “cây nhiệt đới” để dò tìm lực lượng ta. Hằng ngày, ông Nguyễn Tiến Mai chỉ đạo các trinh sát lên các quả đồi cao để theo dõi địch. Khi phát hiện máy bay có thả “cây nhiệt đới”, các trinh sát báo vị trí để đồng đội tiến hành phá gỡ.

“Nếu phát hiện, báo xử lý ngay bằng việc chập hai ăng-ten lại với nhau thì không có vấn đề gì; nhưng khi không xử lý kịp thì rất nguy hiểm, bom tọa độ sẽ “nện” ngay sau đó, thương vong là không tránh khỏi. Cạnh đó, việc phá bom từ trường cũng rất khó khăn, cũng đã có rất nhiều anh em hy sinh”, ông rơm rớm nước mắt nhớ lại.

Những năm 1968 đến 1972 là thời điểm ác liệt tại tuyến đường “huyết mạch” 20 Quyết thắng. Mỹ - ngụy quyết không để xe vận tải chi viện cho miền Nam, Đường Hồ Chí Minh nói chung, Đường 20 Quyết thắng nói riêng hằng ngày nhận hàng chục đến hàng trăm trận bom B52 của địch.

Mỗi lần xong trận bom, ông Nguyễn Tiến Mai lại chỉ huy lực lượng và trực tiếp ra san lấp để xe tiếp tục chạy qua. “Với tinh thần quyết tử để đường thông thoáng, để chiến trường miền Nam bớt khổ, vì vậy, khi xe vận tải đến là phải qua, không để chờ. Có khi đang làm, B52 lại thả bom, TNXP chỉ kịp nằm xuống. Tinh thần của chúng tôi là tất cả vì đường thông chứ không sợ chết”, ông Mai nói.

Những TNXP giữ Đường 20 Quyết thắng luôn trong tâm thế sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ thông đường. Mọi thứ khâm liệm nếu khi đồng đội ngã xuống đều được chuẩn bị đầy đủ ở lán trại. Nhắc đến đây, ông Nguyễn Tiến Mai không cầm được nước mắt khi chứng kiến nhiều người phải ngã xuống bên cạnh ông. Đó là lần 4 đồng đội xung phong đi xử lý bom từ trường và hy sinh. Đó là lần đồng đội đang san lấp hố bom thì bị bom tọa độ đánh trúng, bị thương nặng; lúc được ông cõng lên thì đã qua đời.

Gần 10 năm tham gia bảo vệ Đường 20 Quyết thắng, ông Nguyễn Tiến Mai chỉ huy đại đội cũng như trực tiếp xử lý hàng trăm quả bom nổ chậm, từ trường. Riêng vùng Cà Roòng, đơn vị đã bốc lăn đi 61 quả bom nổ chậm, từ trường; phá 245 “cây nhiệt đới”; hàng vạn quả mìn vướng nổ; lấp 370 hố bom, san hàng vạn mét khối đất đá làm đường…

Nhắc đến người đồng đội của mình, cựu TNXP Lê Thị Hải (73 tuổi, ngụ Hà Tĩnh) cho biết, Đại đội trưởng Nguyễn Tiến Mai là một người luôn xông xáo, kiên cường, năng động, quyết đoán và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; là chiến sĩ thi đua toàn quốc nhiều năm.

Ông khiêm tốn, ít kể về những câu chuyện hào hùng một thời giữ Đường 20 Quyết thắng. Bởi theo ông, đó là nhiệm vụ ai cũng phải làm trong chiến tranh, để bảo vệ xe, bảo vệ lương thực, vũ khí đưa vào chiến trường miền Nam, để cho miền Nam sớm giải phóng, thống nhất nước nhà, để non sông thu về một mối.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

 

;
;
.
.
.
.
.