Không rải đồ cúng ra đường - mô hình hay

.

Mô hình “Khu dân cư (KDC) không có hộ gia đình rải gạo, muối, vật cúng ra vỉa hè, lòng đường” do Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Cẩm Lệ phát động từ năm 2017 và chọn 14 KDC ở phường Khuê Trung làm điểm, đến năm 2018 nhân rộng trong toàn quận. Ủy ban MTTQ quận và các tổ chức thành viên phối hợp tuyên truyền vận động toàn dân không rải gạo, muối, vật cúng ra vỉa hè, lòng đường, thay vào đó, từng hộ tự sắm 1 tấm bạt để rải gạo, muối, vật cúng và 1 thùng thiếc để đốt giấy vàng mã, sau khi cúng xong tự giác thu dọn sạch sẽ. Mỗi KDC thành lập một tổ vận động và giám sát thực hiện mô hình, do Trưởng ban công tác Mặt trận làm tổ trưởng. Từng tổ dân phố triển khai mô hình và vận động người dân đăng ký thực hiện; đồng thời vận động gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước.

Ra mắt mô hình “Họ đạo Trung Bửu vì môi trường xanh-sạch-đẹp”.
Ra mắt mô hình “Họ đạo Trung Bửu vì môi trường xanh-sạch-đẹp”.

Tại Ban công tác Mặt trận số 30, phường Khuê Trung, sau khi triển khai mô hình “KDC không có hộ gia đình rải gạo, muối, vật cúng ra vỉa hè, lòng đường”, tổ vận động và giám sát thường xuyên đi kiểm tra trên các tuyến đường vào hai tối rằm và mồng 1 âm lịch hằng tháng. Những trường hợp không thực hiện đều được nhắc nhở kịp thời. Ông Trần Văn Hồng, Trưởng ban công tác Mặt trận số 30 chia sẻ: “Thời gian qua, tổ vận động và giám sát đã nhắc nhở 7 trường hợp và đến nay cả 7 trường hợp này đều chuyển biến tốt; trong dịp rằm tháng 8 vừa qua, 151 hộ trong KDC không có hộ nào vi phạm”.

Một đơn vị khác là Ban công tác Mặt trận số 10, phường Hòa Thọ Tây đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí mua bạt và thùng đốt giấy cho 5 hộ có hoàn cảnh khó khăn. Tại buổi phát động mô hình ở KDC này, mới có 30% hộ gia đình đăng ký thực hiện, sau đó, tổ vận động và giám sát đã đi đến từng nhà vận động từng hộ dân và 172/172 hộ đều đã ký cam kết thực hiện. Theo Trưởng ban công tác Mặt trận số 10 Nguyễn Danh Ngãi, tuy đã đăng ký nhưng vẫn còn những hộ chưa tự giác thực hiện, nhất là những hộ làm nghề buôn bán. Do vậy, tổ vận động và giám sát tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở.

Cùng với đó, Mặt trận các cấp vận động các tổ chức tôn giáo và đồng bào có đạo trên địa bàn quận thi đua thực hiện phong trào Vì môi trường xanh-sạch-đẹp. Từ phong trào này, các vị chức sắc đã tổ chức nhiều mô hình sát hợp thực tế về bảo vệ môi trường. Đơn cử như Giáo xứ Trung Bửu (phường Khuê Trung) có mô hình “Họ đạo Trung Bửu vì môi trường xanh-sạch-đẹp” với việc khuyên dạy giáo dân vừa làm tròn phận đạo, vừa chú tâm chăm lo phận đời, thực hiện đúng các quy định về nếp sống văn hóa, văn minh. Hay như Ban trụ trì chùa Bàu Sen (phường Hòa Thọ Đông) triển khai mô hình “Đạo hữu chùa Bàu Sen vì môi trường xanh-sạch-đẹp”, kêu gọi toàn thể gia đình Phật tử hưởng ứng chủ trương không rải gạo, muối, vật cúng ra vỉa hè, lòng đường.

Thời gian qua, mô hình “KDC không có hộ gia đình rải gạo, muối, vật cúng ra vỉa hè, lòng đường” đã tạo ra một bước chuyển tốt trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Đến nay, mô hình này đã được thực hiện ở 71 KDC trên địa bàn quận. Lãnh đạo các phường đều xác định đây là một tiêu chí quan trọng trong việc xây dựng “Phường thân thiện với môi trường”. Đúc kết kinh nghiệm qua 2 năm thực hiện, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Cẩm Lệ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng, phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ được triển khai ở tất cả 123 KDC trong toàn quận. “Việc thay đổi một tập quán không tốt nhưng đã ăn sâu trong đời sống người dân là cả quá trình lâu dài và phải thực hiện kiên trì, với sự phối hợp đồng bộ của tất cả các tổ chức, đoàn thể, Mặt trận và đến từng hộ dân”, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Nguyễn Thị Lý nhấn mạnh.   

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.
.