Loạn dịch vụ làm đẹp tại spa - Bài cuối : Chồng chéo trong quản lý

Sự chồng chéo trong cấp phép, quản lý của cơ quan chức năng đã tạo cơ hội cho các spa “vượt rào” trong quá trình hoạt động. Việc xuất hiện những “thẩm mỹ viện” tự phong là điều không tránh khỏi.

Nhiều bác sĩ không tỏ ra ngạc nhiên trước thông tin các spa công khai quảng cáo các dịch vụ nhấn mí bằng chỉ vàng nano, tiêm botox thon gọn cằm, tạo má lúm đồng tiền, lăn kim tái tạo da mặt không qua bước ủ tê... bởi thực trạng này nhan nhản.

Bác sĩ Văn Ngọc Kỳ, Phó Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng, đồng thời là chủ Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) Kỳ Bình cho rằng, sẽ rất nguy hiểm nếu một số cơ sở spa không có bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ nhưng vẫn thực hiện các thủ thuật xâm lấn như sửa mũi, gọt cằm... Theo ông, với những cơ sở can thiệp trực tiếp đến sức khỏe con người, dù lớn hay nhỏ cũng nên giao cho ngành y tế cấp phép hoạt động để tiện quản lý, kiểm tra, nhằm hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình hành nghề, dễ gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo Pháp lệnh về Hành nghề y, dược tư nhân ban hành ngày 30-9-1993, cơ sở giải phẫu thẩm mỹ là một trong những nơi được tổ chức hành nghề y tư nhân, được phép sử dụng đến yếu tố tiêm, chích. Trong đó, người hành nghề phải đạt các tiêu chuẩn như có bằng tốt nghiệp đại học y, trung học y, sơ học y... Trước những yêu cầu nghiêm ngặt liên quan đến sức khỏe của người dân, bác sĩ Võ Doãn Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng cho rằng, ít nhất, kỹ thuật viên tại spa phải đạt trình độ điều dưỡng trở lên mới có hiểu biết về y học cơ bản. Và bất cứ cơ sở làm đẹp nào có sử dụng các kỹ thuật gây chảy máu trên da đều phải do ngành y tế quản lý.

Thống kê sơ bộ, Đà Nẵng hiện có trên 30 thẩm mỹ viện (TMV) và hàng trăm cơ sở chăm sóc sắc đẹp đang hoạt động, tập trung nhiều nhất ở hai quận Hải Châu và Thanh Khê.

Trưởng phòng Y tế quận Hải Châu Võ Văn Đông cho biết, cách đây 2 năm, sau khi vụ TMV Cát Tường ở Hà Nội để xảy ra chết người gây xôn xao dư luận, Phòng Y tế quận đã lập đoàn kiểm tra liên ngành khảo sát hơn 100 cơ sở spa trên địa bàn; tuy nhiên thời điểm đó chưa phát hiện sai phạm nào đáng kể. Hai năm trở lại đây, phòng chưa thực hiện cuộc kiểm tra tương tự. Ông Đông lý giải, một phần do lực lượng quá mỏng, chỉ 5 cán bộ nhưng quản lý nhiều mảng như an toàn vệ sinh thực phẩm (hơn 700 cơ sở), cơ sở y - dược tư nhân (hơn 500 cơ sở)... Chưa kể năm nay, Đà Nẵng tiếp tục triển khai chương trình “Thành phố 4 an” nên bộ phận y tế chỉ tập trung mạnh vào an toàn vệ sinh thực phẩm; mảng chăm sóc sắc đẹp, spa vì thế cũng bị lơ là.  

Trong khi đó, khi phóng viên gọi điện thoại đến văn phòng UBND phường Thạch Thang (quận Hải Châu) nêu mong muốn được biết hiện nay trên địa bàn phường có bao nhiêu cơ sở chăm sóc sắc đẹp, spa đang hoạt động, người cầm máy đã cho số điện thoại di động của cán bộ phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội phường vì: “Có thể anh ấy biết”. Tuy nhiên, khi liên lạc với cán bộ này, trả lời, dù nằm trên địa bàn phường nhưng phường không thể nắm được do các cơ sở chăm sóc sắc đẹp như spa, cơ sở massage, chăm sóc da... được UBND quận cấp phép kinh doanh và quản lý. Chưa kể theo quy định, phường không có chức năng tự tổ chức đoàn kiểm tra mà chỉ trông chờ vào việc tham gia đoàn kiểm tra liên ngành do UBND quận tổ chức. “Là cán bộ phụ trách văn hóa, thể thao, bản thân tôi chỉ quản lý những cơ sở liên quan đến hoạt động văn hóa như vũ trường, karaoke, câu lạc bộ thể dục thẩm mỹ và từ trước đến nay chưa tham gia vào đoàn kiểm tra các cơ sở spa nên không biết hiện nay các cơ sở này hoạt động ra sao”, cán bộ này thừa nhận.

Được biết, quy trình cấp phép và quản lý các TMV hiện nay liên quan đến 4 sở, gồm: Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Y tế. Trong khi đó, để đi vào hoạt động, các cơ sở spa chỉ cần xin giấy phép hoạt động do Phòng Tài chính - Kế hoạch quận cung cấp và xin phép phòng Văn hóa - Thể thao để treo biển hiệu quảng cáo...

Theo đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư, tuy là đơn vị cấp phép nhưng công tác hậu kiểm gặp khó khăn vì ngành không đủ năng lực chuyên môn để thực hiện. Sở Văn hóa - Thể thao chỉ xử phạt những cơ sở treo biển, bảng quảng cáo sai quy định. Tuy nhiên, chưa có cơ sở spa nào tại Đà Nẵng bị phạt về vấn đề này. Còn Sở Thông tin - Truyền thông cho biết ngành không đủ nhân lực để kiểm soát nội dung quảng cáo của các cơ sở làm đẹp và thực tế cán bộ cũng không đủ năng lực để đánh giá các cơ sở làm đẹp có quảng cáo quá chức năng hay không!

Trong khi đó, quy định tại Thông tư số 41/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, Sở Y tế chỉ cấp giấy phép hoạt động cho các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ làm các dịch vụ như: tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da ở vùng mặt, vùng cổ; tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai. Còn các cơ sở spa, thẩm mỹ khác hiện nay không phải là cơ sở kinh doanh có điều kiện bắt buộc nên không thuộc quản lý của Sở Y tế.

Bà Trương Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch quận Hải Châu: Các cuộc kiểm tra đều báo trước nên khó phát hiện sai phạm

Là đơn vị cấp phép các cơ sở spa hoạt động trên địa bàn quận, năm 2015, Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với Phòng Y tế quận đi kiểm tra hoạt động của các spa. Tuy nhiên, với chuyên môn của mình, Phòng chỉ kiểm tra spa hoạt động có giấy phép hay không, có vượt quá chức năng, nhiệm vụ cũng như có nói rõ nguồn gốc mỹ phẩm được sử dụng. Còn vấn đề chuyên môn y tế thì thuộc về Phòng Y tế. Các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế cấp phép hoạt động đều yêu cầu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, riêng spa thì không có yêu cầu này. Việc kiểm tra các spa cũng rất khó phát hiện sai phạm do các cuộc kiểm tra đều được thông báo trước.

TIỂU YẾN

TIỂU YẾN - HẢI ÂU

;
.
.
.
.
.