Chính trị - Xã hội

Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng: Dấu ấn về học thuật

07:49, 26/04/2017 (GMT+7)

Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng (sau đây gọi tắt là Hội) tổ chức Đại hội lần thứ II nhiệm kỳ 2011-2016 vào ngày 16-10-2011, đến nay đã hết nhiệm kỳ. 5 năm là một khoảng thời gian không dài, lại hoạt động trong tình cảnh “ba không” - không biên chế, không trụ sở, không kinh phí, sự đóng góp của Hội vẫn còn quá khiêm tốn so với yêu cầu và tiềm năng.

Tuy nhiên 5 năm qua, Hội đã phát huy ưu thế sở tại/lợi thế bản địa để tập trung các hoạt động học thuật vào việc nghiên cứu những vấn đề lịch sử xứ Quảng, có được tiếng vang trong giới sử học cả nước, được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học-kỹ thuật thành phố Đà Nẵng ghi nhận.

Đại diện Hội Khoa học Lịch sử thành phố, Sở Giáo dục-Đào tạo cùng học sinh Đà Nẵng dâng hương tưởng niệm 90 năm Ngày cả nước để tang nhà yêu nước Phan Châu Trinh(24-3-1926 _ 24-3-2016). Ảnh: KHÁNH HIỀN
Đại diện Hội Khoa học Lịch sử thành phố, Sở Giáo dục-Đào tạo cùng học sinh Đà Nẵng dâng hương tưởng niệm 90 năm Ngày cả nước để tang nhà yêu nước Phan Châu Trinh (24-3-1926 _ 24-3-2016). Ảnh: KHÁNH HIỀN

4 năm liền, từ năm 2013 đến nay, hằng năm, Hội đều tổ chức Ngày Hội Sử học Đà Nẵng. Ngày Hội Sử học Đà Nẵng 2013 được Báo Đà Nẵng bình chọn là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của thành phố năm 2013. Hoạt động học thuật và truyền thông gây tiếng vang lớn nhất trong Ngày Hội Sử học Đà Nẵng 2013 là Hội thảo khoa học Vai trò Nguyễn Tri Phương trên mặt trận Đà Nẵng trong kháng chiến chống Liên quân Pháp-Tây Ban Nha 1858-1860 do Hội phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức vào ngày 28-9. Nhân dịp này, theo tham mưu của Hội, lãnh đạo thành phố cũng đã đến đặt vòng hoa và dâng hương tại Nghĩa trủng Phước Ninh mới ở nghĩa trang Sơn Gà, nơi quy tập khoảng 3.000 hài cốt nghĩa sĩ đã vị quốc vong thân trong cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải 155 năm trước.

Ngày Hội Sử học Đà Nẵng 2014 gắn với hoạt động duy nhất: Cuộc thi viết về huyện đảo Hoàng Sa thân yêu. Tham gia cuộc thi này, người dự thi được yêu cầu thể hiện tình cảm của bản thân đối với huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng - phần lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam đang bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép 40 năm nay, trong một bức thư viết dưới dạng văn xuôi gửi cho một người bạn thân đang là học sinh/sinh viên ở một tỉnh, thành phố trong nước hoặc nước ngoài. Hơn 87.000 bức thư viết tay của học sinh trung học, cao đẳng và đại học trên địa bàn Đà Nẵng đã được gửi dự thi.

Ngày Hội Sử học Đà Nẵng 2015 có 2 hoạt động chủ yếu. Một là tọa đàm đóng góp của người Quảng vào việc xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong hai năm 1945-1946, do Hội và Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố đồng tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 16-8-2015. Đây là một sinh hoạt học thuật nhằm góp phần kỷ niệm 70 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Hai là, Hội phối hợp với Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường phổ thông trên địa bàn thành phố tổ chức cho học sinh nghiên cứu Thư Bác Hồ gửi học sinh nhân Ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 vào thời gian sau khai giảng năm học 2015-2016.

Ngày Hội Sử học Đà Nẵng 2016 cũng có 4 hoạt động chủ yếu: Kỷ niệm 50 năm Sự kiện nhân dân Đà Nẵng làm chủ thành phố 76 ngày đêm (1966-2016); kỷ niệm 90 năm Ngày cả nước để tang Phan Châu Trinh (24-3-1926 – 24-3-2016); kỷ niệm 100 năm Ngày Thái Phiên hy sinh vì đại nghĩa; tổ chức hội thảo khoa học Phong trào yêu nước và cách mạng ở đất Quảng từ sau Trung kỳ dân biến năm 1908 đến Khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân năm 1916: Một trăm năm nhìn lại.

Ngày Hội Sử học Đà Nẵng hằng năm được đánh giá cao không chỉ do hàm lượng khoa học trong các hoạt động học thuật hay do được triển khai trên diện rộng nhằm tạo hiệu ứng tâm lý đối với số đông công chúng mà còn nhờ được quảng bá sâu rộng trên các phương tiện thông tin truyền thông và trực quan cổ động. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Hội tiếp tục tổ chức Ngày Hội Sử học Đà Nẵng 2017 vào tháng 10 đến nhằm chào mừng Tuần lễ Cấp cao APEC, với chủ đề Đà Nẵng trên hành trình giao lưu quốc tế.

Đà Nẵng được Tổ quốc giao quản lý quần đảo Hoàng Sa hơn nửa thế kỷ qua, từ năm 1961 đến nay. Chính vì thế, ngoài lòng đam mê về học thuật, giới sử học Đà Nẵng còn dành nhiều tình cảm và tâm huyết cho huyện đảo thân yêu của mình hơn 40 năm nay bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép, từ đó tập trung vào việc nghiên cứu và tổ chức những hoạt động chuyên môn nhằm góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa.

Trong 5 năm qua, Hội tổ chức nhiều diễn đàn về huyện đảo Hoàng Sa, trong đó nổi bật là hội thảo khoa học Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, với sự có mặt của các nhà nghiên cứu như Dương Trung Quốc, Nguyễn Khắc Mai, Trần Công Trục, Đinh Hoàng Thắng... được tổ chức vào chiều ngày 19-1-2014 ở ngay một khách sạn mang tên Hoàng Sa trên đường Dương Đình Nghệ, quận Sơn Trà.

Đặc biệt, trong thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chiều ngày 12-5-2014, Hội kịp thời phối hợp với Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị và Hội Nghề cá thành phố tổ chức mít-tinh và ra Tuyên bố phản đối Trung Quốc.

Nhiều hội viên của Hội đã đọc tham luận tại hội thảo quốc tế Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử do Đại học Đà Nẵng và Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức vào hai ngày 20 và 21-6-2014. Cũng trong khuôn khổ hội thảo quốc tế này, Hội phối hợp với hai đơn vị này tổ chức cuộc triển lãm Hoàng Sa-Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam, với sự tham dự của nhiều học giả quốc tế.

Về hoạt động xuất bản tài liệu sử học và nghiên cứu khoa học lịch sử, trong nhiệm kỳ 2011-2016, từ đầu năm 2012 đến Đại hội lần thứ III, Hội cho ra mắt bạn đọc 9 đặc san Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng, được giới sử học đánh giá cao về chất lượng bài vở và nhất là về những điểm mới trong cách nhìn lịch sử.

Sau hội thảo khoa học “Vai trò Nguyễn Tri Phương trên mặt trận Đà Nẵng trong kháng chiến chống Liên quân Pháp-Tây Ban Nha 1858-1860”, Hội phối hợp với Chi nhánh Nhà xuất bản Giáo dục tại Đà Nẵng biên tập, xuất bản và phát hành 1.000 cuốn sách “Mặt trận Đà Nẵng trong kháng chiến chống Liên quân Pháp-Tây Ban Nha 1858-1860” đến với bạn đọc ở thành phố Đà Nẵng.

Tháng 1-2014, Hội phối hợp với UBND huyện Hoàng Sa và Nhà xuất bản Thông tin - Truyền thông tiến hành chỉnh lý, bổ sung cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa xuất bản lần đầu vào tháng 1-2012. Nhân kỷ niệm 10 năm Ngày mất của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng Hồ Nghinh, Hội cũng phối hợp với Nhà xuất bản Đà Nẵng và gia đình ông tổ chức biên soạn cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của ông với nhan đề Hồ Nghinh - một đời vì nước, vì dân; đồng thời tổ chức giới thiệu cuốn sách này vào ngày 25-2-2017.

Hội còn chủ trì nghiên cứu đề tài khoa học cấp thành phố “Cuộc khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân qua các tài liệu mới” từ năm 2012, đã được nghiệm thu cuối tháng 12-2014, đạt loại tốt. Đóng góp quan trọng của hoạt động học thuật này là đã mua sao trên 500 trang tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia hải ngoại đặt tại thành phố Aix-en-Provence, thông qua Công ty Xưa và Nay (tức tạp chí Xưa và Nay), với sự giúp đỡ của Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc và PGS.TS Nguyễn Phương Ngọc - Giảng viên Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam tại Đại học Tổng hợp Aix-Marsseille I (Provence), thành viên của Hội Hợp tác Pháp-Việt; trong đó chọn dịch ra tiếng Việt hơn 300 trang tài liệu chính yếu nhất (của 189 tài liệu, thuộc hai Hồ sơ số 65530 và số 4199).

Dự kiến trong nhiệm kỳ mới, Hội sẽ tập trung biên soạn bộ Thông sử Đà Nẵng - từ thời kỳ tiền sử/sơ sử cho đến đương đại. Lâu nay, những người làm sử ở Đà Nẵng chủ yếu mới tham gia biên soạn lịch sử Đảng bộ các cấp/ lịch sử đấu tranh cách mạng của các địa phương/ lịch sử lực lượng vũ trang và một số ngành khác của thành phố từ khi có Đảng. Nếu được lãnh đạo thành phố ủng hộ và đầu tư đúng mức, chắc chắn đây sẽ là đóng góp học thuật lớn nhất của Hội Khoa học Lịch sử thành phố trong nhiệm kỳ 2017-2022.

Bùi Văn Tiếng

.