.

Buông lỏng quản lý nghĩa trang

.

Thời gian gần đây, tình trạng mua, bán đất làm mồ mả rồi độc quyền xây dựng với giá cao hơn bình thường lại tiếp tục xảy ra tại khu vực nghĩa trang Gò Cà (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang). Chính quyền địa phương dù biết rõ nhưng bất lực khiến thực trạng này càng trở nên nghiêm trọng, gây tâm lý bức xúc, hoang mang cho người dân.

Theo lời anh T., một thợ xây kiêm “cò” đất, muốn mua bao nhiêu đất nghĩa trang cũng có.
Theo lời anh T., một thợ xây kiêm “cò” đất, muốn mua bao nhiêu đất nghĩa trang cũng có.

Tùy tiện áp giá

Một ngày cuối tháng 9, trong vai người có nhu cầu mua đất chuyển mồ mả cho người thân ở Huế vào, chúng tôi được ông B., nhà ở ngay trước cổng nghĩa trang Gò Cà tiếp đón rất nhiệt tình. Theo lời tự giới thiệu, ông B. cho biết đã sống bằng nghề xây dựng nghĩa trang hàng chục năm nay, nhận không biết bao nhiêu hợp đồng xây dựng của người có nhu cầu. “Muốn làm lớn thì tiền lớn, làm nhỏ có tiền nhỏ. Nếu mồ ốp gạch men có chân quỳ, khổ trên dưới, nắp đai, nền các kiểu thì khoảng 2 chục triệu đồng, làm bằng đá granit thì 3 chục triệu đồng, đá Tiên Sa thì 4 chục triệu đồng. Giá như vậy nhưng kèm một điều kiện là phải để thợ ở trên này làm!”, ông B. “chào giá” khi đề cập đến chuyện xây mộ tại nghĩa trang Gò Cà.

Khu vực nghĩa trang Gò Cà hiện nay có hàng chục người dân địa phương sinh sống bằng nghề xây dựng mồ mả. Sẽ không có gì bàn cãi nếu đó là một công việc mưu sinh chân chính. Tuy nhiên, giữa những nhóm thợ xây dựng ở đây cũng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn do áp mức giá chênh lệch, tranh giành khách, nhóm thợ ngoài địa phương tuyệt đối không được can thiệp vào.

Sau khi dẫn chúng tôi đi xem đất ở một số khu vực, anh P., một thợ xây kiêm “cò” đất tại địa phương chỉ tay vào ngôi mộ mới xây bằng đá granit gần cổng chính vào nghĩa trang và nói: “Bọn tôi vừa bàn giao xong, hết tổng cộng 150 triệu đồng cho hai ngôi mộ này, chủ nhà vừa thanh toán tiền hôm kia”. Theo anh P., mức giá này khá “mềm” so với giá mà ông B. đã “chào” trước đó. “Mỗi ngôi mộ làm bằng đá granit chúng tôi chỉ lấy khoảng 25 triệu đồng thôi. Bờ tường thì có mét có tiền, chừng 350.000 đồng mỗi mét, mái che khoảng 4,8 triệu đồng mỗi mét vuông, giá này rẻ nhất nghĩa trang rồi đấy”, anh P. cho biết.

Mặc dù đây là cách làm ăn vô lý nhưng tâm lý chung của nhiều người dân dù bức xúc cũng không dám phản ánh đến cơ quan chức năng, vì sợ bị… trả thù bằng cách đập phá mồ mả! Mới đây, do không chịu được cách làm trên nên ông Nguyễn Hữu T. (trú quận Hải Châu) đã có đơn phản ánh gửi các cơ quan chức năng, báo chí trên địa bàn thành phố về thực trạng này.

Theo phản ánh của ông T., ngày 8-9 vừa qua, gia đình ông dời mộ của người thân từ Huế về nghĩa trang Gò Cà để chôn cất. Khi nhóm thợ gia đình ông thuê ở quê đang tiến hành xây dựng thì bị một nhóm thợ địa phương đến ngăn cản, đe dọa, thậm chí hành hung khi người nhà ông có ý định chụp hình. “Trước đó mấy ngày, tôi có đến hỏi giá xây dựng với ông Ch., một thợ xây tại đây, nhưng mức giá họ đưa ra cao gấp 3 lần bên ngoài nên chúng tôi phải đưa thợ của mình lên làm để tiết kiệm”, ông T. phản ánh.

Theo một thợ xây dựng mà ông T. thuê, nếu với mức giá đó thì ngày công của thợ xây tại nghĩa trang sẽ khoảng 500.000 - 600.000 đồng mỗi ngày, trong khi ngày công bình quân của thợ nề hiện nay chỉ khoảng từ 200.000 - 250.000 đồng.

Những bảng hiệu công khai chuyển nhượng đất nghĩa trang trái quy định ở khu vực gần nghĩa trang Gò Cà.
Những bảng hiệu công khai chuyển nhượng đất nghĩa trang trái quy định ở khu vực gần nghĩa trang Gò Cà.

Công khai bán đất

Không chỉ tùy tiện áp giá và độc quyền xây dựng, tình trạng bán đất nghĩa trang tại Gò Cà diễn ra hết sức công khai. Trở lại câu chuyện với ông B., như để biện minh cho hành động độc quyền trong xây dựng của mình, ông nói: “Đất bán bảo đảm nguyên thủy, hướng đầu xoay về núi, chân đạp xuống suối, giá chỉ khoảng 400.000 - 500.000 đồng mỗi mét vuông thôi. Giá đất rẻ nên chúng tôi phải được nhận luôn phần xây dựng để bù vào”.

Quốc lộ 14B đoạn đi qua khu vực nghĩa trang Gò Cà có trên chục biển quảng cáo chuyên nhận xây mộ, mai táng. Điều đặc biệt là nhiều biển hiệu trong số đó công khai nhận chuyển nhượng đất nghĩa trang! Và trên thực tế, thực trạng này tồn tại đã nhiều năm qua. Đi sâu vào bên trong nghĩa địa Gò Cà rất dễ bắt gặp hình ảnh những nghĩa trang gia tộc nhưng trên mỗi bia mộ lại khắc ghi những tộc họ khác nhau. Mỗi khu vực có diện tích từ hàng chục đến hàng trăm mét vuông đất đã được những “cò” đất mua lại rồi chia nhỏ để bán cho người có nhu cầu.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh nghĩa trang, anh Nguyễn Đình T., một thợ xây kiêm “chủ” hơn chục hecta đất tại nghĩa trang Gò Cà không ngần ngại khẳng định: “Đất của chủ trước bán sang tay, nay tôi bán lại cho anh. Cứ chôn cất, xây mồ thoải mái, chuyện gì tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm. Mà anh yên tâm, chẳng có vấn đề gì đâu, người ta chôn đầy”! Mức giá mà anh T. đưa ra là 6 triệu đồng/huyệt mộ. “Nếu tính theo mét vuông thì giá 400.000 - 500.000 đồng mỗi mét tùy khu vực.

Muốn mua bao nhiêu cũng có, nếu mua trên 100 mét vuông thì giá chỉ còn 350.000 đồng mỗi mét vuông và có luôn xác nhận của xã”?! Được biết, diện tích đất tại nghĩa trang Gò Cà nay đã quy hoạch và sử dụng gần hết. Lý giải điều này, anh T. tiết lộ thêm: “Đất trồng cây vùng giáp ranh, nếu ai có nhu cầu thì mình san ủi và bán lại cho họ, bảo đảm không có chuyện gì”!

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Chí Trí, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương cho biết, câu chuyện đẩy giá thi công, tranh giành, thậm chí xô xát lẫn nhau trong xây dựng tại nghĩa trang Gò Cà trước đây đã từng xảy ra. “Trước đây chúng tôi cũng đã tiếp nhận một số sự việc, chính quyền xã sau đó vào cuộc giải quyết, chủ yếu là hòa giải đôi bên chứ chưa có sự việc nào nghiêm trọng”, ông Trí cho biết thêm. Trước thực trạng mua bán đất diễn ra một cách công khai hiện nay, đại diện chính quyền xã Hòa Khương cho rằng, công tác quản lý hoạt động này hết sức khó khăn, do việc mua, bán đất hiện nay thực tế là thỏa thuận ngầm giữa đôi bên, giấy trao tay hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

Được biết, từ năm 2011, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị 10/CT-TU về tăng cường công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố, trong đó có việc cấm chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức trao tay, tuy nhiên những gì đang diễn ra trên địa bàn xã Hòa Khương thì hoàn toàn ngược lại. “Riêng trường hợp ông Nguyễn Lương Ch., người bị phản ánh cản trở, xô xát và ngăn cấm không cho người dân mang thợ xây vào nghĩa trang xây dựng, chúng tôi cũng mới tiếp nhận. Tuy nhiên, do vụ việc này cũng được phản ánh trực tiếp đến huyện và thành phố nên hiện nay xã đang chờ kết luận của huyện để có cơ sở xử lý theo quy định”, ông Trí nói.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.