.

Phòng, chống tác hại thuốc lá: Hiệu lực và sự tuân thủ còn yếu

.

Theo các số liệu đã công bố của Tổ chức Y tế thế giới ( WHO), hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% ca bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Hằng năm, thuốc lá gây ra 3,5 triệu trường hợp tử vong trên toàn cầu, nghĩa là mỗi ngày có 10.000 người chết do thuốc lá. Ước tính ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc. Năm 2030, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm!

Báo cáo của WHO cho thấy, chỉ khoảng 5% dân số toàn cầu được thực hiện các biện pháp toàn diện nhằm cấm hút thuốc lá; 40% quốc gia vẫn cho phép hút thuốc trong trường học và bệnh viện; 5% dân số thế giới sống ở các quốc gia có những biện pháp ngăn chặn toàn diện việc quảng cáo và khuyến khích sử dụng thuốc lá; khoảng 15 quốc gia (chiếm 6% dân số toàn cầu) quản lý chặt chẽ việc in ấn những cảnh báo lên hộp bao thuốc lá. 9 quốc gia với 5% dân số toàn cầu có các dịch vụ giúp điều trị sự phụ thuộc vào thuốc lá.

Theo WHO, bên cạnh những tiến bộ trong công tác kiểm soát thuốc lá đã đạt được, vẫn chưa có quốc gia nào thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp và vạch ra hướng tiếp cận để Chính phủ các nước áp dụng, nhằm ngăn chặn hàng chục triệu nạn nhân chưa trưởng thành sẽ chết vào giữa thế kỷ này.

Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1315/QĐ-TTg ngày 21-8-2009 về Kế hoạch thực hiện Công ước khung kiểm soát thuốc lá. Trong đó, đưa ra các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá song song với việc giảm cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ trong nước. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn nạn dịch hút thuốc lá.

Tại Đà Nẵng, ngày 22-2-2010, UBND thành phố phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (ban hành kèm theo Quyết định số 1338/UBND-QĐ ngày 22-2-2010 của UBND thành phố Đà Nẵng) với mục tiêu hạ thấp tỷ lệ người sử dụng thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá, nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng về việc thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá tại thành phố, xây dựng môi trường không khói thuốc tại những nơi công cộng, các cơ quan hành chính, cơ sở y tế và trường học trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, hơn 6 năm qua, ở tầm quốc gia, mặc dù đã có sự cam kết của Chính phủ đối với vấn đề kiểm soát thuốc lá, đặc biệt là đã có sự thi hành chính sách không hút thuốc, nhưng hiệu lực và sự tuân thủ vẫn còn yếu. Việt Nam hiện vẫn nằm trong số những nước có tỷ lệ hút thuốc cao nhất trên thế giới. Đà Nẵng cũng không ngoại lệ, bởi sự chấp nhận của xã hội đối với hành vi hút thuốc lá tại nơi công cộng, tỷ lệ hút thuốc thụ động của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng còn tương đối cao. Thực trạng này vẫn sẽ tiếp tục tồn tại cho đến khi việc thi hành chính sách không khói thuốc được cải thiện, nhất là nâng cao hiệu lực thi hành các chế tài, phạt nặng các hành vi vi phạm.

CHUNG ANH

(Tổng hợp từ nguồn phòng, chống thuốc lá)

;
.
.
.
.
.