.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không vì môi trường đầu tư mà bỏ qua môi trường sống

.

Trong cả ngày 1-7, Chính phủ tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 6 trực tuyến với các địa phương về phát triển kinh tế-xã hội. Thủ tướng cũng đề nghị thực hiện nhiều biện pháp nhằm khắc phục môi trường biển và sử dụng 11.500 tỷ đồng tiền đền bù của Formosa một cách hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành, liên quan xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ ngư dân, bao gồm hỗ trợ sản xuất, tiếp tục triển khai chương trình đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/CP; hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân ở những vùng bị thiệt hại do hiện tượng cá chết vừa qua một cách hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài Nguyên và Môi trường chủ trì đề xuất hình thành Quỹ Môi trường để khắc phục môi trường bị tổn thương do chất thải của Formosa; Bộ Tài chính chủ trì tập hợp các dự thảo chính sách đề sớm trình Chính phủ ngay trong tháng 7 này. Nhấn mạnh đây là vụ vi phạm môi trường nghiêm trọng, chưa có tiền lệ, Thủ tướng cho biết Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, triển khai từng bước đi có lý lẽ, cơ sở khoa học mới có thể đạt được kết quả này.
Thủ tướng cũng nêu rõ Formosa đã cam kết không để xảy ra trường hợp như vừa qua và nếu tái diễn sẽ phải đóng cửa. Qua vụ việc này, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt “Không vì môi trường đầu tư mà bỏ qua môi trường sống của người dân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Không phải vì kinh tế mà chúng ta bỏ qua môi trường trong phát triển, nhất là với một số dự án người dân đang kêu ca phàn nàn hiện nay.”

Đánh giá nghiêm túc nguyên nhân tai nạn hai sự cố rơi máy bay quân sự

Liên quan đến hai sự cố rơi máy bay quân sự vừa qua, Trung tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định đây là một tai nạn nghiêm trọng chưa từng có, tổn thất rất lớn cho đất nước và quân đội về người và tài sản.

Hoàn cảnh của các phi công, cán bộ chiến sỹ đã hy sinh, mất tích trong hai sự cố vừa qua đều rất khó khăn, Bộ Quốc phòng hiện đã và đang chỉ đạo thực hiện, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đảm bảo tốt chính sách hậu phương Quân đội đối với thân nhân, gia đình các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh, trung tướng Lê Chiêm cho biết thêm.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cũng đang tích cực chỉ đạo các lực lượng liên quan tiếp tục tổ chức tìm kiếm một phi công máy bay CASA-212 và trục vớt khoang máy của máy bay Su-30MK2 đã xác định được vị trí điểm rơi, trên cơ sở đó, phân tích, đánh giá làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn; tổ chức rút kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ nhằm ổn định tâm lý cán bộ, chiến sỹ và yên lòng nhân dân.

Chính phủ quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ

Thủ tướng khẳng định quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế một cách mạnh mẽ, sâu rộng, trước hết chưa điều chỉnh chỉ tiêu của Nghị quyết của Quốc hội giao về nhiệm vụ 2016. Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương, chính quyền các cấp, nỗ lực, kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch 2016 đã đề ra.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, Thủ tướng cho rằng cần những giải pháp đồng bộ mà trước hết là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính ở từng bộ, ngành, địa phương, từng cơ quan, đơn vị; coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhất là chấn chỉnh vi phạm, nhất là xâm phạm tài sản công, sử dụng ngân sách Nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, phá rừng, đào đãi khoáng sản trái phép...; nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trên cơ sở chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tăng cường đối thoại, giải trình; nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi công vụ.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương và các ngành có cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin từ người dân, doanh nghiệp, và truyền thông một cách hiệu quả, hợp lý để phục vụ công tác quản lý, điều hành; tiến hành đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp nhất là ở cấp cơ sở đối với công tác quản lý Nhà nước.

Đề cập đến các giải pháp cụ thể, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ giải pháp tháo gỡ khó khăn, bám sát các Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư, tập trung lãnh đạo nâng cao năng lực sản xuất, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ điều hành chủ động linh hoạt, đảm bảo hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tái khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của khởi nghiệp, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương, nhất là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh về công tác này báo cáo Chính phủ.

Đề nghị tăng cường tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, Thủ tướng cũng mong muốn các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác dự báo, chủ động ứng phó với tình hình, diễn biến trong nước và thế giới, không để xảy ra tình trạng bị động, bất ngờ.

Vietnam+

;
.
.
.
.
.