.

Gần 1.100 tỷ đồng xây dựng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2

.

Ngày 31-7 tới, Công ty CP Cảng Đà Nẵng khởi công xây dựng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2, với tổng số vốn đầu tư 1.070 tỷ đồng, khi hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2019 sẽ nâng năng lực bốc xếp hàng hóa qua cảng đạt mức 12 triệu tấn hàng hóa/năm.

Quy hoạch tổng thể Cảng Tiên Sa (bao gồm giai đoạn 1 và 2).                        Ảnh: T.S
Quy hoạch tổng thể Cảng Tiên Sa (bao gồm giai đoạn 1 và 2). Ảnh: T.S

Cam kết đã thành sự thật

Đầu năm 2015, câu chuyện ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng “nói không” với nguồn vốn ODA đã gây bất ngờ với lãnh đạo thành phố và Bộ Giao thông vận tải. Bất ngờ bởi từ lâu, không riêng gì Đà Nẵng mà nhiều dự án lớn của các địa phương, bộ, ban, ngành khác luôn mong muốn có nguồn vốn ODA dồi dào này từ Chính phủ Nhật Bản. Không những thế, dự án này trước đó đã được UBND thành phố đưa vào danh mục đề nghị Trung ương bố trí bằng nguồn vốn ODA, với mức dự toán ban đầu khoảng 1.200 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hữu Sia đưa ra cam kết “nếu không tự xoay xở được nguồn vốn để xây dựng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 đúng kế hoạch thì ông sẽ từ chức để chịu “tội”.

Trước những động thái gây bất ngờ nói trên, khi trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Sia rất tự tin: “Chúng tôi hoàn toàn có cơ sở và khả năng huy động đủ nguồn vốn để xây dựng công trình này nhưng phải chờ đến khi có kết quả cuối cùng, chúng tôi sẽ thông báo cụ thể cho mọi người biết”. Trong những ngày tháng 7 này, dù rất bận rộn chuẩn bị khởi công dự án Cảng Tiên Sa giai đoạn 2, ông Sia đã chia sẻ với chúng tôi: “31 tháng 7 này, chúng tôi sẽ khởi công công trình xây dựng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư 1.070 tỷ đồng.

Như vậy, so với mức vốn vay ODA, chúng tôi đã tiết kiệm gần 200 tỷ đồng. Về số vốn cụ thể để đầu tư cho dự án, đến nay, chúng tôi đã chuẩn bị xong. Cụ thể, nguồn vốn tự có của công ty là 35%, nguồn vốn huy động từ cổ đông và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam là 35% và cuối cùng là nguồn vốn vay từ các ngân hàng chiếm 30% vốn. Hiện nay, tất cả nguồn vốn này đã có và sẵn sàng bảo đảm dự án triển khai đúng tiến độ”.

Để hệ thống cầu cảng phát huy hết công năng

Năm 2015, lượng hàng hóa thông qua Cảng Tiên Sa đã đạt 6,5 triệu tấn, dự kiến trong năm 2016 đạt khoảng 7 triệu tấn, trong đó riêng hàng container khoảng 300.000 TEUs. Thực tế liên tục trong nhiều năm nay, lượng hàng hóa thông qua Cảng Đà Nẵng luôn duy trì mức tăng trưởng từ 20-22%/năm, trong đó mặt hàng chiến lược là hàng container đạt mức tăng trưởng trung bình 18-20%/năm.

Với đà tăng trưởng như thời gian qua, chỉ vài năm nữa Cảng Tiên Sa sẽ rơi vào tình trạng quá tải. Hiện tại, cảng Tiên Sa (giai đoạn 1) đã có 5 cầu cảng với tổng chiều dài 1.000m, đủ năng lực tiếp nhận 5 tàu có tải trọng từ 45.000 DWT trở xuống. Đây có thể nói là thông số lớn nhất so với tất cả cụm cảng biển khu vực duyên hải miền Trung. Thế nhưng, để hệ thống cầu cảng này phát huy hết công năng, đây là bài toán khó của cảng trong việc sắp xếp lịch vào cảng, cũng như bốc xếp hàng hóa làm sao nhanh nhất nhằm bảo đảm yêu cầu của khách hàng ngày một tăng.

Theo ông Nguyễn Hữu Sia, bên cạnh khó khăn về số lượng cầu cảng ít thì mức nước sâu chỉ ở 12m cũng là trở ngại lớn cho cảng trong việc tiếp nhận tàu có tải trọng lớn để từ đó mở rộng nguồn hàng. Tuy nhiên, với dự án Cảng Tiên Sa giai đoạn 2, những tồn tại này sẽ được khắc phục. Theo đó, sau khi xây dựng tổng chiều dài cầu cảng của Cảng Tiên Sa lên 1.530m với tổng cộng 8 cầu cảng. 3 cầu cảng mới được xây dựng ở giai đoạn 2 này sẽ được nạo vét đạt mức nước sâu đến 14m, đủ sức tiếp nhận tàu container có tải trọng lên đến 75.000 DWT. Bên cạnh đó, trên cầu cảng sẽ được lắp đặt thêm 2 giàn cẩu GCC chuyên bốc xếp hàng container và 4 cẩu RTG công suất lớn. Điều này cho phép cảng Tiên Sa không những tiếp nhận bốc xếp tàu có tải trọng lớn mà còn rút ngắn thời gian xếp dỡ hàng, đáp ứng yêu cầu khắt khe từ những hãng vận chuyển container chuyên nghiệp trên thế giới.

Dự án xây dựng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 do Công ty CP Cảng Đà Nẵng làm chủ đầu tư, với tổng số vốn 1.070 tỷ đồng, khởi công ngày 31-7-2016, dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2019. Toàn bộ diện tích xây dựng dự án là 86.674m2, tổng chiều dài cầu cảng 530m, bao gồm 3 cầu cảng chuyên dùng cho hàng container. Sau khi đưa vào sử dụng, toàn bộ Cảng Tiên Sa sẽ có 8 cầu cảng, trong đó có 7 cầu cảng chuyên phục vụ tàu chở hàng hóa tổng hợp và tàu container, có 1 cầu cảng chuyên phục vụ tàu du lịch có khả năng tiếp nhận 200 tàu du lịch với 200.000 du khách/năm.

T.S

;
.
.
.
.
.