.

Quyền lợi của công dân

.

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là sự kiện chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân ta. Cuộc bầu cử lần này là dịp để củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Vì vậy, tham gia bầu cử là quyền lợi của công dân.

Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV ở đơn vị bầu cử số 2 tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà để vận động bầu cử.
Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV ở đơn vị bầu cử số 2 tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà để vận động bầu cử.

Tham gia bầu cử, cử tri trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực Nhà nước; góp phần thiết lập bộ máy Nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Điều 6 của Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.

Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Nguyên tắc phổ thông thể hiện tính toàn dân và toàn diện trong bầu cử, bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền tham gia bầu cử. Vì vậy, Nhà nước phải bảo đảm để cuộc bầu cử thực sự trở thành cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình.

Bầu cử trực tiếp là việc cử tri trực tiếp đi bầu cử, tự bỏ lá phiếu của mình vào hòm phiếu để lựa chọn người đủ đức và tài vào cơ quan quyền lực Nhà nước. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là nơi để cử tri phát huy quyền lợi của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định: Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu HĐND tương ứng với mỗi cấp HĐND. Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu, Tổ bầu cử sẽ mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri.

Theo báo cáo của Ủy ban Bầu cử thành phố, trên địa bàn thành phố có 538 khu vực bỏ phiếu. Tổng số cử tri toàn thành phố là 682.339 người; trong đó có 643.294 cử tri bầu bốn cấp, 38.145 cử tri bầu ba cấp và 900 cử tri bầu hai cấp. Ngày 22-5 đang đến gần, thực hiện quyền lợi của công dân trong bầu cử, toàn thể nhân dân thành phố hãy tham gia đi bầu cử đông đủ, sáng suốt lựa chọn những người đủ tâm, đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho các tầng lớp nhân dân tham gia vào Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Bài và ảnh: PHẠM PHÚ BÌNH

;
.
.
.
.
.