.

Người viết lời đầu hàng cho Dương Văn Minh

.

Sau 41 năm đất nước thống nhất, có rất nhiều bài báo, phim tài liệu, phóng sự viết về ông - Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 thuộc Quân đoàn 2, một trong những đơn vị đánh chiếm dinh Độc Lập - Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Ông chính là người viết lời đầu hàng cho Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh trong ngày 30-4-1975. Tuy vậy, có một chi tiết rất ít được nói đến: Trung tá, Chính ủy Bùi Văn Tùng là một người con Đà Nẵng.

Ông Bùi Văn Tùng (áo sẫm, giữa) được thay mặt quân đội nhận nụ hôn khen ngợi của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tại buổi bình công 5 cánh quân giải phóng Sài Gòn tổ chức ngày 16-5-1975 tại dinh Độc Lập. (Ảnh tư liệu do gia đình ông Tùng cung cấp).
Ông Bùi Văn Tùng (áo sẫm, giữa) được thay mặt quân đội nhận nụ hôn khen ngợi của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tại buổi bình công 5 cánh quân giải phóng Sài Gòn tổ chức ngày 16-5-1975 tại dinh Độc Lập. (Ảnh tư liệu do gia đình ông Tùng cung cấp).

Một chiều cuối tháng 4-2016, tôi tìm đến căn nhà số 162 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 6, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Như đã hẹn, anh Bùi Văn Hải, con trai ông Tùng, đón tôi vào nhà và đẩy xe lăn đưa ông Bùi Văn Tùng ra phòng khách tiếp đón vị khách Đà Nẵng. Dù đã 86 tuổi, trải qua 5 lần tai biến, liệt chân, giọng nói hơi khó khăn nhưng gặp khách đến tìm hiểu về câu chuyện của mình, ông Tùng lại rất hào hứng.

Thời khắc lịch sử

Trước khi đến gặp Trung tá Bùi Văn Tùng, tôi đã xem trên mạng Internet rất nhiều bài báo, phim phóng sự tài liệu nói về sự kiện ông viết lời đầu hàng cho Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh vào trưa ngày 30-4-1975 lịch sử, Bắc - Nam sum họp một nhà. Khi được hỏi về cảm xúc lúc thực hiện xong việc yêu cầu Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Trung tá Tùng không trả lời ngay mà kể tuần tự câu chuyện của mình.

Ông sinh ra và lớn lên ở khu phố Nại Hiên thuộc quận Nhất (nay là quận Hải Châu), Đà Nẵng. Hồi nhỏ, ông học trường của Pháp ở bậc tiểu học và học trung học được 2 năm rồi đi bộ đội từ đó đến nay. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị ông đánh trận đầu tiên ở Phan Thiết rồi tiến công vào Sài Gòn. Khi vào dinh Độc Lập, nội các chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã chờ sẵn và có thái độ hợp tác rất tốt khi ông yêu cầu người đứng đầu là Tổng thống, Đại tướng Dương Văn Minh phải đọc lời đầu hàng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Ông yêu cầu phải ghi âm lời đầu hàng trước khi phát trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Giải thích câu hỏi của tôi vì sao phải ghi âm trước lời đầu hàng mà không đọc trực tiếp trên sóng, ông cho biết, đó là để đảm bảo ông Dương Văn Minh đọc đúng nội dung lời đầu hàng do chính tay ông thảo ra, tránh xảy ra sự cố. Anh Hải, con trai ông giải thích thêm, vào bộ đội mấy chục năm, ba anh đều làm công tác chính trị. Việc ghi âm lời tuyên bố đầu hàng của ông Dương Văn Minh có lẽ xuất phát từ sự cẩn trọng, kỹ lưỡng của một sĩ quan chính trị.

Ông Tùng kể tiếp, khi đưa Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng chính quyền Việt Nam Cộng hòa Vũ Văn Mẫu sang Đài phát thanh Sài Gòn, ông mới lấy một tờ giấy pơ-luya màu xanh ở đây để thảo lời tuyên bố đầu hàng. Do không tìm thấy phương tiện ghi âm nào, ông Tùng đề nghị nhà báo Cộng hòa Liên bang Đức tên là Börries Gallasch - nhà báo phương Tây duy nhất có mặt trong dinh Độc lập khi đó, cho mượn máy ghi âm để ghi lời ông Minh.

Lúc ghi âm, đã xảy ra một cuộc tranh luận giữa ông Tùng với ông Dương Văn Minh. Ông Minh không chịu xưng danh Tổng thống Việt Nam Cộng hòa mà chỉ xưng cấp bậc đại tướng. “Ông là người đứng đầu chính quyền Sài Gòn, cho nên ông phải đọc đúng như nguyên văn tôi viết”, ông Tùng yêu cầu. Cuối cùng ông Minh phải nhượng bộ, chấp nhận đọc để ghi âm lời tuyên bố đầu hàng, trong đó xưng danh đầy đủ cấp bậc và chức vụ.

Có lẽ do cuộc tranh luận này mà cho đến nay, ông Tùng vẫn nhớ như in câu đầu tiên mình viết cho ông Dương Văn Minh đọc: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng miền Nam Việt Nam…”. Ông Tùng cũng đọc lại đoạn đầu về lời chấp nhận tuyên bố đầu hàng của chính quyền Sài Gòn nhưng không xưng tên mà chỉ xưng “Chúng tôi, đại diện lực lượng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam… chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh…”.

Văn kiện trí tuệ, nhân văn

Hoàn thành nhiệm vụ yêu cầu Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, ông Tùng không nghĩ mình trở thành một nhân chứng lịch sử của “Cuộc bàn giao lịch sử lần thứ hai” (sau sự kiện vua Bảo Đại thoái vị bàn giao chính quyền cho Cách mạng năm 1945) trong lịch sử Cách mạng Việt Nam mà các nhà sử học sau này đánh giá. Lúc ấy, ông chỉ nghĩ mình phải hoàn thành nhiệm vụ của một người lính mấy chục năm đi theo cách mạng mà thôi, chẳng nghĩ to tát gì cả. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng làm sao để chiến tranh kết thúc sớm, bớt đổ máu cho cả hai bên đều là người Việt mình cả”, ông nói.

Anh Hải nói thêm, nhiều đồng đội và nhà sử học khi đến trao đổi với ba Tùng về sự kiện này đánh giá: Một văn kiện đầu hàng sau 21 năm chấm dứt chế độ do Mỹ dựng nên chỉ trong 10 dòng chữ rất súc tích, rất hay, nói được hai ý  lớn: Quân lực Việt Nam Công hòa phải hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện và các cấp chính quyền Việt Nam Cộng hòa từ Trung ương đến địa phương phải giản tán. Khi đọc lại bản thảo này, mọi người đều nhận xét “rất trí tuệ”. Vào tháng 9-1975, nhà báo Börries Gallasch có bài viết “Sài Gòn: 30-4-1975” trong tập sách “Thành phố Hồ Chí Minh: Giờ khắc số 0” xuất bản tại Cộng hòa Liên bang Đức (được xuất bản tiếng Việt tại Việt Nam năm 2010) đã có đoạn mô tả: “Chính ủy Tùng đã rất khó viết. Ông ngồi bất động trong khi thảo ra được một từ rồi đến từ nữa, rồi lại thay thế bằng những từ khác. Có thể được chăng? Sau 30 năm chiến đấu cho một mục đích, cho đến nay tiến thẳng vào dinh. Thật không có gì sánh bằng. Thật khó để biết phải viết gì”.

Trong phóng sự tài liệu “Lời tuyên bố đầu hàng - Tư liệu lịch sử quý”, do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện và phát sóng năm 2011 dẫn lời ông Nguyễn Trọng Xuất, Tổng Thư ký Ban biên tập bộ lịch sử Nam Bộ kháng chiến (xuất bản năm 2011, chính thức công nhận ông Bùi Văn Tùng là người thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh) nhận xét: Nếu Chính ủy Bùi Văn Tùng không được giao nhiệm vụ mũi nhọn vào chiếm dinh Độc Lập từ lúc xuất phát và không chuẩn bị tinh thần để anh có thể tiến hành tất cả cái việc tuần tự làm sao cho cuộc chiến kết thúc một cách nhanh gọn và toàn vẹn, thì không thể có được một cái văn bản mà trong giây phút như vậy viết ra”. Và cũng chính tinh thần dân tộc và tính nhân văn ấy đã làm nên một văn kiện lịch sử, một văn kiện mà ông Tùng cho rằng: Sở dĩ mình làm được như vậy là vì ông có mấy chục năm trong quân đội.

Sau ngày 30-4-1975, ông Tùng tiếp tục công tác tại Quân đoàn 2, sau đó ông được điều chuyển về làm Phó Hiệu trưởng Trường Hạ sĩ quan xe tăng 1 ở Đồng Nai rồi nghỉ hưu với hàm đại tá. Hưu nhưng không nghỉ, ông tiếp tục được trọng dụng làm cán bộ chủ chốt của phường 6, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh thêm 15 năm nữa mới nghỉ hẳn.

Anh Hải cho biết, lúc chưa bị tai biến, mỗi năm ông lại về Đà Nẵng thăm quê một lần. Nay đành chịu, việc cúng giỗ của tộc họ thì con cái đi thay. Chia tay khách, dù rất mệt nhưng ông vẫn cười thật tươi để tôi chụp ảnh. “Bây giờ sức khỏe yếu, không đi lại được ông phải chịu chứ ông còn muốn nói thêm nhiều nữa đấy. Vì ông vui mỗi khi có khách đến hỏi chuyện của ông”, anh Hải nói.

"Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng làm sao để chiến tranh kết thúc sớm, bớt đổ máu cho cả hai bên đều là người Việt mình cả"

Ông Bùi Văn Tùng

SƠN TRUNG

;
.
.
.
.
.