.
Hiệu quả từ "Năm văn hóa, văn minh đô thị"

Bài 2: Khơi gợi ý thức cộng đồng

.

Đằng sau những con số báo cáo số lượng công việc mà các ngành chức năng, từ sở đến quận, huyện, phường, xã đã làm được, điều nổi bật trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” chính là ý thức cộng đồng về văn hóa, văn minh đô thị dần được hình thành.

Phong trào “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp” được các đoàn thể và người dân tích cực hưởng ứng.
Phong trào “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp” được các đoàn thể và người dân tích cực hưởng ứng.

Sức lan tỏa của phong trào

Không phải đợi đến “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” mà các phong trào “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, “Đoạn đường thanh niên tự quản”, “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, “Mô hình tổ dân phố không rác”, “Tuyến đường văn minh đô thị”... đã được hình thành nhiều năm nay tại hầu hết các khu dân cư trên địa bàn Đà Nẵng. Nhưng trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, các phong trào dường như có sức sống mới và được thực hiện hiệu quả hơn.

Nhiều đợt ra quân với số lượng người tham gia khá đông từ quận đến phường vào “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp” đã mang lại diện mạo mới cho từng khu dân cư, nhưng trên hết là bước đầu tạo thói quen, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong cộng đồng dân cư.

Tham gia ngày tổng ra quân hưởng ứng phong trào “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp” ở tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê), ông Lương Hoàng Sa, một người dân nơi đây hồ hởi nói: “Lẽ ra việc này phải được làm sớm. Không chỉ dẹp được “ổ” ô nhiễm môi trường, mà mỗi người dân cảm thấy vui vì góp công sức của mình để thành phố sạch, đẹp hơn; từ đó mới nâng cao ý thức”.

Nếu như các quận trung tâm đau đầu với tình trạng ô nhiễm rác thải, lấn chiếm vỉa hè... thì các quận vùng ven, đang chuyển mình từ “quê” thành “phố”, lại gặp rắc rối trong việc hình thành cộng đồng thị dân.

Bởi lẽ, người dân vốn quen với việc phơi quần áo ngoài đường, móc lên bờ rào; quen cảnh thả bò chạy rông trên đường... Để khắc phục những điều này, không cách nào khác là vận động thông qua các phong trào.

Bà Phạm Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) cho biết, trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, UBND phường đã giao việc quản lý từng tuyến đường cụ thể cho từng đoàn thể, dựa trên mô hình “6 trong 1” mà phường xây dựng.

“Chỉ 1 đoạn đường mà nhiều chuyện để làm, nào là không để tình trạng quảng cáo rao vặt trái phép, không phơi áo quần làm mất mỹ quan; không để tình trạng xin ăn biến tướng; không đổ rác bẩn, nước bẩn trên tuyến đường; không để các hộ gia đình lấn chiếm vỉa hè; không để xảy ra những trường hợp ứng xử thiếu văn hóa; không để mất an ninh trật tự, an toàn giao thông và các tệ nạn xã hội. Nhờ đó, các con đường trên địa bàn phường sạch đẹp hẳn, có cả bồn hoa, cây xanh mát rượi”, bà Hiền chia sẻ.

Nhiều mô hình, cách làm hay

Bên cạnh việc phát huy những mô hình hiệu quả, “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay phù hợp với thực tế từng địa phương. Gần đây, người dân đi ngang tuyến đường Hải Phòng (thuộc phường Tân Chính, quận Thanh Khê) ngỡ ngàng với những đổi thay khi các quán hàng buôn bán vỉa hè được sắp xếp trật tự, ngăn nắp.

Ông Hồ Văn Dũng, Chủ tịch phường Tân Chính cho biết, để lập lại trật tự trên tuyến đường “nóng” này, không cách nào khác là hỗ trợ và quản lý các hộ kinh doanh buôn bán tại đây. “Chúng tôi đã chia lô cho từng hộ, hỗ trợ bạt quay cùng mẫu, sắp tới sẽ là bàn ghế cùng mẫu và đưa một số hộ buôn bán hàng quán nhỏ bên đường Lê Duẩn sang đường Hải Phòng. Hộ nào kinh doanh lấn ra khu vực được chỉ định, không thực hiện buôn bán văn minh sẽ lập tức bị đình chỉ kinh doanh”, ông Dũng nói.

Trong khi đó, mô hình “3 không” trong tang lễ ra đời tại xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) giúp người dân dần thực hiện văn minh khi có đám tang. “3 không trong tang lễ bao gồm: không dùng rượu bia, không sử dụng thuốc lá, không thuê dàn nhạc (chỉ dùng băng đĩa). Đến nay, 12/12 thôn trên địa bàn xã đã đăng ký và triển khai”, ông Trần Đình Nhơn, Bí thư xã Hòa Tiến cho biết.

Còn rất nhiều mô hình, cách làm hay khác phải kể đến trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” như: mô hình camera hành trình trên mũ bảo hiểm của cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường của Công an quận Hải Châu; mô hình “Bảng quảng cáo rao vặt miễn phí” (hiện có 112 bảng trên toàn thành phố) làm giảm đáng kể tình trạng dán quảng cáo, rao vặt sai quy định; “Tiếng nhạc sáng chủ nhật với vệ sinh môi trường” của tổ dân phố 51B, phường Thọ Quang (quận Sơn Trà)...

Đó chỉ là số ít trong hàng ngàn việc làm mà các chính quyền, đoàn thể đã thực hiện trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” nhằm khơi gợi ý thức cộng đồng. Tuy nhiên, xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, bền vững, không chỉ dựa vào số lượng phong trào, số lượng các đợt ra quân..., mà cốt lõi ở việc xây dựng ý thức của mỗi người dân trong cộng đồng dân cư, hoàn thiện quy hoạch đô thị, đầu tư công trình văn hóa, nâng cao nhận thức của người dân về chân - thiện - mỹ.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.