.

Năm 2016, hỗ trợ sửa chữa, xây mới hơn 1.300 nhà ở cho người có công

.

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp ngày 3-12 do Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí chủ trì về việc triển khai hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho người có công cách mạng năm 2016.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phương Trà
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phương Trà

Minh bạch và công khai

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng Nguyễn Văn An cho biết, mức hỗ trợ sửa chữa năm nay vẫn là 20 triệu đồng/nhà, xây mới mỗi nhà là 60 triệu đồng. Ngoài ra, có thể hỗ trợ thêm cho những trường hợp quá khó khăn, nhưng không quá 20 triệu đồng/hộ. Dự kiến, năm 2016, sửa chữa và xây mới khoảng 1.327 nhà (297 nhà được xây mới, 1.030 nhà được sửa chữa) với tổng kinh phí khoảng gần 40 tỷ đồng.

“Chúng ta hỗ trợ chỉ là tạo tiền đề bởi hầu hết bắt đầu từ số tiền hỗ trợ 20 hoặc 60 triệu đồng, các gia đình đều huy động thêm bà con họ hàng hoặc vay mượn để sửa chữa nhà kiên cố, đảm bảo yêu cầu”, bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, cho biết.

Theo bà Hưng, việc xác định đối tượng hỗ trợ sửa chữa nhà phải chính xác, đúng đối tượng và nhà được hỗ trợ phải thực sự hư hỏng xuống cấp. Việc sửa chữa cũng phải được giám sát chặt chẽ, đảm bảo đúng hạng mục đề ra.

Việc hỗ trợ sẽ được phân thành 2 đợt. Đợt 1 là từ 15-12-2015 đến 2-2-2016 (trước Tết Nguyên đán Bính Thân), triển khai thực hiện trên 500 nhà, trong đó các địa phương nào đã đăng ký phải hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Đợt 2 từ 15-3-2016 đến 27-7-2016 triển khai thực hiện hết số nhà còn lại.

Đại diện Công an thành phố đề xuất sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để sửa chữa nhà, tuy nhiên Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí cho rằng: “Kinh phí hỗ trợ sửa chữa nhà ngoài ngân sách thì các địa phương đơn vị phải tự huy động thêm. Còn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa như một nguồn dự phòng để hỗ trợ những trường hợp ngặt nghèo, bức thiết hơn. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ sửa chữa phải minh bạch, công khai tại từng địa phương”.

Phải đảm bảo chất lượng nhà sửa chữa

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Hòa Vang, cho rằng để hoạt động hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà cho đối tượng chính sách đạt hiệu quả thì chỉ riêng nguồn lực địa phương là rất khó mà phải huy động từ nhiều nguồn khác.

“Khí hậu miền Trung rất khắc nghiệt, thường xảy ra thiên tai, bão lũ nên bên cạnh việc triển khai nhanh cũng phải theo dõi, giám sát thật kỹ để bà con có được căn nhà vững chắc, kiên cố”, ông Hùng nói.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí thống nhất với ý kiến trên và chỉ đạo chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nên nếu đơn vị nào triển khai kịp thì làm, cố gắng để bà con được đón Tết trong căn nhà mới.

Tuy nhiên, nếu đơn vị, địa phương nào thấy còn có nhiều khó khăn, vướng mắc thì để sau Tết chứ không nên vội vàng mà công trình không đảm bảo chất lượng, miễn là hoàn thành trong năm 2016.

Ông Thái Bảy, Phó Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp thành phố, cũng mong muốn thành phố có thêm tiếng nói đối với các doanh nghiệp tại Đà Nẵng và trên cả nước để vận động thêm kinh phí sửa chữa nhà.

Về vấn đề này, đồng chí Võ Công Trí cho biết, lãnh đạo thành phố sẽ có buổi gặp mặt các doanh nghiệp lớn để phát động “hưởng ứng chương trình sửa chữa nhà cho đối tượng chính sách năm 2016”. Những đơn vị nào làm tốt sẽ được khen thưởng, biểu dương, ghi nhận đúng mức.

“Mỗi địa phương phải cử một đồng chí lãnh đạo chịu trách nhiệm chính về hoạt động này. Định kỳ 2 tuần 1 lần, Sở LĐ-TB&XH sẽ báo cáo kết quả đánh giá lại hoạt động và triển khai nhiệm vụ tiếp theo” - Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí nhấn mạnh.

Năm 2015, Đà Nẵng đã hoàn thành hỗ trợ sửa chữa và xây mới 1.118 nhà cho đối tượng chính sách (trong đó có 136 nhà của hộ đồng bào dân tộc thiểu số), tổng kinh phí hỗ trợ là 32 tỷ đồng.

Phương Trà

;
.
.
.
.
.