.

Vĩnh biệt một người Đà Nẵng

.

Bây giờ ngồi viết những dòng này để tiễn biệt một người bạn, tôi mới thấy cay mắt mình. Tôi lục trong đống ảnh cũ để tìm một tấm hình đã chụp với Nguyễn Bá Thanh không thấy đâu. Chỉ còn duy nhất một tấm ảnh được chụp từ buổi lễ ra mắt Nhà in Báo Thanh Niên tại Đà Nẵng.

Tôi lục trong đống ảnh cũ, chỉ còn duy nhất tấm ảnh được chụp chung với Nguyễn Bá Thanh tại buổi lễ ra mắt Nhà in Báo Thanh Niên tại Đà Nẵng.
Tôi lục trong đống ảnh cũ, chỉ còn duy nhất tấm ảnh được chụp chung với Nguyễn Bá Thanh tại buổi lễ ra mắt Nhà in Báo Thanh Niên tại Đà Nẵng.

Dòng đời trôi mãi, những kỷ niệm đi qua và không bao giờ ta để ý tới nó. Mãi đến lúc có chuyện hệ trọng, ta chưa từng chụp được với nhau một tấm ảnh, dù trong cuộc sống thường nhật trước đây, chúng tôi thường xuyên gặp nhau.

Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt mất, tôi bồi hồi đi tìm một tấm ảnh chụp với nhau, lại rất khó tìm ra để đăng kèm cho một bài báo mà mình viết về một người thân quý vừa khuất mặt.

Khi anh Bá Thanh còn đang chữa bệnh ở John Hopkins (Mỹ), tôi bỗng dưng nhận được điện thoại của anh từ Mỹ gọi về. Giọng anh lúc đó còn sang sảng. Tôi hỏi về bệnh tình, anh trả lời là có tiến bộ. Nhưng anh lại nói vui thêm: Loại bệnh này chưa biết thế nào, trời kêu ai thì nấy dạ ông Khế ơi.

Sau đó, tôi đã chuyển điện thoại cho một vài người bạn quen biết có mặt buổi sáng hôm đó, trong đó có anh Nguyễn Phong Quang – Phó ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, anh Nguyễn Văn Lạng – nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Môi trường nói chuyện với anh. Lúc đó là đã cuối tháng 10-2014, tôi tưởng bệnh tình anh đã bớt, nào ngờ...

Việc gì đến sẽ đến thôi. Thế mà tôi vẫn cứ ngỡ ngàng như chưa bao giờ nghĩ đến có chuyện này. Chúng ta đã đi với nhau trên một quãng đường dài. Công việc của chúng ta làm không phải lúc nào cũng suôn sẻ, lực cản đối với từng người không phải ít. Những việc làm tốt của mỗi con người đối với dân với nước và cộng đồng là khá nhiều.

Anh đã từng làm rất tâm huyết và hết mình. Và đối với bất cứ ai, khi nằm xuống, sự phán xét sự nghiệp của một con người như anh là nhân dân chứ không thể ai khác. Người chết không ai có thể tự thanh minh, biện hộ cho mình.

Nhưng điều tôi biết chắc chắn từ ngày anh rời Đà Nẵng ra Hà Nội và nhất là những ngày anh nằm bệnh, tình cảm của người Đà Nẵng dành cho anh là tuyệt vời.

Tôi nhớ có anh bạn giáo sư người Việt ở Mỹ, anh cực tốt, cực thông minh và không nghi ngờ gì tấm lòng yêu nước của anh với Việt Nam. Gặp tôi, anh hỏi: “Bá Thanh thế nào?”. Tôi biết với những thông tin mà anh nắm được, cảm tình anh dành cho anh Bá Thanh là không nhiều. Tôi nghĩ, sẽ có dịp tôi sẽ nói chuyện kỹ với anh về con người này, nhưng không kịp nữa rồi...

Nguyễn Bá Thanh là con người thẳng tính, đôi khi gây khó chịu cho những người chưa hiểu mình. Nhưng những gì anh đã làm, đã suy nghĩ, đã sống, đã để lại cho hậu thế những tình cảm đẹp, những ghi nhận tích cực, nhất là những gì anh làm cho một Đà Nẵng phát triển nhanh và hiện đại như
ngày nay.

Con sông Hàn nằm vắt ngang qua thành phố, con sông đưa nước từ thượng nguồn ra Biển Đông. Đứng trên những tầng lầu cao của Đà Nẵng, nhìn ra xa, một thành phố thơ mộng có núi, có sông, có biển, sạch và trong lành. Những cây cầu bắc qua sông Hàn từ trung tâm thành phố qua quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn vào tận Hội An. Đà Nẵng trở thành một thành phố đáng sống và hấp dẫn du khách.

So với thời tôi còn học trung học ở ngôi trường nổi tiếng mang tên Phan Châu Trinh, bây giờ, Đà Nẵng đang ở một vị trí rất cao trong bảng xếp hạng của Việt Nam, cả về trật tự giao thông lẫn cơ sở hạ tầng.

Khi tách thành phố Đà Nẵng ra trực thuộc Trung ương, anh hỏi Thủ tướng Võ Văn Kiệt kinh nghiệm để lãnh đạo một thành phố như Đà Nẵng. Người Thủ tướng kiệt xuất đó đã nói: “Có thể nói đến nhiều ngày không hết ý tưởng để xây dựng một thành phố như Đà Nẵng. Nhưng nếu nói ngắn gọn nhất là: “Bất cứ anh muốn làm việc gì cho thành phố, đừng bao giờ nhìn xuống bốn chân ghế, mà phải nhìn ra rằng mình sẽ làm được gì cho Đà Nẵng phát triển, cho người dân Đà Nẵng được nhờ thì cứ bước tới mà làm”.

Câu nói đó, nhiều lần chú Sáu Dân đã nhắc lại với tôi, và với khí chất của Nguyễn Bá Thanh, anh tiếp thu điều đó, và anh đã làm điều đó một cách nhiệt thành, quyết liệt để có một Đà Nẵng của ngày
hôm nay.

Vĩnh biệt Anh. Nguyễn Bá Thanh đã ra đi trong sự tiếc thương của người Đà Nẵng, dù rằng mình biết con người chẳng ai hoàn hảo cho tới khi về “thấy chốn thiên đường cuối trời thênh thang” như nhạc sĩ họ Trịnh đã viết.

Sài Gòn trưa 13-2-2015

NGUYỄN CÔNG KHẾ

;
.
.
.
.
.