.

"Đà Nẵng mình làm răng để được như rứa?"

.

LTS: Cuối năm 2012, từ Hà Nội, ca sĩ Quang Hào, giải nhì Sao Mai 2005, Huy chương vàng các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp 2009, “đầu quân” về đoàn Ca múa nhạc thành phố Đà Nẵng theo lời mời của ông Nguyễn Bá Thanh, lúc đó là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Trong niềm xúc động khi nghe tin ông Nguyễn Bá Thanh từ trần, ca sĩ Quang Hào gửi đến Báo Đà Nẵng bài viết này như lời tiễn biệt người mà anh rất mực yêu quý.

Một tiết mục biểu diễn của đoàn Ca múa nhạc thành phố Đà Nẵng tại cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2010.           Ảnh: VÕ TÙNG
Một tiết mục biểu diễn của đoàn Ca múa nhạc thành phố Đà Nẵng tại cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2010. Ảnh: VÕ TÙNG

1. Khi còn là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, chú đã nói với tôi: “Lâu ni Đà Nẵng tập trung phát triển hạ tầng và an sinh xã hội, bây giờ mới bắt đầu chú trọng đầu tư văn hóa-nghệ thuật. Con xem thế nào rồi về đây giúp chú, góp phần thúc đẩy đời sống văn hóa của thành phố mình”.

Những lời nói của chú cứ ám ảnh tôi. Chú còn hứa nếu tôi về Đà Nẵng sinh sống sẽ được “trải thảm” theo các chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” của thành phố. Tôi suy nghĩ và trăn trở rất nhiều. Tôi tin lời chú. Tôi tin chú đã nói thì nhất định sẽ làm. Tôi cũng muốn trở về đóng góp xây dựng quê hương. Nhưng điều mà tôi băn khoăn là làm nghệ thuật ở Đà Nẵng không dễ và hơn hết, thành phố sông Hàn không có nhiều điều kiện để một ca sĩ sống thoải mái bằng nghề và đến gần hơn với công chúng. Lúc đó, tôi là giảng viên Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, sinh sống và lập nghiệp tại Hà Nội đã gần 10 năm.

2.Tôi quyết định trở về Đà Nẵng vì cảm phục và yêu quý chú; vì cảm nhận chú đã và đang hết lòng xây dựng, phát triển thành phố. Nhưng việc rời thủ đô để về một “tỉnh lẻ” làm không ít người hoài nghi, cho rằng rồi tôi cũng sẽ trở ra Hà Nội hoặc vào thành phố Hồ Chí Minh như bao nghệ sĩ khác, chứ không thể ở lại Đà Nẵng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong thời đại kết nối toàn cầu, ở đâu thì tôi cũng làm nghệ thuật. Trong một cuộc họp báo chuẩn bị liveshow Về dưới mái nhà vào tháng 4-2013, liveshow đầu tiên của tôi và cũng là dịp ra mắt khán giả Đà Nẵng, tôi đã phát biểu: “Đối với Quang Hào, quê hương luôn là nơi bình yên, được hát tại quê hương là điều hạnh phúc”.  

Trong cuộc nói chuyện của chú với 4.500 cán bộ lãnh đạo thành phố, chú đã dành những lời ưu ái nhất cho tôi. Tôi vẫn nhớ như in chú đã mở đầu bài phát biểu bằng việc “thông báo hai tin vui”, trong đó có “một tin vui là Quang Hào về đầu quân cho đoàn Ca múa nhạc thành phố”.

Nhiều người cho rằng, đó là cách PR hiệu quả nhất mà người đứng đầu thành phố đã dành cho tôi, một người con xa quê hương mới trở về. Còn tôi, lúc đó không biết diễn tả như thế nào về cảm xúc của mình nữa. Tôi càng hiểu về sự tin tưởng, trân trọng của chú đối với thế hệ trẻ.

Tôi được bố trí căn hộ chung cư ngay trung tâm thành phố, được tạo điều kiện đi diễn các tỉnh, thành phố khác; vợ tôi - biên tập viên của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) - được bố trí làm biên tập viên tại Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng (DRT) để tiếp tục theo đuổi nghề báo.  

Tuy nhiên, cuộc sống của một ca sĩ từ Hà Nội về Đà Nẵng quả thật không dễ. Mặc dù Đà Nẵng đón tôi với tất cả ân tình nhưng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện niềm đam mê ca hát. Như hiểu điều đó, chú nhiều lần gọi tôi đến nhà, đến phòng làm việc để chuyện trò về nghệ thuật. Nhiều lúc chú dành cả tiếng đồng hồ để động viên tôi. Chú hát, đọc thơ, nói chuyện về âm nhạc… Chú nói: Hải Phòng có Tháng năm hoa phượng đỏ; thành phố Hồ Chí Minh có Tiếng hát từ thành phố mang tên Người; Hà Tĩnh có Hà Tĩnh mình thương, Khúc tâm tình người Hà Tĩnh; Hà Nội có Nhớ mùa thu Hà Nội, nghe sướng tai liền. Đà Nẵng mình làm răng để được như rứa?

Không còn khoảng cách giữa một lãnh đạo cao nhất của thành phố với một người dân bình thường. Chỉ có tình cảm thân thương như chú - cháu trong một gia đình. Mỗi dịp như thế, tôi như được tiếp thêm sức mạnh, thấy lòng ấm lại, bao nhiêu nỗi buồn cũng vơi đi…

3. Thông tin chú mất đến trong lúc tôi đang có chuyến lưu diễn ở tỉnh Quảng Nam. Một cảm giác đau nhói. Dẫu biết việc sinh - tử là quy luật thường tình, và dẫu biết chú lâm trọng bệnh thì việc ra đi sẽ khó tránh khỏi nhưng sao vẫn thấy thắt lòng quá, chú ơi!

QUANG HÀO

;
.
.
.
.
.