.

115 năm Cảng Đà Nẵng

.

Vịnh Đà Nẵng dù trong lịch sử được gọi là Hiện Cảng, Toron, Tourane… thì đó vẫn là một ưu đãi của thiên nhiên.

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Đà Nẵng. 			                             Ảnh: T.Lân
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Đà Nẵng. Ảnh: T.Lân

Các mô tả của nhiều sử liệu cho thấy, chính điều kiện tự nhiên thuận lợi đó đã tạo cho Đà Nẵng một lợi thế trong quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế, thương mại. Có thể nói không sai rằng: Cũng như các đô thị lớn ven biển khác, chính Cảng Đà Nẵng đã tạo ra thành phố Đà Nẵng!

Từ một tiền cảng của Hội An, nếu lấy ngày 1 tháng 9 năm 1901, khi Toàn quyền Pháp ký quyết định xây dựng Cảng Đà Nẵng làm mốc, thì năm 2015, cảng này đã có 115 năm tuổi - trở thành một cảng thương mại lớn của miền Trung.

Các tác giả Eugène Teston và Maurice Percheron trong cuốn Indochina moderne (Paris, 1931) khi mô tả về Cảng Đà Nẵng đã cho biết: Vịnh Tourane tuy có thể là một bến cảng tuyệt vời, nhưng trên thực tế, nó chỉ là tiếp nhận duy nhất những con tàu trọng lượng 1.500 đến 2.000 tấn…

Nơi tàu neo đậu gắn liền với dòng sông Tourane (nay là Cảng Sông Hàn) bởi một con kênh được nạo vét, được mở cửa lần đầu tiên vào năm 1907 ở bờ biển, cho phép các con tàu chênh 5m vào cửa sông, con kênh đã được nạo vét, từ khi xây dựng lại năm lần khác nhau và hiện nay nó mới bị chặn lại: chỉ có những chiếc tàu sà lan mới có thể hoạt động được.

Trên sông, gồm 12 cầu tàu có chiều sâu rộng lớn từ 7 đến 8m trước nơi mà các con tàu lớn với trọng lượng từ 1.500 đến 2.000 tấn có thể cập bến và hoạt động mỗi khi mà tình trạng con kênh cho phép con tàu đi qua. Đa số tàu lớn đến từ châu Âu và nhiều tàu nhỏ chở hàng ven bờ, xa nhất là Hồng Kông.
Tài liệu của Khâm sứ Trung kỳ ngày 31 tháng 5 năm 1931 cho biết “đã trông thấy trong thành phố ấy những người An Nam đã thành lập những công ty thương mại…”.

Cũng theo dự báo của Maurice Percheron thì giao thông, buôn bán vào những năm 30 thế kỷ trước trên Cảng Đà Nẵng chỉ khoảng 100.000 tấn mỗi năm. Ông cho rằng trong tương lai không xa, Đà Nẵng sẽ phát triển khi tuyến đường sắt mới từ Tourane đến Nha Trang xây dựng xong; mỏ than Nông Sơn khôi phục việc khai thác, xuất khẩu thóc gạo và đường của Quảng Nam, Quảng Ngãi tăng lên; giao thương buôn bán một phần hoặc có nguồn gốc từ Lào khi tuyến đường sắt Tanap – Thakhek được xây dựng và khai thác du lịch đường biển từ Huế vào…

Dự báo của các nhà nghiên cứu Maurice Percheron đã đúng khi trong 115 năm ấy, lượng hàng hóa qua Cảng Đà Nẵng đã tăng lên hơn 60 lần trong khi dân số từ hơn 3 vạn người đã tăng lên một triệu người. Các điều kiện đường sắt, đường liên Á, xuất khẩu, công nghiệp, du lịch biển đã phát triển vượt bậc ngoài trí tưởng tượng của hơn một thế kỷ trước.

Đặc biệt các tuyến bay thẳng xuyên lục địa của ngành hàng không và làn sóng du lịch quốc tế đã tạo cho thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trên thế giới (top 50) trong năm 2015. Nhiều mô tả trên các mạng xã hội gần đây còn cho thấy nhiều du khách tỏ ra thích thú với đô thị này, coi Đà Nẵng không những là thành phố đẹp mà cả con người Đà Nẵng cũng thanh lịch hơn nhiều nơi khác.

Tuy vậy, với trên 6 triệu tấn hàng, Cảng Đà Nẵng nay chỉ còn ở Tiên Sa, khi toàn bộ các cầu cảng dọc sông Hàn không còn nữa, đã bắt đầu bộc lộ những bất cập về giao thông, kho bãi và năng lực nói chung. Cũng vậy, với lượng dân số 1 triệu người, thành phố Đà Nẵng cũng bộc lộ những hạn chế về không gian đô thị, xử lý môi trường, ngập nước và ô nhiễm cục bộ.

Các nhà phân tích kinh tế và quy hoạch đang hối thúc đẩy nhanh đầu tư cảng Đà Nẵng về phía Liên Chiểu, trong lúc các quan tâm về môi trường, mật độ xây dựng, mật độ dân số không đồng đều, cảnh quan đô thị, thiết chế văn hóa và các di tích lịch sử của thành phố Đà Nẵng cũng đang đứng trước những thách đố nhãn tiền. Tất cả những vấn nạn đó là hiển nhiên của lịch sử và phát triển, nếu không được tiên liệu và xử lý thỏa đáng; nếu không có vai trò của một “kiến trúc sư” về phát triển và hoạch định chính sách dẫn dắt.

Các nhà lãnh đạo tương lai của Đà Nẵng vì vậy đòi hỏi một tầm nhìn xa hơn, biết từ bỏ những tư duy mang tính nhiệm kỳ và thành tích.

Lịch sử 115 năm của Cảng Đà Nẵng luôn thuộc về lịch sử thành phố Đà Nẵng. Các bài học cũng vậy!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.