.
Đối thoại đầu tuần

Xử lý trách nhiệm để giữ niềm tin của nhân dân

.

“Tại kỳ họp HĐND thành phố cuối năm nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sẽ thay mặt cử tri thành phố, đặc biệt là hàng ngàn hộ dân bị nợ đất tái định cư đánh giá cao việc lãnh đạo thành phố đã quyết liệt chỉ đạo trả xong nợ đất tái định cư (TĐC) kéo dài nhiều năm qua. Đồng thời, Mặt trận thành phố sẽ giám sát kết quả việc xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân đã để xảy ra tình trạng “dân chờ đất, đất chờ dân”. Trao đổi với Báo Đà Nẵng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố khẳng định.

Hộ giải tỏa sau khi bốc thăm công khai để chọn đất ở tái định cư, ký nhận hồ sơ và được hướng dẫn lập thủ tục giao đất, chuyển quyền sử dụng đất tại một đầu mối ở UBND quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Triệu Tùng
Hộ giải tỏa sau khi bốc thăm công khai để chọn đất ở tái định cư, ký nhận hồ sơ và được hướng dẫn lập thủ tục giao đất, chuyển quyền sử dụng đất tại một đầu mối ở UBND quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Triệu Tùng

* Tại hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp thứ 10 và 11 của HĐND thành phố vừa qua, các đại biểu HĐND đã yêu cầu làm rõ và xử lý trách nhiệm cơ quan, cá nhân để xảy ra tình trạng thừa đất TĐC mà không bố trí cho dân, trong khi đó thành phố phải chi  63 tỷ đồng (trong 3 năm) hỗ trợ người dân thuê nhà. Ông có đồng tình với yêu cầu này không?

- Sau hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp của HĐND thành phố, cử tri thành phố, đặc biệt là những hộ dân bị nợ đất TĐC rất hoan nghênh và đánh giá cao sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố trong việc xử lý giải quyết dứt điểm nợ đất TĐC kéo dài nhiều năm qua. Nhiều người dân mừng đến rơi nước mắt khi nhận được đất thực tế để làm nhà. Cuối năm nay, nhiều hộ dân giải tỏa sẽ đón Tết Nguyên đán trong ngôi nhà mới, có nơi thờ tự tổ tiên ổn định. Tại kỳ họp HĐND thành phố cuối năm nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sẽ thay mặt cử tri thành phố đánh giá cao việc lãnh đạo thành phố đã quyết liệt vì việc này.

Như chúng ta đã biết, tại hội nghị giám sát của HĐND thành phố, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã nhận trách nhiệm của mình là người đứng đầu trước toàn thể cử tri thành phố về việc để xảy ra tình trạng dân chờ đất, đất chờ dân. Nhưng dư luận cử tri và các đại biểu HĐND thành phố yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tham mưu. Ai là người phải chịu trách nhiệm?

Xử lý trách nhiệm như thế nào? Tôi đồng tình với ý kiến của các đại biểu HĐND thành phố là phải làm rõ địa chỉ chịu trách nhiệm về tình trạng “ém đất” TĐC để dân phải ăn nhờ ở đậu, thành phố bị thiệt hại ngân sách hàng chục tỷ đồng. Phải làm rõ, phải xử lý mới giữ gìn được niềm tin của dân đối với Đảng bộ, chính quyền thành phố. Mặt trận thành phố sẽ giám sát kết quả việc xử lý trách nhiệm và công khai cho cử tri biết.

* Ông có nghĩ Mặt trận cũng có phần trách nhiệm vì giám sát không tốt để xảy ra tình trạng “dân chờ đất, đất chờ dân”?

- Tôi khẳng định rằng Mặt trận đã làm hết trách nhiệm trước cử tri thành phố. Nhiều năm qua, Mặt trận các cấp của thành phố luôn luôn sát dân lắng nghe ý kiến cử tri để phản ánh nỗi khổ của người dân giải tỏa trong khi chờ bố trí TĐC để kiến nghị với chính quyền thành phố. Không có báo cáo nào của Mặt trận tại các kỳ họp của HĐND thành phố thiếu kiến nghị về việc bố trí TĐC, giải quyết việc làm ổn định đời sống cho người dân vùng giải tỏa.

Cử tri không chỉ kiến nghị với thành phố mà còn kiến nghị với cả các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, việc tiếp thu giải quyết kiến nghị của Mặt trận chưa được quyết liệt. Chúng ta từng biết HĐND thành phố từng có chủ trương năm 2013 phải kết thúc việc giải tỏa, bố trí TĐC nhưng đã không làm được. Đó là do thiếu quyết liệt.

* Thưa ông, toàn Đảng bộ thành phố đang thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Như vậy có thể căn cứ vào các tiêu chí “5 xây”, “3 chống” của chỉ thị để xử lý trách nhiệm những việc như để thừa đất TĐC mà vẫn nợ dân cũng như công tác quản lý sử dụng căn hộ chung cư cho thuê của thành phố được nêu tại kỳ họp giám sát của HĐND thành phố?

- Đúng vậy, lấy các tiêu chí “5 xây”, “3 chống” của Chỉ thị 29-CT/TU để soi vào những vụ việc này chúng ta thấy rất rõ việc thực hiện các tiêu chí: Chuyên nghiệp, trách nhiệm, trung thực, kỷ cương, gương mẫu, chống “bệnh” quan liêu của các cơ quan tham mưu, cán bộ, công chức có liên quan trách nhiệm thực hiện ở mức độ nào mới để xảy ra tình trạng trên. Thậm chí với câu hỏi “Ém đất” nhằm mục đích gì thì có thể đánh dấu hỏi vào việc thực hiện tiêu chí: Chống tiêu cực như thế nào.

Tôi đồng tình với yêu cầu của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố nói tại hội nghị giám sát vừa qua: “Hãy dũng cảm nhận trách nhiệm, thấy sai mà biết nhận khuyết điểm để sửa, dân mới tin”. Tôi nhắc lại rằng: Cử tri thành phố đang muốn biết kết quả xử lý trách nhiệm như thế nào. Đây là việc của các cơ quan chức năng thành phố, trong đó Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố cũng phải vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên liên quan đến sự việc này.

* Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.

Bí thư Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố Huỳnh Văn Hoa: Tôi đã có ý kiến

Theo tôi, lãnh đạo thành phố đã thể hiện sự dũng cảm, cái tâm vì dân khi tổ chức kiểm tra, phát hiện ra thừa đất mà không bố trí TĐC cho dân và quyết liệt xử lý dứt điểm nợ đất TĐC. Rõ ràng là cần xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra việc này theo tinh thần Chỉ thị 29-CT/TU. Tôi đã có ý kiến với Đảng ủy Văn phòng UBND thành phố về việc này rồi.

Tuy nhiên phải nhìn nhận khách quan rằng, sự việc xảy ra trong nhiều năm nhưng những cơ quan có liên quan trách nhiệm mới được sắp xếp lại đưa về Văn phòng UBND thành phố trong một thời gian gần đây. Nhưng theo tinh thần Chỉ thị 29-CT/TU chúng ta cần làm nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm. Tôi cho rằng dư luận cử tri, cơ quan công luận cần đeo bám cho đến khi có kết quả xử lý trách nhiệm và công khai cho cử tri biết.

Đại biểu HĐND thành phố Thái Thanh Hùng: Phải báo cáo cho cử tri biết

Việc quy trách nhiệm để xảy ra tình trạng thừa đất mà lại nợ đất TĐC kéo dài dai dẳng trong nhiều năm, vừa gây lãng phí ngân sách thành phố vì phải hỗ trợ người dân thuê nhà đã được làm rõ tại hội nghị giám sát của HĐND thành phố vừa qua. Vấn đề còn lại là phải xử lý trách nhiệm như thế nào, kết quả ra sao phải báo cáo cho cử tri thành phố biết vào kỳ họp thứ 11 của HĐND thành phố cuối năm nay. Làm như vậy mới nghiêm, đúng với tinh thần “5 xây”, “3 chống” của Chỉ thị 29-CT/TU. Như thế mới tiếp tục tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền thành phố.

Cử tri Nguyễn Chơi, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu: Chúng tôi sẽ theo dõi kết quả

Là một trong những người dân thuộc diện giải tỏa, chờ bố trí TĐC, tôi rất hoan nghênh lãnh đạo thành phố đã quyết liệt trong công tác xử lý dứt điểm nợ đất TĐC. Đây là tình trạng trong nhiều năm qua tôi thấy kỳ họp năm nào của HĐND thành phố cùng đưa ra mốc 31-12 để giải quyết TĐC nhưng chưa làm được. Qua thông tin báo chí về hội nghị giám sát của HĐND thành phố vừa qua cử tri chúng tôi mới biết có tình trạng thừa đất mà vẫn để nợ dân.

Người dân không có nơi ở ổn định an cư lạc nghiệp, còn thành phố phải chi tiền hỗ trợ cho người dân thuê nhà. Chúng tôi ủng hộ các đại biểu HĐND thành phố yêu cầu quy được trách nhiệm thì phải xử lý trách nhiệm cơ quan nào gây ra tình trạng này và thông tin kết quả cho dân biết. Chúng tôi sẽ theo dõi kết quả xử lý.

HOÀNG ANH ghi

SƠN TRUNG thực hiện

;
.
.
.
.
.