.

Ủng hộ việc đóng tàu vỏ thép

.

Sau khi Báo Đà Nẵng số ra ngày 24 và 25-6 đăng bài “Vươn khơi bằng tàu vỏ thép”, nhiều ý kiến cho rằng, đây là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ, không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Việc đóng tàu vỏ thép cho ngư dân mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Việc đóng tàu vỏ thép cho ngư dân mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Kỹ sư Trần Công Vinh (Tổng Giám đốc Công ty CP Ứng phó sự cố tràn dầu và dịch vụ hàng hải Bảo Duy):

Sẽ được rất nhiều cái lợi

Đóng tàu vỏ thép vươn khơi sẽ được rất nhiều cái lợi: Ngoài các tiện ích hiện đại của tàu vỏ thép thì cái lợi lâu dài nữa là sẽ bảo vệ được nguồn lợi hải sản gần bờ. “Tập tính con cá khi sinh sản thường vào gần bờ để đẻ, khi cá con lớn lên sẽ ra khu vực nước sâu để kiếm ăn. Nếu chúng ta tập trung khai thác, đánh bắt khu vực gần bờ coi như tận diệt nguồn lợi thủy sản. Vì vậy, chủ trương của Chính phủ cho đóng tàu vỏ thép vươn khơi trước hết là để bảo vệ nguồn thủy sản, sau đó là để góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, kỹ sư Vinh khẳng định.

Nhiều nước trên thế giới tịch thu tàu nhỏ của ngư dân để hỗ trợ nguồn vốn đóng tàu vỏ thép vươn khơi. Đi xa bờ, con tàu phải bảo đảm an toàn, không bị sóng biển đánh nứt. Vì vậy, chỉ có tàu vỏ thép hoặc vật liệu composite mới chịu được sóng biển lớn. Hơn nữa, khi đóng tàu vỏ thép sẽ hạn chế được tàu vỏ gỗ, tình trạng khai thác, phá rừng sẽ giảm và sẽ ổn định được môi trường sinh thái thiên nhiên.

Bà Huỳnh Thị Như Hoa (chủ tàu cá ĐNa 90152):

Sẽ đóng tàu vỏ thép

Ngư dân bao đời làm nghề truyền thống bằng tàu vỏ gỗ, khi nghe đóng tàu vỏ thép thì vẫn còn ngần ngại. Đặc biệt, tàu vỏ thép có các công nghệ hiện đại, đầu tư lớn. Tuy nhiên, thời gian đến chúng tôi sẽ dành thời gian để nghiên cứu, đầu tư và sẽ tính toán vay vốn từ gói 10.000 tỷ đồng của Chính phủ để đóng tàu vỏ thép vươn khơi. Làm giàu từ biển cũng phải tính toán đến việc vận dụng khoa học, phải hiện đại hóa phương tiện. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị mua sắm thiết bị máy móc, ngư lưới cụ để đóng mới chiếc tàu vỏ gỗ thay thế tàu cá ĐNa 90152 bị Trung Quốc đâm chìm để cho các thuyền viên tiếp tục ra khơi.

Ông Lê Văn Sang (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, thuyền trưởng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá ĐNa-90444, công suất 1.295 CV):

Tiếp tục đầu tư đóng tàu vỏ thép

Gói 10.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép là một bước đột phá của Chính phủ trong thực hiện chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam vươn tầm thế giới. Việc đầu tư tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ tôi đã nghĩ đến cách đây 3 năm. Vừa qua, tôi cùng với gia đình hạ thủy tàu vỏ thép chuyên nghề lưới vây trị giá 11 tỷ đồng. Hiện tại, tôi chuẩn bị đăng ký mẫu tàu vỏ thép làm nghề dịch vụ hậu cần nghề cá tại Trường ĐH Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời đã làm việc với Ngân hàng BIDV Đà Nẵng để được ưu tiên vay vốn từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ.

Ngư dân chúng ta phải thay đổi tập quán đánh bắt, bởi vùng biển nước ta từ 120 hải lý đến 200 hải lý là vùng biển có nhiều mực, cá ngừ đại dương, nếu đầu tư và biết vận dụng khoa học sẽ khai thác có hiệu quả, nâng cao chất lượng hải sản của mình trên trường quốc tế. Thời gian tới, tôi sẽ sang Nhật Bản để tìm hiểu công nghệ, học hỏi kinh nghiệm đánh bắt bằng tàu vỏ thép. Sau đó, tiếp tục đầu tư đóng mới con tàu vỏ thép chuyên ngành chụp mực.

NGỌC PHÚ ghi

;
.
.
.
.
.