.

Sửa đổi Luật Đất đai: Cần tạo sự đồng thuận trong dân

.

Sáng 6-11, sau khi nghe trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau, tập trung chủ yếu vào chính sách hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, vấn đề tái định cư, quy định về giá đất.

Đại biểu thảo luận tại hội trường
Đại biểu thảo luận tại hội trường

Luật phải đảm bảo quyền lợi của dân

Không phải ngẫu nhiên mà trước khi Luật Đất đai năm 2003 được sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn lĩnh vực đất đai để tổ chức giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

Con số 70% trong tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo hàng năm các cơ quan Nhà nước nhận được liên quan đến đất đai đã phần nào nói lên tính phức tạp của vấn đề. Con số này cũng được nhắc lại nhiều lần để nói lên sự không bình thường trong việc thực hiện các chính sách pháp luật về đất đai.

Trong số nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo về đất đai có sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai, có sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức, có tình trạng cửa quyền, nhũng nhiễu trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai. Nguyên nhân bao trùm lên mọi nguyên nhân là do pháp luật chưa quy định rõ ràng, cụ thể. Khi pháp luật còn kẽ hở thì việc lách luật để làm sai, làm bừa sẽ xảy ra. Một khi quyền lợi của người dân bị xâm phạm thì khiếu kiện phát sinh là điều tất yếu.

Một trong những mục đích của việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là cải cách thủ tục hành chính về đất đai vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài nguyên đất vừa bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện cho người sử dụng đất thực hiện các quyền và giám sát việc thực hiện của các cơ quan Nhà nước nhằm hạn chế tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai. Giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai, giảm các khiếu kiện về đất đai.

Cũng cần nói thêm rằng, Luật Đất đai là một trong số những luật hiếm hoi không được Quốc hội thông qua như dự kiến chương trình, bởi còn nhiều vấn đề chưa nhận được sự đồng thuận. Sau khi chỉnh lý, tiếp thu, dự án luật được đánh giá là có nhiều điểm tiến bộ, nhưng vẫn chưa đáp ứng thỏa đáng nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của người dân.

Phạm vi thu hồi đất cho các mục đích KTXH vẫn còn rộng

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà - Hà Nội, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có những điểm tiến bộ như khoanh vùng rõ hơn và thu hẹp hơn những dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất nhưng phạm vi này còn khá rộng và vẫn bao gồm nhiều loại dự án vì mục đích tư lợi của chủ đầu tư. Thuật ngữ dự án phát triển KTXH rất lập lờ, sẽ dẫn đến lợi dụng khi áp dụng. Vì vậy, dự luật nên quy định một điều riêng về việc Nhà nước thu hồi đất phục vụ cho các mục đích phát triển kinh tế xã hội

Đại biểu Trần Ngọc Vinh - Hải Phòng cũng đánh giá, quy định của dự thảo luật liên quan đến các dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất chưa giải quyết được nút thắt thực tế. Theo ông, Nhà nước chỉ thực hiện thu hồi đất với những dự án Nhà nước quyết định đầu tư, còn với những dự án được các cấp có thẩm quyền chấp nhận đầu tư thì nhà đầu tư phải trưng mua và quan hệ giữa nhà đầu tư với người dân có đất bị thu hồi thuộc quan hệ dân sự.

Đại biểu Vinh cũng đề nghị bổ sung chế tài sử dụng đất với các cá nhân có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, thu hồi đất nhằm tránh việc áp dụng quá giới hạn, tràn lan, dẫn đến hậu quả như vừa qua là chúng ta thu hồi quá nhiều đất để làm các khu công nghiệp nhưng không hoặc chưa đưa vào sử dụng, trong khi người dân không có đất canh tác còn nhà nước vẫn mất tiền để duy trì bộ máy hoạt động cho các khu công nghiệp chết này.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Thanh Hóa cho rằng, các trường hợp thu hồi đất của Luật chưa được thiết chế theo đúng tinh thần dự thảo Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội thảo luận hôm qua. Theo ông, dự luật cần tách biệt các trường hợp thu hồi vì mục đích phát triển kinh tế-xã hội thành 2 loại: loại 1 là tạo quỹ đất thực hiện các chính sách xã hội vì lợi ích công cộng, quốc gia; loại 2 là tạo quỹ đất vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư, trên cơ sở đó Nhà nước có các chính sách phù hợp.

Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh - Hòa Bình đề nghị thêm, người dân nên được tham gia ngay vào khâu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và ý kiến người dân, tỷ lệ ủng hộ của người dân phải được đưa vào điều kiện cần thiết khi các cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng - Bạc Liêu cũng kiến nghị, nếu việc thu hồi đất phục vụ các dự án kinh tế- xã hội vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư thì không được áp dụng hình thức thu hồi mà nên thực hiện cơ chế thỏa thuận.

“Đã là đất kinh doanh thương mại thì phải đấu giá chứ không thể giao đất. Luật nên quy định Nhà nước làm quy hoạch để đấu giá quyền sử dụng đất, sau đó tiến hành giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch, công khai minh bạch nguồn thu từ đấu giá, công khai tỷ lệ người dân bị thu hồi đất được hưởng bao nhiêu…, bỏ hẳn cơ chế giao đất, xin-cho”, đại biểu Hoàng nói.

Cơ quan quyết định thu hồi đất phải độc lập với cơ quan xác định giá đền bù đất

Phương pháp, nguyên tắc tính giá đất đền bù khi thực hiện thu hồi đất được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.

Đại biểu Đàm Thị Mỹ Hương - Ninh Thuận cho rằng, quy định như dự thảo luật là quá chung, ko giải quyết được mong muốn của người dân có đất bị thu hồi, dù đã bổ sung nguyên tắc và phương pháp định giá đất. Việc xác định giá đất khi thu hồi phải tính đến lợi nhuận hình thành trong tương lai khi sử dụng đất được thu hồi, làm sao đảm bảo người dân phải có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước đây.

“Đa phần người dân bị thua thiệt, bức xúc dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện, nên ngoài những quy định như trong dự luật, cần bổ sung quy định giá đất bồi thường cần phải được tính đến cả những lợi nhuận hình thành trong tương lai”, đại biểu Hương nói.

Nhất trí với nguyên tắc, phương pháp định giá đất khi thu hồi, đại biểu Trần Ngọc Vinh - Hải Phòng còn băn khoăn về việc dự luật giao thẩm quyền quá lớn trong thu hồi đất cho UBND cấp tỉnh. Việc UBND cấp tỉnh vừa là người phê duyệt, quyết định thu hồi đất, vừa là người quyết định giá đền bù đất sẽ khiến việc xác định giá đất đền bù thiếu khách quan, minh bạch và đây cũng là nguyên nhân gây khiếu kiện. Theo đại biểu Vinh, dự luật cần phải tách bạch thẩm quyền quyết định thu hồi và giá đất, có cơ quan độc lập xác định giá đất đền bù, như vậy mới đảm bảo khách quan, minh bạch.

Theo chương trình, dự luật Đất đai sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 29-11 tới.

VOV/HNMO

 

;
.
.
.
.
.