.

Rất tự hào về Đà Nẵng

.

(ĐNĐT) - Đó là cảm xúc chung của nhiều người dân khi chứng kiến giờ phút cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý được khánh thành, đưa vào sử dụng đúng vào dịp 38 năm Ngày giải phóng thành phố.

Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người dân, du khách trong và ngoài nước đã di chuyển về phía khu vực cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý,  háo hức mong đợi giờ phút khánh thành cầu.

6 giờ sáng, ông Đinh Huy Thăng (60 tuổi, phường Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) đã có mặt dưới chân cầu Rồng dù nhà cách đó hơn 10 cây số. Ông Thăng háo hức bảo: “Từ hôm qua đến giờ, tôi cứ chộn rộn không yên. Tôi rất mừng vì người dân hai bên bờ sông Hàn lại có thêm những cây cầu mới để đi lại, bộ mặt thành phố cũng khang trang hơn từng ngày”.

Đối với anh Nguyễn Viết Tuyên (46 tuổi, phường An hải Tây, quận Sơn Trà), chủ quán cà phê "cóc" nằm ngay khu vực dưới chân cầu Rồng, niềm vui được nhân đôi bởi: “Có cây cầu mới này, chúng tôi không chỉ thuận tiện hơn trong đi lại mà du khách khi đến Đà Nẵng còn có thêm một địa điểm đẹp để tham quan, ngắm cảnh. Chắc chắn quán của tôi cũng đông khách hơn, nhất là mùa lễ hội pháo hoa sắp đến”. Anh cho biết thêm, ngay từ hơn 5 giờ sáng, người dân, du khách trong và ngoài nước đã đổ về dưới chân cầu Rồng. Người ngắm cảnh, người tranh thủ chụp hình, quay phim làm kỷ niệm. Riêng anh Tuyên, dù không có việc gì để sang bờ bên kia nhưng cũng chạy xe một vòng để “thử” cầu mới.

Có mặt tại cầu Rồng, anh Đinh Duy Sơn (35 tuổi), một du khách đến từ thủ đô Hà Nội, vui vẻ cho hay: “Tôi vào Đà Nẵng hai hôm nay, đi đâu cũng nghe người ta nói về sự kiện này nên muốn đến xem cho biết. Theo cảm nhận của tôi, hai cây cầu mới rất đẹp và hiện đại”.

Người dân thích thú chụp ảnh lưu niệm tại cầu Rồng.
Người dân thích thú chụp ảnh lưu niệm tại cầu Rồng. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Không chỉ đem lại những lợi ích về kinh tế, sự kiện khánh thành cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý đúng vào Ngày giải phóng thành phố đã thổi một luồng gió mới tươi mát vào đời sống tinh thần của người dân Đà Nẵng. Tất cả đều toát lên niềm vui sướng, tự hào, bày tỏ sự đồng thuận cao với các chủ trương, chính sách của lãnh đạo thành phố trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Đà Nẵng.

Là người dân sống ở khu vực dưới chân cầu Trần Thị Lý, tận mắt chứng kiến cây cầu nên dáng hình từng ngày, ông Nguyễn Hồng Phương (70 tuổi, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) xúc động bày tỏ: “Trong cuộc đời mình, có 2 cây cầu khiến tôi thao thức mất ngủ để đợi ngày khánh thành, đó là cầu sông Hàn, giờ là cầu Rồng và Trần Thị Lý. Cầu mới xây rất đẹp, người dân chúng tôi mừng lắm. Từ nay, đi qua đi về rất tiện và an toàn”.

Cầm chiếc cờ nhỏ vẫy chào, chờ đón phút giây cắt băng khánh thành, đại tá Cao Xuân Đại (từng công tác tại Sư đoàn 324) bồi hồi kể lại những trận đánh năm xưa và xúc động chia sẻ: “38 năm sau ngày giải phóng, Đà Nẵng đã phát triển vượt bậc. Tôi đã đi hai miền Nam - Bắc và nhận thấy thành phố có sự đổi thay rất lớn khiến ai đã từng ở đây, khi quay lại đều hết sức ngỡ ngàng. Bản thân tôi là người chứng kiến trận “đại chiến” năm 1975, hôm nay bước trên cây cầu này, không chỉ riêng tôi mà đối với mỗi một người chiến sĩ của Sư đoàn năm xưa đều vui mừng và phấn khởi. Cây cầu được đầu tư và nâng cấp như hôm nay ghi nhớ một chiến tích kỳ diệu trong chiến tranh và ghi nhận thành quả của nỗ lực xây dựng Đà Nẵng ngày càng tươi đẹp hơn”.

Từ nay cầu Trần Thị Lý đã có diện mạo mới, đẹp và hiện đại hơn.
Từ nay, cầu Trần Thị Lý đã có diện mạo mới, đẹp và hiện đại hơn. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Cùng với niềm tự hào của thế hệ đi trước, các em học sinh, đoàn viên thanh niên - những thế hệ trẻ hôm nay - đã có mặt trên cầu Trần Thị Lý từ sáng sớm để chào đón sự kiện này. Em Lê Thị Thùy Duyên, học sinh lớp 10/7 trường THPT Phan Châu Trinh tự hào nói: “Em sinh ra tại Đà Nẵng, đi về trên cây cầu này thường xuyên nên chứng kiến không ít kỷ niệm về nó. Là thế hệ sinh sau giải phóng, em và các bạn rất biết ơn các chú, các anh đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc để chúng em có được ngày hôm nay. Cầu Trần Thị Lý cùng với những cây cầu khác của Đà Nẵng góp phần làm đẹp thêm hình ảnh của thành phố, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông đi lại của người dân. Sau này, nếu có bạn bè ở phương xa tới đây, em sẽ giới thiệu lịch sử của cây cầu cũng như lịch sử của thành phố Đà Nẵng - nơi mình đang sống”.

Sự kiện khánh thành và đưa cầu Rồng cùng cầu Trần Thị Lý đi vào sử dụng, phục vụ người dân đã đáp ứng sự trông chờ, mong mỏi lẫn kỳ vọng lớn lao của chính quyền và toàn thể nhân dân Đà Nẵng, và thắp lên niềm tin, niềm hy vọng mới về sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ của thành phố trong tương lai.

Hòa Bình - Duyên Anh

;
.
.
.
.
.