.

"Kỹ thuật không cho phép làm đầu rồng ngẩng cao"

.

Trước ý kiến "chê" đầu cầu Rồng (Đà Nẵng) thấp, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng khẳng định: "Muốn đầu rồng ngẩng cao chỉ là cảm quan, kỹ thuật không cho phép, đặc biệt là khả năng chịu tải của vòm thép".

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng cho rằng đánh giá đầu rồng cao hay thấp là do góc nhìn, ở gần thấy nó cao, ở xa thấy thấp. Mô hình phóng lên thì đầu rồng có phần cao chứ cầu Rồng hiện nay so với thiết kế không có gì thay đổi.

Cầu Rồng - cây cầu độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Ảnh: Văn Nở
Cầu Rồng bắc qua sông Hàn (Đà Nẵng) đang được thi công các hạng mục cuối để khánh thành vào ngày 29-3, đúng dịp kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng thành phố. Công trình được kỳ vọng trở thành kỷ lục Guinnes "Con rồng thép dài nhất thế giới". Ảnh: VĂN NỞ

Ông Hạng giải thích thêm, đầu rồng cao 10 m, dài 15 m, nặng 40 tấn, diện tích chắn gió tới 150 m2, nên khi làm phải tuân thủ theo thiết kế của Công ty tư vấn Louis Berger (Mỹ) và chỉ được thay đổi biểu tượng đầu rồng, chứ không có quyền thay đổi kết cấu, bố cục...

"Mong muốn đầu rồng được nâng cao hơn vị trí hiện tại để tỏ rõ sự oai phong chỉ là mang tính cảm quan, chứ kỹ thuật hoàn toàn không cho phép, đặc biệt là khả năng chịu tải của vòm thép. Rồng dài hơn 600 m thì không thể có cái đầu nào phù hợp được hết, nó chỉ là biểu tượng thôi", ông Hạng nói.

Nhà điêu khắc này cho hay đã bỏ ra 200 ngày thiết kế 10 mẫu và cuối cùng thiết kế đầu rồng lấy cảm hứng từ rồng thời Lý, được lãnh đạo thành phố chấp thuận.

Theo VnExpress

;
.
.
.
.
.