.

Niềm vui thầm lặng

.

Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ra đời và tiếp sau đó là Quyết định 188/2007/QĐ-TTg đã mang lại quyền lợi, niềm vui cho nhiều đối tượng chính sách trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, nhưng chưa được hưởng chế độ nào từ sau ngày giải phóng đất nước.

Cán bộ Cơ quan Quân sự huyện Hòa Vang chi trả chế độ 290 cho đối tượng chính sách.
Cán bộ Cơ quan Quân sự huyện Hòa Vang chi trả chế độ 290 cho đối tượng chính sách.

Ông Trần Tổng với dáng người bé nhỏ, gầy yếu, sống trong căn nhà cấp 4 ở tổ 18, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà. Năm 12 tuổi, cậu bé Tổng là du kích gan góc ở vùng cát trắng xã Bình Triều (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Như con sóc thoăn thoắt vào ra giữa vùng giải phóng và vùng giáp ranh, Tổng vừa làm giao liên dẫn đường cho hàng trăm cán bộ, bộ đội đi công tác, vừa trực tiếp tham gia cùng lực lượng du kích xã đánh địch.

Gia đình ông Tổng là gia đình cách mạng, cha là liệt sĩ, hy sinh năm 1968. Ghi nhận những đóng góp trong 6 năm phục vụ cách mạng, ông được nhận chế độ 2,6 triệu đồng theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phiêu bạt ra Đà Nẵng sinh sống từ năm 1993, hai vợ chồng ông bươn chải nắng mưa buôn bán nuôi 3 người con ăn học. Do sức khỏe yếu nên ông thường đau ốm, chỉ ở nhà phụ giúp vợ. Số tiền chế độ đến với ông thật bất ngờ, bởi đất nước giải phóng đã hơn 35 năm, ông nghĩ chẳng ai còn nhớ đến mình. Khi nhận chế độ, ông cứ bùi ngùi, không giấu được niềm xúc động. Số tiền dẫu không nhiều nhưng cũng phần nào làm vơi khó khăn, giúp ông mua thuốc chữa bệnh, trang trải tiền học cho con và một số việc cần thiết khác...

Niềm vui của ông có lẽ cũng là niềm vui của hơn 5.000 người được nhận chế độ theo Quyết định 290 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từ năm 2005-2011. Họ là những cựu chiến binh, cán bộ quân đội, công an, cán bộ, công nhân viên Nhà nước, công nhân viên quốc phòng, thanh niên xung phong, dân quân du kích, lực lượng mật..., từng tham gia chiến đấu và hoạt động cách mạng trên các chiến trường B, C, K trong thời kỳ chống Mỹ. Bao nhiêu năm tuổi xuân sôi nổi cống hiến và hy sinh cho cách mạng, nhiều người là liệt sĩ, nhiều người là thương binh...

Bà Nguyễn Thị Chín (tổ 7, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) là một trong những người có thời gian tham gia kháng chiến nhiều nhất. Vừa là du kích mật, bà vừa cùng gia đình nuôi giấu cán bộ suốt những năm ác liệt trên mảnh đất Quế Lộc (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Đến khi lấy chồng, sinh con, bà Chín vẫn hăng hái tham gia kháng chiến, thoát ly lên căn cứ rồi trở thành cán bộ huyện đội, được ra Bắc theo học Học viện chính trị và trở về làm cán bộ Phòng dân quân Quân khu đến năm 1986. Hai người chồng của bà Chín đều là liệt sĩ, cả 3 người anh ruột cũng anh dũng hy sinh. Vượt lên những đau thương, mất mát, bà Chín vừa nuôi con, vừa đánh giặc.

Ông Lê Văn Ba cũng từng là du kích một thời ở vùng B Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam). Cha và em trai là liệt sĩ, bản thân ông là thương binh hạng 2/4. Vợ mất đã lâu, ông trải qua cảnh gà trống nuôi con với bao nỗi lo vật chất, tinh thần đè nặng lên vai. Khi các con đã có gia đình riêng, ông còn lại một mình và bệnh tật ập đến… Lúc này, số tiền chế độ đến với ông không chỉ có ý nghĩa vật chất mà lớn lao hơn là ý nghĩa tinh thần, bởi ông biết rằng chiến tranh đã qua nhưng Đảng và Nhà nước không hề quên những người cống hiến xương máu cho cách mạng.

Hơn 6 năm qua, để hàng ngàn đối tượng chính sách trên toàn thành phố được hưởng chế độ với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, phải kể đến tâm huyết, công sức của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác này. Ông Dương Văn Phú, Chỉ huy trưởng Quân sự xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) cho biết: “Hòa bình đã hơn 35 năm, đối tượng chính sách phần lớn già yếu, sức khỏe cũng như trí nhớ giảm, giấy tờ, hồ sơ chứng minh quá trình tham gia kháng chiến thất lạc nhiều, hoặc không tìm được người làm chứng... Để hoàn tất một bộ hồ sơ đúng thủ tục, bảo đảm chính xác phải mất thời gian khá dài, có khi làm đi làm lại nhiều lần. Nhưng chúng tôi thật sự vui và cảm động khi giúp những người trong diện chính sách được hưởng chế độ xứng đáng”. Còn ông Phan Kế Bạn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang), thành viên Ban chỉ đạo 290 của xã, vẫn nhớ mãi bao chuyến đi lặn lội tìm kiếm những người từng công tác ở các đơn vị cũ để xác minh cho các đối tượng chính sách.

Hơn 35 năm sau cuộc chiến, những người từng đóng góp cho cách mạng mới chính thức cầm trên tay khoản vật chất bé nhỏ bù đắp một phần những năm tháng cống hiến, hy sinh. Gặp gỡ từng cảnh đời, từng số phận tưởng như bị lãng quên mới cảm nhận hết ý nghĩa nhân văn của một quyết định đúng đắn, hợp lòng dân.

Bài và ảnh: HỒNG HẠNH

;
.
.
.
.
.