.

Bài học từ quá khứ buồn...

.

...10 năm trước, xóm giềng gặp anh đều tránh né vì thói côn đồ, hung hãn. 10 năm sau, hàng xóm lại xem anh như “người hùng”  bài trừ cái ác, cái xấu cho người dân, giúp đỡ, giáo dục những đứa trẻ hư thành người lương thiện.

Đại ca...

 

Mô tả ảnh.
Ban ngày mưu sinh với công việc sửa chữa xe đạp, đêm đến anh Dũng miệt mài với công tác tuần tra, bảo vệ bình yên cho nhân dân.

Một ngày cuối tháng giêng, tôi ghé thăm Võ Tấn Dũng (33 tuổi, ở tổ 48 Hòa Minh) - Đội phó đội dân phòng cơ động phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Trong căn nhà cấp bốn rộng chưa đầy 20 mét vuông, bên chén trà nhạt, anh nhẩn nha ôn lại những biến cố đời mình...

Khi Dũng mới 2 tuổi, cha anh bỏ nhà đi biệt. Mẹ anh phải bôn ba đi hát dạo để nuôi 3 đứa con. “Con không cha như nhà không nóc”, Dũng chỉ học hết lớp 3 rồi bỏ ngang, theo bạn bè lêu lổng. 13 tuổi đã biết nhậu nhẹt, hút thuốc. 15 tuổi làm “lơ” xe, sành sỏi dọc ngang ở bến xe Đà Nẵng. Bao nhiêu tiền kiếm được đều nướng vào những cuộc ăn chơi nhậu nhẹt cùng đám bạn giang hồ. Dũng chưa một lần nghĩ đến sự khổ sở, lo lắng của mẹ. Ở nhà nghe mẹ khuyên nhủ nặng nhẹ chán tai, Dũng bỏ đi bụi, sống nay đây mai đó. Sẵn máu giang hồ, lì lợm của một kẻ “vào đời sớm”, Dũng thường là “nhân vật chính” trong những cuộc tranh giành, đánh nhau của giới anh chị ở Liên Chiểu. Bạn bè ai có nhu cầu trả thù hay đánh dằn mặt đối phương, Dũng đều sẵn sàng tham gia...

Sự liều lĩnh của Dũng khiến nhóm thanh niên cùng trang lứa ở địa phương và khu vực bến xe Đà Nẵng nếu không kính nể tôn làm đại ca, thì cũng kiêng dè tránh mặt. Cái danh “đại ca” lại trói thêm Dũng vào những cuộc chơi “không biết đến hậu quả”.

Nhưng “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”, năm 1998, trong một lần tham gia đánh nhau, Dũng gây thương tích nặng cho một thanh niên. Sau khi gây án, biết không thể tránh được án phạt, Dũng bỏ trốn khỏi địa phương...

Tình và duyên

Thế rồi, trong thời gian trốn tránh Công an, như là định mệnh, Dũng gặp và yêu một cô gái, chính là mẹ đứa con mười một tuổi của anh bây giờ. Đối với Dũng, sự gặp gỡ ấy như là cơ duyên đưa đời anh về nẻo thẳng, nhưng cũng chính đó là mối tình gây đau khổ khôn nguôi. Khi người yêu có thai được hai tháng, anh đánh liều tìm về xin mẹ làm lễ cưới. Người mẹ còm cõi, dù nghèo nhưng cũng đã tích góp tiền cho con cưới vợ. Đám cưới được ấn định vào ngày 11-8-1999, thiệp hồng đã gửi bạn bè, bà con hai họ thì ngày 8-8, Dũng bị Công an bắt giữ. Dũng bị đưa đi cải tạo 24 tháng tại trại giáo dưỡng Hoàn Cát (tỉnh Quảng Trị).

Trong khi Dũng đang thụ án, thì người vợ trẻ không chịu được sự xa cách và nhọc nhằn, đã dứt tình ra đi, để lại cho mẹ Dũng đứa con còn đỏ hỏn. Ngày nhận được thư tuyệt tình của vợ, cuộc đời Dũng như vỡ tan một lần nữa. Trong lúc tuyệt vọng nhất, tưởng như cuộc đời không còn nghĩa lý gì để phấn đấu, thì hình ảnh đứa con thơ chưa từng thấy mặt và người mẹ già đang ngày ngày gánh hai vai con tù, cháu dại cứ hiện lên trước mắt anh. Lần đầu tiên anh nhận thức được giá trị của tình yêu thương ruột thịt. Nghĩ về con, anh mới thấy hết những nỗi nhọc nhằn của mẹ. Gặm nhấm nỗi mất mát của riêng mình, mới thấm thía nỗi đau của mẹ khi thấy mình sống buông thả và sa vòng lao lý...

Nuốt những giọt nước mắt ân hận, anh đã cố gắng sống, vươn lên cải tạo tốt để sớm trở về địa phương. Sự nhẫn nại, kiên trì của anh đã được đền đáp xứng đáng khi tháng 3-2001, anh được Chủ tịch nước ân xá trước thời hạn.

Ngày trở về, xóm giềng, bạn bè đến chúc mừng. Mẹ anh ôm anh khóc: “Dũng à! Con đừng làm khổ má một lần nữa nhé!”. Dũng đã quỳ xuống, khóc nghẹn ngào như đứa trẻ lên ba trong vòng tay mẹ: “Má hãy tin tưởng, con sẽ bỏ hết tất cả để làm lại, vì má và vì đứa con tội nghiệp của con...”.
Mình không xấu vẫn chưa đủ...

Bắt đầu lại cuộc đời bằng nghề sửa xe đạp, anh chắt chiu từng đồng tiền lẻ mình kiếm được. Cái giá của tự do, tình cảm đầm ấm của gia đình tiếp thêm nghị lực. Anh tâm sự: “Những ngày đầu khổ lắm ! Ai cũng miệt thị mình là thằng tù, khó mà lương thiện... Phải bỏ ngoài tai những búa rìu dư luận, mình sống thật thà và lao động chân chính để mọi người từ từ đón nhận”.

Sau 2 năm trở về địa phương, anh tự thấy mình đã hoàn chỉnh nửa phần con người, dù trong lòng còn biết bao vết thương chưa lành hẳn.

Châm nước trà vào ly, anh kể tiếp câu chuyện. Trong thời gian cải tạo, anh có quen với hai người “đồng môn” quê ở Quảng Nam. Một buổi sáng mùa hè năm 2003, hai người bạn ấy xuất hiện trước nhà anh. Cứ ngỡ bạn ra trại đến thăm mình, hỏi han công việc, thế mà họ lại rỉ vào tai anh: “Mi có mối nào tiêu thụ xe máy không, đi với tau, chia 3”. Nghe xong, anh giật mình nghĩ, mình đã hoàn lương, biết thế nào là hạnh phúc của một người lương thiện, chả lẽ lại quay về với con đường tội lỗi ấy! Anh tìm cách né tránh, sau đó trình báo với Công an. Từ sự hợp tác của anh mà Công an triệt phá được đường dây tiêu thụ xe gian, những gã bạn “ngựa quen đường cũ” lại trở vào trại giam. Anh tâm sự, nếu nói chuyện nghĩa khí giang hồ thì có lẽ “tụi nó” sẽ trách anh lắm, nhưng nếu phải lựa chọn một con đường, thì anh không ngần ngại đánh đổi hai chữ “nghĩa khí” viễn vông ấy với cuộc sống thật đầy yêu thương mà anh đang có. Cái danh hão “đại ca” đã gây phiền lụy cho anh một lần, lẽ nào lại bước theo vết xe đổ ngày trước!…

Sau lần ấy, anh nghĩ, bản thân mình không làm cái xấu vẫn chưa đủ. Vẫn không thể làm ngơ với cái xấu. Từ đó, anh lăn xả vào các công việc bài trừ những thói hư tật xấu ở địa phương, đặc biệt là ở bến xe mới. Anh đã giúp cho lực lượng Công an, dân phòng bắt nhiều vụ trộm cắp, cướp giật, cố ý gây thương tích.

Người đáng tin cậy

Năm 2004, trong một đợt tham gia làm đường tại làng Vân theo phong trào tình nguyện giúp đỡ những vùng quê nghèo khó, Dũng được nghe kể về những số phận không may của người bị bệnh phong ngày trước. Họ phải sống cách ly xã hội, nhưng tình yêu cuộc sống vẫn thôi thúc họ xây dựng nên một làng Vân trù phú, xinh đẹp. Điều đó khiến anh thấy mình may mắn hơn rất nhiều người, càng quyết tâm phấn đấu, tu dưỡng nhiều hơn.

Anh xung phong vào lực lượng dân phòng. Như để bù lại những tháng ngày lầm lỡ, anh hết sức tích cực với công việc giữ gìn ANTT ở địa phương. Anh xem đồn Công an là nhà. Ban ngày đi làm, ban đêm đi tuần, gắn bó hết mình với công tác. Những thành viên trong đội dân phòng nói: “Bây giờ anh ấy đã là một con người khác”.

Từ một kẻ liều lĩnh, côn đồ khiến người xung quanh đều phải tránh xa hơn 10 năm trước, bây giờ anh trở thành người đáng tin cậy đối với các bậc phụ huynh trong khu vực. Họ thường tìm đến anh, nhờ anh kèm cặp bảo ban cho những đứa trẻ có dấu hiệu hư hỏng. Nhờ đó mà hàng chục em ở tổ 48, Hòa Minh đã tránh được con đường lầm lỡ. Quá khứ bất hảo của Dũng đã trở thành bài học kinh nghiệm sinh động cho bọn trẻ hôm nay.

Ghi nhận những đóng góp của anh, những năm qua Công an thành phố cùng các cấp đã tặng nhiều giấy khen để động viên tinh thần một con người biết đứng dậy sau lần vấp ngã, biết sửa mình, vươn lên làm người lương thiện.       

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.