.

Đào tạo nghề cho người lao động

.
Thời gian qua, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được triển khai đến từng quận, huyện trên địa bàn thành phố. Nhiều người lao động được đào tạo nghề đã tìm được việc làm, ổn định cuộc sống, nhất là đối với những nông dân có đất bị thu hồi, cần chuyển đổi ngành nghề.

Mô tả ảnh.
Người lao động nông thôn tìm kiếm việc làm, học nghề tại Hội chợ tư vấn nghề, việc làm do huyện tổ chức.
 
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay: Hiện toàn huyện có 29.537 hộ dân, với 70.764 người trong độ tuổi lao động và trong số đó có 40.000 lao động chưa qua đào tạo nghề, chiếm tỷ lệ 68,34%. Với đặc thù là một huyện nông nghiệp, cùng với quá trình đô thị hóa, phát triển thành phố về phía Tây Nam, huyện Hòa Vang đang là nơi có số dân thuộc diện di dời giải tỏa cao, số lao động tăng mới và mất việc phát sinh với nhiều lý do, làm cho áp lực việc làm trở thành một trong những vấn đề bức xúc cần được tập trung giải quyết. Do đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn mất đất sản xuất để chuyển đổi ngành nghề là một giải pháp quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm của huyện.

Để giải quyết những khó khăn cho dân, huyện đã chủ động phối hợp với các tổ chức, đoàn thể liên quan tổ chức các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, tổ chức Ngày hội việc làm và tư vấn nghề cho lao động nông thôn, nhằm tạo điều kiện cho người lao động và các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề tiếp cận, tuyển dụng, tư vấn nghề nghiệp, giúp người lao động có được cơ hội tốt nhất để tìm kiếm việc làm. Tại Hội chợ việc làm và tư vấn nghề do huyện tổ chức vừa qua, đã có hơn 1.000 lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề, học nghề. Ngoài ra, hằng năm, Trung tâm Dạy nghề của huyện còn tổ chức đào tạo và giới thiệu việc làm cho trên 800 lao động.

Ông Ngô Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện cho biết: Không chỉ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân có thể tìm kiếm cơ hội học nghề, Trung tâm Dạy nghề của huyện còn tổ chức, phối hợp với chính quyền các xã đến từng nhà để tuyển sinh, kêu gọi người dân học nghề, chuyển đổi ngành nghề phù hợp, nâng cao đời sống.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố, hiện tại, mỗi tháng hai lần, Sở tổ chức Ngày hội việc làm để tìm hướng giải quyết việc làm cho nông dân mất đất sản xuất và lao động diện di dời giải tỏa. Bình quân mỗi năm, có hàng ngàn người dân ở nông thôn đến tuổi lao động và cũng chừng ấy số lao động bị thu hồi đất cần chuyển đổi nghề. Dù các hộ bị thu hồi đất đều được nhận tiền đền bù, tiền hỗ trợ để chuyển đổi ngành nghề, nhưng cái khó của họ là không biết làm gì khi không còn đất sản xuất.

Để giải quyết tình trạng này, trong những năm qua, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai chương trình đào tạo nghề cho LĐNT. Theo đó, Sở làm “đầu mối”, phối hợp với các cơ sở dạy nghề mở các lớp đào tạo nghề cho LĐNT. Tùy theo nhu cầu học của từng nhóm đối tượng mà mở các lớp đào tạo nghề phù hợp. Việc dạy nghề cho LĐNT được thực hiện dưới nhiều hình thức như dạy nghề chính quy tại cơ sở dạy nghề; dạy nghề lưu động tại xã, thôn; dạy nghề tại doanh nghiệp; dạy nghề gắn với xuất khẩu lao động... Theo ghi nhận từ nhiều địa phương, chính nhờ các hình thức đào tạo phong phú, nhiều người đã có nghề nghiệp ổn định, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay là hầu hết các doanh nghiệp chỉ tuyển lao động từ 18 tuổi đến 35 tuổi, nên những nông dân bị mất đất sản xuất có tuổi đời cao không thể tìm được việc.

Có thể nói, việc tổ chức dạy nghề cho người lao động trong thời gian qua đã mang lại những hiệu quả đáng ghi nhận. Nhiều người lao động đã được giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống người dân, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Bài và ảnh: K.Oanh
;
.
.
.
.
.