.

Hiệu quả từ mô hình khu dân cư văn hóa biển Kim Liên

.

Qua một năm thực hiện mô hình “Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên”, có thể khẳng định rằng đây là một chủ trương đúng đắn, đáp ứng yêu cầu tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, giữ vững tình làng nghĩa xóm, nghĩa cử tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư, nâng cao nhận thức của nhân dân trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới.

Liên hoan văn nghệ chào mừng Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên.

Tuyến biên giới biển thành phố Đà Nẵng gồm 5 quận biên giới với 17 phường, có 72.682 hộ/318.054 nhân khẩu, phần đông nhân dân làm nghề biển và buôn bán nhỏ; có nhiều phong tục, tập quán và các làng nghề truyền thống như nghề cá, nghề sản xuất nước mắm, nghề thủ công mỹ nghệ và có nhiều lễ hội văn hóa truyền thống.

Để góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng phong trào bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo Đồn Biên phòng 244 phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin quận Liên Chiểu, phường Hòa Hiệp Bắc khảo sát, chọn Chi bộ 5 Kim Liên để xây dựng “Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên”.

Ban vận động xây dựng “Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên” tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành và thực hiện theo Quy ước, làm chuyển biến tích cực nhận thức của nhân dân trong việc xây dựng “Khu dân cư văn hóa biển”. Duy trì thường xuyên các phong trào như thành lập Hội Khuyến học và vận động nhân dân tích cực tham gia ủng hộ xây dựng quỹ với số tiền hơn 7 triệu đồng để khuyến khích, động viên các cháu có nhiều thành tích tốt trong học tập, các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh nghèo vượt khó.

Năm học 2007 - 2008, khu dân cư văn hóa biển không có học sinh bỏ học và bỏ học giữa chừng. Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa phát triển mạnh. Năm 2008 có 5/5 tổ đạt khu dân cư tiên tiến, 2/5 tổ đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa 3 năm liền; toàn Khu dân cư văn hóa biển có 312/346 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 90%, trong đó có 248 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa 3 năm liền. Chi bộ 5 được Đảng bộ phường Hòa Hiệp Bắc công nhận là Chi bộ tiêu biểu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; các chi hội đoàn thể được các cấp hội công nhận là chi hội khá.

Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và lễ hội truyền thống được tổ chức theo đúng quy định của pháp luật, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong năm, đã vận động các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn đóng góp, ủng hộ được hơn 40 triệu đồng và hàng trăm ngày công tu sửa Lăng Ông là nơi tổ chức Lễ hội truyền thống và sinh hoạt tín ngưỡng của ngư dân và nhân dân trên địa bàn, nâng cấp Lễ hội Cầu an, Cầu ngư trước đây thành Lễ hội ra quân đánh bắt hải sản, kỷ niệm Ngày Bác Hồ về thăm Làng cá.

Lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ như lắc thúng, đua thuyền, đan lưới, bóng đá, bóng chuyền, kéo co dưới nước... tạo nên không khí thi đua lao động sản xuất ở khu dân cư. Đến nay, trên địa bàn 5 tổ dân phố không còn nhà tạm, hộ nghèo giảm 5% so với năm 2007; 100% hộ gia đình có nhà vệ sinh tự hoại, không còn hiện tượng đi vệ sinh ra khu vực bờ biển; không sử dụng xung điện, chất nổ khai thác hải sản, hủy hoại môi trường sinh thái biển. Nhân dân đoàn kết một lòng có ý thức tham gia xây dựng, thực hiện Quy ước “Khu dân cư văn hóa biển”, xây dựng môi trường văn hóa xanh, sạch, đẹp.

Nhân dân tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng chống, tố giác tội phạm, cung cấp cho BĐBP hàng trăm nguồn tin có giá trị, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 244 hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực tham gia cùng với Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh. 
 
Bài và ảnh: BÁ VĨNH

;
.
.
.
.
.