.

Hết lòng vì đồng đội

.

Có một Cựu chiến binh (CCB) đã hơn 14 năm liên tục đi đến các nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) và các chiến trường xưa để tìm mộ đồng đội, mọi chi phí đều bằng lương hưu của mình và nhiều lần còn đưa cả con trai đi phụ giúp. Đó là Đại tá Cao Xuân Đại, ở tổ 26, phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu).

Vợ chồng CCB Cao Xuân Đại và cô giáo Đoàn Thị  Bích Mai.

Ông Đại quê ở Hà Tĩnh, nhập ngũ năm 1967, từng lập nhiều chiến công xuất sắc ở mặt trận Bình Trị Thiên và khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Qua mỗi trận đánh đã để lại trong ông không chỉ hào quang chiến thắng mà cả nỗi xót xa của những hy sinh, tổn thất.

Người CCB này nhớ lại, ngay trận thắng giòn giã ở Hồ Khê (Quảng Trị) ngày 10-9-1967, đơn vị ông đã tiêu diệt hơn 500 tên giặc Mỹ, nhưng để đánh đổi chiến công ấy, gần 30 đồng đội đã ngã xuống. Trong trận Tết Mậu Thân, ông là xạ thủ trung liên của Đại đội 2 Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 812 Sư đoàn 324)-là đơn vị tấn công vào thành cổ Quảng Trị.

Chỉ sau 5 tiếng đồng hồ chiến đấu, ta đã làm chủ thành cổ, nhưng đến 9 giờ sáng mồng một Tết, địch điên cuồng phản kích bằng cả bộ binh, pháo binh, xe tăng và máy bay. Đơn vị thương vong rất nhiều, chỉ còn vài chục tay súng nhưng vẫn kiên quyết giữ cổng thành, chờ đến tối có thêm lực lượng thanh niên xung phong, mới chuyển được thương binh về phía sau và chôn cất tử sĩ. Trận đó, cả tiểu đoàn hy sinh hơn 300 đồng chí!

Đến năm 1974, ông là cán bộ tác chiến sư đoàn xuống tăng cường cho Trung đoàn 3 tấn công căn cứ Thượng Đức. Bộ đội xung phong dưới làn đạn địch, lần lượt chiếm các cao điểm 383, 1062, Hà Nha, Hà Sống và đập tan hệ thống phòng ngự của địch - nơi được mệnh danh là “cánh cửa thép phía tây Đà Nẵng”. Để làm nên chiến thắng vang lừng đó, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh...

Sau khi về hưu (năm 1992), ông Đại ngày đêm trăn trở, nghĩ đến bao đồng chí đã nằm lại ở chiến trường. Ông cứ day dứt rằng, nay mình có nhà cửa khang trang, vợ con đề huề, nhưng rất nhiều đồng đội bây giờ không biết hài cốt, phần mộ nằm đâu và cũng chẳng biết cha mẹ, vợ con của anh em như thế nào. Từ tâm trạng đó, kể từ năm 1995 đến nay, CCB Cao Xuân Đại đã nhiều lần trở lại các chiến trường xưa để tìm kiếm phần mộ liệt sĩ.

Nhiều nghĩa trang liệt sĩ (NTLS), nhiều địa điểm chiến đấu ở Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Tây Nguyên, ông đã đến hàng chục lần. Cho tới một ngày đầu tháng 7-1997, ông đã trào nước mắt òa khóc trong NTLS Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) khi tìm thấy 119 đồng đội của đại đội ông hy sinh trong trận đánh thành cổ xuân 1968. Bất chấp trời nắng như đổ lửa, ông lần lượt ghi hết địa chỉ và chụp ảnh bia mộ, rồi gửi về cho từng gia đình liệt sĩ. Thân nhân liệt sĩ nhận được thư, ảnh, đã liên hệ với ông và được ông đón tiếp, ăn nghỉ ngay tại nhà mình, rồi đưa đến tận nơi, giúp liên hệ với chính quyền địa phương, tổ chức cất bốc hài cốt đưa về quê cải táng.

Ông Đại còn nhớ trong trận Thượng Đức, các liệt sĩ được chôn tại khu Bãi Bằng, gần cao điểm Ba Khe. Ông đã tìm đến nhiều lần, nhưng do cảnh vật thay đổi, không thể nào nhận ra được khu Bãi Bằng năm xưa. Cuối cùng, ông nhờ một người dân am hiểu địa bàn giúp đỡ và đã tìm ra nơi chôn hơn 200 liệt sĩ. Từ đó, những chiến sĩ hy sinh trong chiến dịch Thượng Đức đã được đưa về cải táng tại NTLS Đại Đồng (huyện Đại Lộc-Quảng Nam). Ông lại viết thư, chụp ảnh phần mộ gửi về cho gia đình của từng liệt sĩ…

Cứ như vậy, từ đó đến nay ông Đại đã tìm được gần 1.300 mộ liệt sĩ và đã giúp gia đình đưa về quê cải táng 252 trường hợp. Đặc biệt, ông tổ chức đón tiếp các thân nhân liệt sĩ hết sức chu đáo ngay tại nhà ông và cũng hoàn toàn bằng tiền lương của vợ chồng ông.

Gia đình ông Lê Văn Bồng ở Thanh Hóa, anh của liệt sĩ Lê Trọng Đạt hy sinh ngày 2-5-1972 trong trận đánh đoàn xe địch tại Hải Lăng (Quảng Trị), khi đến nhà được ông tiếp đón rất trân trọng, có quay phim, chụp ảnh và có mời lãnh đạo địa phương đến dự, sau đó còn mua một bộ quần áo lụa gửi về tặng mẹ liệt sĩ Lê Trọng Đạt. Ông Bồng xúc động nói trong nước mắt: Đã hai thứ tóc trên đầu, ông mới thấy có một người đối với đồng đội cũ nặng tình nặng nghĩa đến thế!

Có những lúc ông Đại đi tìm mộ liệt sĩ mà không còn tiền, vợ ông - cô giáo Đoàn Thị Bích Mai - lại chạy vạy, lo liệu mọi thứ cho ông rất chu đáo. Con trai ông là Cao Thượng Thế cũng đã nhiều lần sát cánh cùng cha trong các chuyến đi tìm mộ liệt sĩ.

Nhớ buổi xuất quân chiều 30 Tết Mậu Thân và ngay hôm sau thì hơn 300 đồng đội trong tiểu đoàn đã ngã xuống tại thành cổ Quảng Trị, hằng năm cứ đến chiều 30 Tết, vợ chồng ông Đại lại làm một mâm cơm cúng, thành kính khấn vái, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ.

Riêng liệt sĩ Phùng Văn Phức, vốn là tiểu đoàn trưởng của ông Đại trong trận đánh thành cổ năm ấy, sau khi tìm thấy mộ, ông đã lặn lội về quê của liệt sĩ (Đại Minh, Đại Lộc, Quảng Nam), nhưng không tìm ra thân nhân, thế là ông lập bàn thờ thờ liệt sĩ Phức ngay tại nhà mình.     


Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.