Chính trị - Xã hội

Tác nghiệp trên vùng cao

08:07, 21/06/2009 (GMT+7)

Nghe tôi nói trong vòng 8 tháng mà đã 3 lần lên Tây Giang, bạn bè hỏi có gì hấp dẫn mà “ghiền” lên đó vậy? Tôi cười: Chưa đi chưa biết Tây Giang/ Đi rồi mới biết chiếc vòng vàng em Cơtu.

Xuất phát từ Cơ quan Thường trú Báo Nhân Dân tại Đà Nẵng lúc 7 giờ 30, nhưng mãi đến hơn 1 giờ trưa, chúng tôi mới đến Trung tâm Hành chính huyện Tây Giang. 120km thì có xa xôi gì, nhưng do đường núi quanh co nên hành trình có chậm lại. Bữa trưa chỉ vừa mới bắt đầu được một lát thì có người nhắc nhở, nếu muốn lên Đồn Biên phòng 649 thì phải tranh thủ đi ngay kẻo trời mưa. Sau 3 giờ chiều, nước mưa lút hết mấy cái ngầm, xe chỉ còn nước nằm tại chỗ mà khóc - anh này cảnh báo.

“Thục đạo nan”!

Ảnh : Văn Phương

Chúng tôi đi quyết định đi 649. Vội cho xong bữa, chỉ vừa kịp uống xong ly nước là lại lên đường. Hôm đó là một ngày cuối tháng 8, cơn mưa dầm ngày hôm trước còn để lại dấu vết trên những vũng nước, những đoạn đường đất đỏ dẻo quẹo như nồi đường thắng. Qua khỏi xã Lăng được một đoạn, nơi nghe nói có kim loại vàng trong lòng đất, chiếc xe cứu thương của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam quay bánh... tại chỗ. Chúng tôi bước xuống lội bộ, để bác tài “rảnh tay” làm việc. Trưởng đoàn Thanh Lộc lăng xăng chạy tới trước để “tác nghiệp” với cái xe đang gồng mình vượt qua đoạn đường lầy lội, mải để mắt vào ống kính mà quên chú ý đến vực thẳm nằm sát dưới chân. Suýt nữa thì...

Từ đó, con đường vắng và… khó tính dần. Đường núi có khác. Tài xế quả là một “tay lái lụa”, 26 tuổi, tên Vương, người Hà Đông (chừ thì đã là Hà Nội rồi). Chiếc xe vừa mới chồm lên khỏi mấy tảng đá thì Vương đã thoăn thoắt bẻ tay lái sao cho mấy cái bánh xe rơi xuống vừa vặn nằm trên những rìa đá khác, tránh rơi vào mấy cái hố nhỏ bên cạnh.

Theo lời Vương, ngày ngày mưa rừng bào mòn con đường, cuốn đi lớp đất che phủ và để trơ lại những rìa đá lô nhô đủ loại cùng với vô số hục hang lớn nhỏ. Đến thôn Voòng, xã Tr’Hy thì đường không còn là đường nữa, nó đã bị rạch nát bởi những lưỡi dao mềm mại của nước mưa, pha trộn giữa đất đá, hục hang và bùn đỏ. Chúng tôi ngồi níu chặt vào thành xe, nín thở trong cái hộp sắt bít bùng ấy, chóng mặt vì cảnh vật bên ngoài chấp chới liên hồi như trong một bộ phim hành động.

Nói thế, chứ cũng có lúc xe bon trơn trên đường. Đó là lúc qua cơ quan xã Tr’Hy, cách trung tâm huyện 25km. Nhưng cũng chỉ đi được khoảng hơn cây số nữa thì Vương cho xe dừng lại, cùng chúng tôi xuống “thị sát” tình hình.

Phía trước, con đường vẽ một khúc cong đỏ quạch về phía núi xa. Những lượt xe đi về trước đó đã để lại trên mặt đường hai vết bánh xe lõm sâu gần một mét. Cả một vùng yên lặng như tờ, thỉnh thoảng có tiếng chim vọng lại từ xa. Mây đen vần vũ nơi trời tây, đe dọa một cơn mưa rừng dữ dội. Vương bảo, Đồn 649 còn cách mười hai cây nữa. Đường sá thế này, ớn quá. Có khi lên trên đó gặp mưa, một tuần sau mới về được. Nghe thế, chúng tôi ai nấy xanh mặt, cùng bàn nhau “đằng sau... quay!”.

Tác nghiệp trên vùng cao: cực mà vui!

Khi về, trời mưa từng đợt, con đường trơn như đổ dầu. Mấy lần chúng tôi phải xuống đẩy xe để phụ với tài xế Vương vượt hố đột xuất. Ngồi nghỉ giải lao bên đường dốc thôn Voòng, nhìn anh em mệt phờ người (như đoàn quân thất trận – Trưởng đoàn Thanh Lộc nói đùa), tôi chợt nhớ câu thơ xưa của Lý Bạch trong bài “Thục đạo nan” qua lời dịch của Trần Trọng San: “Đường Thục khó, khó hơn lên trời xanh/ Khiến người nghe nói héo mặt son/ Núi liền cách trời chẳng đầy thước/ Thông khô vắt vẻo vách cao ngất”. Đường lên 649 đối với chúng tôi hôm đó khó thật, mặc dù có chiếc ô-tô hai cầu chuyên lội đèo vượt suối.

Giấc mơ quanh những chiếc vòng

Đi Tây Giang lần đó, chúng tôi một công hai việc: Vừa dự Lễ kỷ niệm 5 năm tái lập huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, vừa tác nghiệp để chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng và 20 năm Ngày Biên phòng toàn dân diễn ra vào ngày 3-3-2009. Theo cách nói nửa đùa nửa thật của cánh nhà báo thì lên Tây Giang mà không lên tới Đồn 649 thì coi như chưa lên Tây Giang! Phó Chủ tịch UBND huyện Bhling Mia có lần đưa mấy anh em phóng viên lội bộ lên tới đó, đi về mất cả tuần nhưng ai nấy đều hả lòng hả dạ.

Đồn 649 đóng trên địa bàn xã A Xan, nơi có độ cao tuyệt đối 1.200m. Nghe nói trên đó có nhiều thung lũng bằng phẳng làm ruộng nước hàng trăm năm nay, có đặc sản lúa thơm prông, xươn, có rượu tr’đing say ngất ngây và cây đẳng sâm làm thuốc quý. Nơi đây có trường THCS, sau này sẽ nâng lên thành trường THPT phục vụ 4 xã Khu 7 cũ. Thôn A Rầng 1 (người dân quen gọi là “thôn Ông Liêc” – Chủ tịch huyện Priu Liêc là người thôn này) hiện có đến 5 sinh viên đại học, là niềm tự hào chung của cả huyện. Chủ trương của huyện là sẽ quy hoạch A Xan thành thị tứ trước năm 2013, sau đó lên thị trấn, tạo điểm nhấn cho vùng cao của huyện.

Nghe những thông tin hấp dẫn này, chúng tôi ai cũng ngẩn ngơ vì chỉ còn mấy bước nữa mà vẫn chưa “chạm” được đến đất A Xan. Tối đó, chủ và khách cùng nâng ly rượu ba kích, đặc sản được pha chế từ loại cây cùng tên ở Quảng Nam chỉ riêng Tây Giang mới có. Mưa rả rích cả đêm, nghĩ đến những con đường vắt qua sườn núi như đường vào đất Thục xưa, thầm mong nơi này sớm thoát ra khỏi danh sách 61 huyện nghèo nhất nước như lời Chủ tịch huyện Priu Liêc, để những người lính biên phòng, người dân, cán bộ... không còn phải đối mặt với những khó khăn trước mắt.

Mới đây, nhân kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh, chúng tôi lại có dịp quay lại Tây Giang thêm hai lần nữa, cùng ngồi uống rượu ba kích với những người bạn cũ trong nhà Gươl ở Làng truyền thống Cơtu. Bức phù điêu chạm hình con trâu ngoặt đầu trên vách gợi lên những âm vang cồng chiêng của lễ đâm trâu năm rồi. Lúc đó, người Cơtu từ những vùng xa như A Xan đã gùi cơm nước băng bộ mấy chục cây số trẩy hội về trung tâm huyện.

Vùng cao luôn thu hút người miền xuôi bằng những nét riêng.

Giờ đây, họ lại đến. Những cô gái Cơtu đôi mắt đen lánh, giấu nắng gió sơn cước sau nụ cười lúng liếng, phút chốc trở thành “người mẫu” trong ống kính khách miền xuôi. “Chân em gái thon đẹp như thân dong. Chân em trắng xinh giống cây chuối rừng xanh. Đôi môi em tươi tựa đóa hoa lơ lang...”. Khúc diễm tình trong bài dân ca Cơtu “Trên bến sông quê” theo điệu Babooch ấy như có men, chúng tôi chếnh choáng hóa thân thành lữ khách đăm nhìn những cô sơn nữ đẹp xinh như trong một bài hát của Trần Hoàn.

Đêm đó, khi tiếng hát các cô bật dậy giữa đại ngàn, Phó Chủ tịch huyện Bhling Mia quay sang chúng tôi: Sau Tết, thời tiết tốt, nhớ lên A Xan nghe. Tôi mường tượng cái làng cao vắt vẻo gần chạm mây trời biên giới ấy, nơi có Đồn Biên phòng 649 với cột mốc T6, hẳn phải có một cái gì đó mới thu hút người làm báo đến thế. Chúng tôi 3 lần vẫn lỡ hẹn. “Ai cõng em qua sông em biếu chiếc vòng vàng. Ai dắt chúng em sang, em sẽ trao chiếc vòng bạc”. Những con suối, con sông trên vùng cao ấy đẹp hơn trong mắt khách miền xuôi. Và không biết ai trong chúng tôi sẽ nhận được những chiếc vòng từ trong câu ca diễm tình ấy?

Ký của VĂN THÀNH LÊ

 

 

.