.

Đà Nẵng sẽ có ngàn thuyền hoa trên sông Hàn?

.

(ĐNĐT) - Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đang ấp ủ ý tưởng tổ chức đoàn thuyền hoa cả ngàn chiếc diễu hành trên sông Hàn trong dịp thi bắn pháo hoa quốc tế.

Tại cuộc họp tổng kết cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2009 (DIFC 2009), Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh yêu cầu, trong những cuộc thi sắp tới, không được mở các khu ẩm thực tại bờ Đông sông Hàn, để dành những vị trí đẹp và thuận lợi đó phục vụ nhân dân xem pháo hoa.

Thuyền hoa trên sông Hàn trong đêm diễn ra Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2009. Ảnh: V.T.L

Đặc biệt, ông chỉ đạo UBND thành phố và Ban tổ chức cuộc thi nghiên cứu, tổ chức 1.000 thuyền hoa (500 thuyền ở phía Nam, 500 thuyền ở phía Bắc khán đài) để vừa trang trí cho sự lộng lẫy của dòng sông, vừa phục vụ người xem, đồng thời tăng thu nhập cho những hộ có thuyền…

Ý tưởng này, nếu thành hiện thực, sẽ đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của rất nhiều du khách. Được ngồi giữa sông, hưởng làn gió mát ngắm pháo hoa với tầm quan sát gần nhất có thể mà không phải chen lấn giữa biển người ngột ngạt, không phải đi thật sớm giành chỗ, lại được cung cấp nhiều dịch vụ cần thiết khác như ăn uống, vệ sinh… thì quả là thật hấp dẫn.

Thực ra, ý tưởng này từng được Công ty TNHH du học – du lịch - sự kiện Nhật Thịnh thử nghiệm lần đầu tại DIFC 2009 và như giám đốc Huỳnh Phan Anh Sa cho biết, tuy giá vé khá cao (500.000 đồng/suất/đêm) nhưng đơn vị vẫn đạt kết quả ngoài dự kiến.

Tuy nhiên, đó là chuyện của một đơn vị với 1 – 2 chiếc thuyền, lại không phải thuyền hoa, còn ý tưởng cho những cuộc thi sắp tới là cả ngàn chiếc thuyền hoa, gấp gần 50 lần số thuyền hoa tại DIFC 2009, trên những chiếc thuyền đó không chỉ có người của “nhà thuyền” mà còn có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn du khách, thì câu chuyện đã hoàn toàn khác, ở một quy mô, tầm vóc cao hơn hẳn.

Chưa kể, chỉ với hơn 20 chiếc thuyền hoa diễu hành tại DIFC 2009 đã tạo nên những nét điểm xuyết khá đặc sắc góp phần làm cho sông Hàn thêm rực rỡ dưới ánh sáng muôn màu của pháo hoa. Nay, nếu hình thành được đoàn thuyền hoa lên đến cả ngàn chiếc thì sông Hàn sẽ còn lộng lẫy, huyền ảo biết bao. Đó thực sự sẽ là cuộc diễu hành thuyền hoa lớn nhất từ trước đến nay, hứa hẹn tạo nên ấn tượng khó phai đối với du khách.

Sông Hàn lung linh, huyền ảo hơn với thuyền hoa. Ảnh: H.C

Vấn đề là… làm sao để ý tưởng này có thể trở thành hiện thực?

Tại DIFC 2009, Ban tổ chức phải chi khoảng 5 triệu đồng cho mỗi chiếc thuyền thuê của ngư dân, rồi đầu tư thêm trên 15 triệu đồng/thuyền để trang trí cho những chiếc thuyền giã cào vốn đen đủi, xù xì ấy trở thành những chiếc thuyền hoa lộng lẫy. Tính ra, để có đoàn thuyền hoa hơn 20 chiếc, Ban tổ chức DIFC 2009 đã phải chi ra hàng trăm triệu đồng. Nay để có được đoàn thuyền hoa lên đến cả ngàn chiếc thì số tiền đầu tư sẽ còn lớn biết bao nhiêu?

Thế nhưng, như nhiều chủ thuyền hoa tại DIFC 2009 cho biết, khoản tiền ấy chỉ mới bù đắp phần nào cho “thiệt hại” khi họ phải bỏ nhiều chuyến biển, đưa thuyền vào bờ suốt cả tuần để trang trí và tham gia diễu hành. Sở dĩ họ chấp nhận phần thiệt thòi đó là vì muốn đóng góp vào thành công chung của một sự kiện trọng đại của thành phố. Tuy nhiên, đó là với vài chục thuyền, có thể gọi là những “hạt nhân phong trào” ở các làng chài, còn kêu gọi cả ngàn chủ thuyền cùng chấp nhận sự thiệt thòi như vậy thì e là… khó.

Nhưng như thế không có nghĩa ý tưởng “ngàn chiếc thuyền hoa” không thể thành hiện thực. Ngay trong gợi ý ban đầu, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng đã hé lộ ý tưởng “lấy thuyền hoa nuôi thuyền hoa”. Theo đó, các chủ thuyền sẽ được đón khách lên thuyền ra sông xem pháo hoa. Hẳn nhiên, đây là một cơ hội kinh doanh dịch vụ hứa hẹn đem lại nguồn thu không nhỏ cho các chủ thuyền.

Ngược lại, các chủ thuyền muốn được tham gia hoạt động này thì phải đầu tư để chiếc thuyền của mình thực sự trở thành thuyền hoa, nghĩa là phải đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn về trang trí mỹ thuật theo chủ đề được ban tổ chức định hình, chấp hành lịch trình và hoạt động theo chương trình quy định đối với đoàn thuyền hoa… cũng như các điều kiện cơ bản để có thể kinh doanh dịch vụ phục vụ khách trên sông.

Theo phân tích của ông Trần Hoàng, chủ tàu ĐNa 36486 từng tham gia đoàn thuyền hoa tại DIFC 2009, nếu thực thi theo kế hoạch này, ông có thể phải đầu tư khoảng 20 triệu đồng làm thuyền hoa. Nhưng mỗi đêm ông chỉ cần đón khoảng 50 khách với mức giá từ 250.000 – 300.000 đồng/khách thì đã bắt đầu có lãi, chưa kể phần lãi từ các loại dịch vụ khác trên thuyền. Nếu thời gian hoạt động được mở rộng thêm 1 – 2 đêm trước và sau thời điểm chính thức diễn ra cuộc thi thì có lẽ khoản lãi sẽ còn cao hơn nữa. Vì vậy, ông tin tưởng sẽ có nhiều chủ thuyền sẵn sàng tham gia chương trình này.

Tính chung lại, nếu ý tưởng tổ chức “ngàn chiếc thuyền hoa” trở thành hiện thực, Đà Nẵng không mất tiền đầu tư làm thuyền hoa như trước nhưng lại có được đoàn thuyền hoa lớn nhất từ trước đến nay, góp phần cùng pháo hoa trên trời và ngàn vạn chiếc hoa đăng trên sông tạo thành cảnh tượng hoành tráng chưa từng có cho sông Hàn.

Các chủ thuyền vốn chỉ quen với việc đánh bắt thuỷ, hải sản sẽ có được cơ hội tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch để tăng thêm thu nhập và điều này hoàn toàn đúng với định hướng “toàn dân làm du lịch” để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng. Trong khi đó, du khách sẽ có dịp lựa chọn một sản phẩm du lịch chắc chắn sẽ rất đặc sắc, làm phong phú thêm sự thưởng thức của họ khi đến với đại tiệc pháo hoa…

Vấn đề còn lại là đầu tư cho công tác tổ chức, từ việc tuyên truyền, vận động để các chủ thuyền tham gia đến việc xác định chủ đề, thiết kế mỹ thuật “khung” cho các thuyền hoa, kiểm tra chặt chẽ các tiêu chuẩn của thuyền hoa, nhất là mức độ an toàn khi tham gia đón khách, lập bến đỗ cho khách lên xuống thuyền hoa được thuận lợi, tổ chức điều hành cả ngàn chiếc thuyền cùng tham gia vào cuộc diễu hành sao cho thật bài bản, ấn tượng, bố trí chỗ để các thuyền dừng cho khách xem pháo hoa an toàn tuyệt đối…

Có thể nói cả “núi” công việc đang đặt ra trước mắt các nhà tổ chức nếu thực sự muốn biến ý tưởng “ngàn chiếc thuyền hoa” thành hiện thực. Nhưng tin rằng núi công việc đó rồi sẽ được giải quyết ổn thoả trên tinh thần đồng thuận, một sự đồng thuận vốn đã biến ý tưởng tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế thường niên và “độc quyền” tại Đà Nẵng trở thành hiện thực (với núi công việc còn khổng lồ hơn nhiều).

Và hẳn nhiên là phải đảm bảo nguyên tắc tất cả các bên: nhà tổ chức, chủ thuyền lẫn du khách đều cùng có lợi!

Hải Châu

;
.
.
.
.
.