.

Ý kiến cử tri

.

Kỳ họp lần thứ 11 HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VII sẽ diễn ra trong hai ngày 2 và 3-7-2008 với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến các vấn đề kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của thành phố. Qua kỳ họp lần này, cử tri thành phố gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng của mình đến các cơ quan chức năng về những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống người dân, doanh nghiệp hiện nay.

Báo Đà Nẵng xin giới thiệu một số ý kiến cử tri trước thềm kỳ họp HĐND thành phố.

Bà LÊ THỊ NAM PHƯƠNG, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Tân Định, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ doanh nhân Đà Nẵng:

Cần thành lập một ngân hàng có hội sở chính thức tại Đà Nẵng

Hiện nay, để giữ bạn hàng, doanh nghiệp vẫn phải giữ mức giá bán không tăng nhiều, trong khi giá nguyên liệu sản xuất đầu vào liên tục tăng. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là huy động nguồn vốn. Các ngân hàng đã siết chặt tín dụng, cho vay với lãi suất cao, có khi mình chấp nhận lãi suất cao nhưng vẫn không vay tiền được. Các hội sở ngân hàng đều nằm ở 2 đầu đất nước, do đó, mọi thông tin về vay vốn và các ưu đãi chậm tới với doanh nghiệp, nên rất khó cho việc xử lý sự cố.
 
Một số ngân hàng còn yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh lại lãi suất trong các khoản vay cũ, điều này tuy sai về nguyên tắc, nhưng doanh nghiệp muốn duy trì quan hệ lâu dài đành phải chấp nhận. Trong hoàn cảnh hiện thời, doanh nghiệp phải tính toán, rà soát lại tất cả các dự án đầu tư, chỉ ưu tiên những dự án thực sự hiệu quả. Một số dự án doanh nghiệp đang theo đuổi giữa chừng, đành phải “theo lao”, chứ quả thực rất lao đao vì vay vốn quá khó. Chúng tôi chia sẻ với khó khăn của ngân hàng, nhưng như thế thì gánh nặng lại đè lên vai doanh nghiệp.
 
Qua kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố lần này, chúng tôi chỉ mong thành phố gửi mong muốn của doanh nghiệp Đà Nẵng tới Chính phủ: hỗ trợ nguồn quỹ, giải ngân kịp thời cho doanh nghiệp, dù không nhiều, cũng là nguồn động viên để chúng tôi vượt qua khó khăn và tiếp tục sản xuất, duy trì đời sống cho người lao động. Riêng Đà Nẵng, là một thành phố trực thuộc Trung ương, cũng cần có kế hoạch thành lập một ngân hàng chính thức có hội sở tại thành phố, để chủ động hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp.

Chị TRƯƠNG THỊ HẠNH, nhân viên Đại lý Bưu điện (Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu):

Thành phố cần có giải pháp kiểm tra, kiểm soát kiềm chế việc giá cả tăng đột biến

Lương tháng của tôi chưa tới 1 triệu đồng, phải chật vật lắm tôi mới gói ghém đủ trả tiền phòng trọ, tiền ăn, tiền điện, tiền nước... Những khoản áo quần và các thứ giải trí, Internet, tôi gần như cắt giảm hẳn. Qua ti-vi, báo chí, tôi được biết, trong thời gian qua UBND thành phố Đà Nẵng đã có nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả, không cho giá tăng đột biến, nhưng thực sự, tôi thấy giá vẫn không chịu xuống, mà mỗi ngày một cao.
 
Mới mua kg gạo cách đây vài ngày, giờ mua lại đã thấy nhích lên 500-1.000 đồng. Ở dưới nội thành, người bán còn dè chừng vì các cơ quan quản lý thường xuyên theo dõi, kiểm tra, chứ ở quận vùng ven như Liên Chiểu thì họ ưa bán bao nhiêu là tùy họ. Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới, thành phố sẽ có các đợt kiểm tra quyết liệt hơn, và nếu phát hiện sai phạm phải truy ra nguyên nhân, nguồn gốc, buộc giá cả hàng hóa nếu có tăng cũng tăng trong chừng mức, chứ cứ leo thang dài dài thế này thì khổ quá!

Ông NGUYỄN VĂN TĨNH, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê:

Sớm triển khai dự án xây dựng bờ kè sông Phú Lộc

Sông Phú Lộc nằm trong số 7 điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. “Thủ phạm” gây nên ô nhiễm phải kể đến nguồn nước thải sinh hoạt của các hộ dân, nước thải từ bãi rác Khánh Sơn, các cơ sở sản xuất kinh doanh... thải trực tiếp ra sông khi chưa được xử lý. Hiện tại, dọc hai bên bờ sông Phú Lộc đang dần bị thu hẹp bởi người dân lấn chiếm, cửa xả bị bồi lấp, việc nạo vét khơi thông hạn chế...

UBND thành phố Đà Nẵng, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã chỉ đạo UBND quận Thanh Khê, Liên Chiểu và các ngành chức năng của 2 quận triển khai các giải pháp nhằm khắc phục các điểm nóng về ô nhiễm môi trường tại sông Phú Lộc.  Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường tại các sông, hồ nói chung và sông Phú Lộc nói riêng, thành phố cần sớm triển khai dự án xây dựng bờ kè sông Phú Lộc. Ngoài ra, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát nguồn nước trước khi thải ra sông, hồ...

Ông NGÔ THANH XUÂN, Chủ tịch UBND phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn:

Cần có chính sách hỗ trợ trượt giá trong đền bù giải tỏa phù hợp với thực tế

Là địa phương trọng điểm về công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư, phường Hòa Hải đang có 30 dự án với gần 2 nghìn hộ trong diện di dời giải tỏa và tái định cư. Đến nay, cả tiến độ giải phóng mặt bằng và tái định cư đều đạt kết quả thấp. Nguyên nhân là do phần lớn hộ giải tỏa chưa có đất tái định cư, số hộ khác lại nhận đất tái định cư trên sơ đồ. Một số chính sách về đền bù giải tỏa và tái định cư lại nhanh chóng thay đổi làm cho công tác vận động nhân dân bàn giao mặt bằng ở cơ sở thật sự lúng túng.

Trong thời điểm này, những biến động của vật giá đã làm cho người dân càng dao động. Hiện thành phố thực hiện hỗ trợ hộ bàn giao mặt bằng với mức từ 15-20%, ví dụ một hộ giải tỏa có mức đền bù 100 triệu đồng thì được hỗ trợ cao nhất là 20 triệu đồng. Mức hỗ trợ trượt giá này so với giá vật liệu xây dựng và nhân công hiện tại thì làm sao người dân có điều kiện làm lại nhà ở mới? Trong khi đó, được biết các đơn vị thi công xây dựng được Nhà nước xem xét trợ giá theo thực tế.

Một vấn đề khác, phường Hòa Hải có hộ giải tỏa là hộ sản xuất nông nghiệp nhưng áp dụng đền bù đất nông nghiệp với mức 28.000 đồng/m2, tương ứng 3kg gạo. Mới đây, UBND thành phố tăng mức đền bù lên 35.000 đồng/m2 nhưng với điều kiện đất phải có sổ đỏ thì nhân dân phường Hòa Hải bị thua thiệt, người dân không đồng tình, khiến cho công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều trắc trở.

P.KHÁNH, TRỌNG HÙNG, N.P (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.