Chính trị - Xã hội

"Chừ thì sướng quá rồi!"

14:25, 01/04/2008 (GMT+7)

Nhìn lại đời mình trong những ngày đầu sau giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975), nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Mọi thứ thay đổi quá nhanh, từ chế độ bao cấp của hơn 30 năm trước, và không khí mua bán tự do, cần gì có đó của 30 năm sau...

Bếp dầu, bếp điện, bếp gas...

10 giờ sáng chủ nhật. Bà Nguyễn Thị Hương (phường Nam Dương, Hải Châu) đi chợ về, mang theo đủ thứ phục vụ cho gia đình trong 3 ngày: cá, rau, thịt, trứng, mắm muối, chanh, ớt... Bật bếp lên, xào nấu chừng 1 tiếng đồng hồ là cơm canh đã sẵn sàng. Bà cho biết: “Nhà tôi dùng bếp điện từ. Đi đâu về, chỉ cần bấm nút, điều chỉnh nhiệt độ cho thích hợp là xong, muốn nấu nhanh hay chậm tùy thích”. Khoảng 1 năm trước, bếp gas còn là phương tiện nấu ăn hiện đại của các bà nội trợ, nay phải “lép vế” với sự xuất hiện của bếp điện từ.


Thời bao cấp, muốn mua được một cân thịt,  người ta phải xếp hàng từ 1, 2 giờ sáng
hoặc giữa trưa. Trong ảnh:  Mua bán thịt ở chợ Cồn.


Từ khi đổi sang dùng bếp từ, gia đình bà Hương (5 nhân khẩu) chỉ tốn khoảng 40 nghìn đồng tiền điện cho nấu ăn mỗi tháng, mà thời gian nấu lại rất nhanh, chỉ bằng 2/3 so với bếp gas. Bà so sánh: “Chừ thì sướng quá rồi! Muốn chọn bếp gas, bếp dầu, hay bếp từ đều được, miễn sao hợp túi tiền, hợp với gia đình là được. Chứ hồi mới giải phóng, củi còn không có nấu, đừng nói chi đến bếp này bếp nọ”. Theo lời ông Lê Văn Hoa, một công chức ở quận Hải Châu: “Những năm 80, mỗi lần đi công tác ở các huyện miền núi Quảng Nam như Trà My, Phước Sơn, tôi đều tranh thủ mua củi. Lần nào thấy tôi mang về vài bó củi, vợ tôi mừng ghê lắm!”.

Một người khác, anh Nguyên Vũ (28 tuổi) ở Hải Châu kể: “Nói đâu cho xa, cách đây 15 năm, lúc tôi còn nhỏ, củi lửa cũng rất khó khăn, phải nấu bằng lò trấu, mạt cưa, hoặc củi. Mà mấy thứ đó, cong lưng thổi đổ mồ hôi hột mới cháy. Mấy anh em đi lượm củi về nấu, lắm khi đốt nhầm chiếc dép thì nồi cơm hôi nồng mùi cao su. Chưa kể trời mưa, không kịp che chắn, củi, mạt cưa đều ướt thì chỉ có ngồi than trời”.

Từ tem phiếu đến mua bán tự do

Nhìn lại và so sánh thời điểm hiện tại với giai đoạn cách đây 30 năm, nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng, bởi sự thay đổi kỳ diệu về chất lượng sống, cung cách mua bán hàng hóa, từ củi lửa,  cho tới tất tần tật những thứ cần cho cuộc sống. Bây giờ, hàng hóa tràn ngập thị trường, với đủ loại mẫu mã, chủng loại, kích cỡ, giá nào cũng có.

Người mua có quyền lựa chọn, so sánh và quyết định hàng hóa cần mua ở các chợ, đại lý, siêu thị. Thậm chí, chỉ cần “Alô!” một tiếng, 10 phút sau, hàng đã được mang đến tận nhà. Ông Hoa nhớ lại: “Chẳng bù với trước đây, mua gì chúng tôi cũng phải xếp hàng. Cán bộ như chúng tôi đôi khi còn đói hơn cả nông dân. Nông dân còn có lúa gạo mà ăn, trong khi cán bộ mỗi tháng chỉ được phân phối đúng 13 kg gạo, 1 kg thịt, ai đi xe đạp lâu lâu được 1 chiếc lốp xe. Chẳng may mất sổ gạo thì buồn ơi là buồn vì không biết lấy gì mà sống. Chưa kể cái gì cũng mua theo tem phiếu. Để mua cho được một cân thịt, phải dậy từ 1, 2 giờ khuya, hoặc đứng giữa trưa nắng để xếp hàng”.

Bà Trương Thị Hạnh (Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu) lắc đầu khi nhớ tới việc “ăn bo bo, độn cơm với sắn, khoai”. Bà nói: “Thời đó, người nông dân như cha ông chúng tôi chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, may nhờ rủi chịu.

Những năm gần đây, ngoài việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới, nông dân còn được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ giống lúa, phân bón, v.v... Đời sống nông dân vì vậy mà cũng bớt khổ, lại có lúa ăn quanh năm”. Khoảng 15 năm trở về trước, nhiều gia đình ở vùng ven đô còn phải để dành mắm dưa, mắm cà, hay làm cá thính (cá trộn bột bắp, muối và các gia vị khác) để dành ăn. Nay, theo bà Hạnh, “mọi thứ đều có sẵn ngoài chợ, muốn ăn gì thì mua nấu ăn ngay trong ngày, cá tươi, thịt tươi, tiền nhiều ăn nhiều, tiền ít ăn ít, không tội gì phải muối mắm”.

Bài và ảnh: T.NHAN

 

.