Những chú chuột vui nhộn trong nghệ thuật tạo hình

.

Hình tượng của chuột trong văn học-nghệ thuật, nhất là ở nghệ thuật tạo hình, được nhìn nhận dễ mến, vui vẻ, tinh nghịch, thông minh…

 

Mickey - chú chuột độc đáo của phim hoạt hình

Nhắc đến hình tượng chú chuột trong tác phẩm nghệ thuật trên thế giới, khó có chú chuột nào nổi tiếng hơn chuột Mickey - nhân vật hoạt hình độc đáo của họa sĩ Walt Disney. Năm 2018, nhân kỷ niệm 90 năm ngày ra đời Mickey, liên tiếp nhiều hoạt động diễn ra khắp nơi. Đặc biệt, tại New York (Mỹ), đến mùa xuân năm nay (hết ngày 10-2-2020), bữa tiệc sinh nhật của Mickey do hãng Walt Disney tổ chức vẫn đầy sức hút với các triển lãm tràn ngập hình ảnh chú chuột dễ thương, lém lỉnh qua các hình thức: trưng bày nghệ thuật sắp đặt, hình ảnh, các loại đồ chơi, trang phục... và tài liệu liên quan đến chuột Mickey.

Hơn 40 năm trước, trong tập sách 40 gương thành công của học giả Nguyễn Hiến Lê đề cập về những năm tháng thăng trầm, lận đận, gian khó của họa sĩ Walt Disney trước khi ông cho ra đời chú chuột Mickey. Theo Nguyễn Hiến Lê, thời niên thiếu, Walt Disney ở tiểu bang Kansas (Mỹ) nghèo rớt mồng tơi.

Có lần ông đến báo The Kansas City Star xin việc nhưng không được tiếp nhận. Sau đó, Walt Disney xin được việc vẽ hình cho các nhà thờ nhưng tiền công ít quá không mướn được phòng vẽ, ông phải vẽ trong nhà chứa xe của cha đạo... Một hôm, một chú chuột dạo chơi trên sàn. Ông ngừng vẽ nhìn nó rồi lấy mấy miếng bánh mì vụn cho ăn. Dần dần quen thuộc, chú chuột còn leo lên bàn vẽ của ông. Sau đó ít lâu, ông ôm một chồng hoạt họa vẽ con thỏ Owald trên giấy dày đến Hollywood nài bán nhưng chẳng có ai mua. Thế rồi, nhớ đến con chuột thường leo lên bàn vẽ của mình ở Kansas, ông vẽ ngay hình ảnh chú chuột. Từ đó, chuột Mickey ra đời, về sau nổi danh khắp thế giới...

Trên hành trình bước lên đỉnh cao danh vọng trong thế giới hoạt hình, chuột Mickey đã góp phần đem về cho cha đẻ mình Walt Disney 39 giải Oscar cùng 59 đề cử. Ngày 15-12-1966, họa sĩ Walt Disney qua đời vì bệnh ung thư phổi. Ngày ông mất, nhiều tờ báo đồng loạt đăng tải bức họa đầy cảm động trong một cuốn phim lừng danh của ông: chuột Mickey sụt sùi khóc trước cây thông năm mới với lời dẫn: “Xin vĩnh biệt, ngài Disney!...”.

Đám cưới chuột

Trong nghệ thuật dân gian Việt Nam, chuột là hình ảnh rất quen thuộc, gần gũi qua những bức tranh Đông Hồ, nổi tiếng nhất là tranh Đám cưới chuột, đôi khi còn gọi là Trạng chuột vinh quy.

Tranh mô tả một đám rước có đủ cờ, quạt, kèn trống, lễ vật. Giữa đoàn chuột là hai nhân vật chính, chàng chuột đội mũ cưỡi ngựa đi trước, nàng chuột ngồi kiệu theo sau. Ngay giữa đường, một lão mèo già hung dữ cản lối, giơ vuốt dọa nạt. Đại diện họ nhà chuột phải nộp phẩm vật mà họ nhà mèo ưa thích như: chim câu, cá chép…

Phần lớn mọi người biết đến bức tranh qua ý nghĩa đám cưới chuột nhiều hơn. Nhưng dù có nội dung đám cưới chuột hay trạng chuột vinh quy thì đều có không khí vui nhộn, phù hợp với tâm thế mọi nhà dịp đầu năm. Một trong những nguyên nhân mang lại sự gần gũi này có thể dẫn chứng bài thơ ngụ ngôn Đám cưới chuột trong kho tàng văn hóa truyền thống Liễu Đôi (Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam):
 

Một trời nước biếc non xanh,
Đàn chuột lục lượt vòng quanh bờ dài.
Đi đầu là họ nhà trai.
Chú rể áo dài quần áo thướt tha.
Chuột trẻ cho chí chuột già,
Những là áo quần là tốt tươi.
Chuột vàng dâng quả, đội cơi,
Miếng trầu thơm miệng đỏ môi họ hàng…
Bên cạnh ý nghĩa châm biếm, bức tranh còn một màu sắc triết học, giản dị của sự cộng sinh và điều này tạo nên những giá trị tư tưởng mang đậm văn hóa Việt.
Bức tranh Đám cưới chuột còn được ban nhạc Gạt tàn đầy chuyển thành bài hát.
Ai mang cá đến cho con mèo hoang tàn ác
Ai mang cá đến cho con mèo hoang say mèm
Lang thang dưới gốc cây có một anh chuột nhắt
Lang thang chốn bãi hoang có một cô chuột đồng

Rước dâu tưng bừng
Một mình ta cô đơn chốn góc hang
Bao nhiêu trống với chiêng tưng bừng vui rộn rã
Bao nhiêu phướng với hoa quay cuồng đến ngợp trời
Ung dung ngắm rước hoa có một con mèo béo
Ngân nga mấy khúc ca có một con chuột gầy.

TRẦN TRUNG SÁNG
 

;
;
.
.
.
.
.