.
Hoa của đất

Nối dài bàn tay cứu bệnh nhân

.

Một gia đình người Việt đặc biệt có cha và các con đều là giáo sư y khoa. Họ sinh sống và làm việc tại Mỹ, nhưng tất cả những gì họ đã và đang làm đều hướng đến mục đích giúp phát triển lĩnh vực y tế của quê hương Đà Nẵng, bởi “Đà Nẵng mãi mãi là nhà của chúng tôi”.

Cố giáo sư Đinh Văn Tùng (ngồi) và bác sĩ Hồ Đắc Hạnh (thứ hai từ trái sang) trong buổi tôn vinh ông do Trường Đại học Y khoa Texas (UTMB) tổ chức năm 2003.
Cố giáo sư Đinh Văn Tùng (ngồi) và bác sĩ Hồ Đắc Hạnh (thứ hai từ trái sang) trong buổi tôn vinh ông do Trường Đại học Y khoa Texas (UTMB) tổ chức năm 2003.

Đó là “gia đình giáo sư họ Đinh” gồm cố giáo sư Đinh Văn Tùng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, giáo sư của Trường ĐH Y khoa Texas (Mỹ), cùng 4 người con là giáo sư Đinh Anh Tuấn, giáo sư Đinh Anh Tuệ, giáo sư Đinh Anh Trí và tiến sĩ y khoa Đinh Anh Thơ.

Ngoài các thành viên đều là bác sĩ, gia đình giáo sư còn thành lập “Dinh Family Group”- một tổ chức quy tụ nhiều bác sĩ giỏi đầu ngành trên các lĩnh vực khác nhau, hằng năm về Đà Nẵng giảng dạy, phẫu thuật mẫu và truyền đạt các tiến bộ trong công tác điều trị. Đó là cách họ có thể “nối dài bàn tay cứu bệnh nhân” theo nguyện ước của gia đình.

Anh em nhà bác sĩ

Hình ảnh ba anh em Tuấn, Tuệ, Trí sát cánh bên nhau đi - về Đà Nẵng tổ chức hội nghị y khoa quốc tế, hay phẫu thuật cầm tay chỉ việc tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản- Nhi đã trở nên quen thuộc trong nhiều năm qua. Dù làm việc tại các tổ chức khác nhau, nhưng năm nào giáo sư - bác sĩ Đinh Anh Tuấn (Đại học Y và nha khoa New Jersey), giáo sư - bác sĩ Đinh Anh Tuệ (Bệnh viện Methodist, Houston, Texas) và giáo sư - bác sĩ Đinh Anh Trí (Mayo Clinic) cũng sắp xếp thời gian về quê thực hiện các chương trình thiện nguyện.

Tháng 6 vừa qua, có một hoạt động đầy ý nghĩa diễn ra trên địa bàn Đà Nẵng là “Hành trình Thiện Nhân” khám và phẫu thuật bộ phận sinh dục cho hàng chục trẻ em khu vực miền Trung. Mọi sự chú ý ban đầu đều dồn vào giáo sư người Ý Roberto De Castro, người phẫu thuật cho bé Thiện Nhân không may bị động vật cắn mất bộ phận sinh dục. Không nhiều người biết rằng, chính giáo sư Đinh Anh Tuệ, chuyên gia tạo hình bộ phận sinh dục người lớn đã “mang” Roberto đến với Thiện Nhân, đồng thời là người phối hợp với Roberto phẫu thuật cho cậu bé. Cũng chính anh cùng các thành viên trong tổ chức từ thiện của mình đã đồng hành với chương trình để không chỉ mang lại sức khỏe, niềm vui cho trẻ em, mà còn giúp các bác sĩ Việt Nam được học hỏi qua công việc thực tế.

Trong những ngày làm việc đó, dĩ nhiên bên cạnh giáo sư Tuệ không thể thiếu hai người anh em của mình. Nếu giáo sư Tuệ tham gia trong phẫu thuật niệu sinh dục trẻ em, thì các giáo sư Tuấn và Trí đóng góp những vấn đề mới trong sản phụ khoa và chẩn đoán trước sinh.

Bác sĩ Trần Thị Hoa Ban, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, bày tỏ: “Các anh trở về không chỉ vì công việc mà quan trọng hơn là vì nặng tình với quê hương”. Bác sĩ Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi cho biết, từ năm 1999 đến nay, mỗi năm gia đình các GS đều về quê hương ít nhất một lần để chia sẻ kiến thức, giúp nhiều đồng nghiệp phát triển chuyên môn, thêm nhiều bệnh nhân được cứu chữa bằng phương pháp tiên tiến.

Y đức truyền từ cha

Xa quê hương đến nay gần 40 năm, nhưng những chuyến đi - về với nơi chôn nhau cắt rốn của anh em giáo sư nhà họ Đinh gần như đều đặn và được thực hiện với mục tiêu rõ ràng. Điều này ban đầu xuất phát từ “mệnh lệnh” của người cha, cố giáo sư Đinh Văn Tùng.

Về cố giáo sư Đinh Văn Tùng, sự học cùng tấm lòng y đức của ông đã thắp sáng trái tim và trí tuệ cho các con mình. Nhiều người nhắc về ông đã gói gọn: “Ông có một quá trình học tập lừng lẫy”. Ông sinh năm 1930 tại Hội An. Năm 1949, ông học Đại học Y Hà Nội và từ đó luôn đậu thủ khoa các kỳ thi ngoại trú, nội trú. Ra trường, ông là Trưởng khu giải phẫu Tổng Y viện Duy Tân, rồi sau đó giữ chức Giám đốc Trung tâm Y tế toàn khoa Đà Nẵng (nay là Bệnh viện Đà Nẵng) và giáo sư khoa Sản phụ Đại học Y Huế. Thời gian sinh sống tại Mỹ, gầy dựng sự nghiệp học tập ở tuổi ngoài 45, ông vẫn làm được điều tuyệt vời là trong thời gian rất ngắn chưa đầy 10 năm có thể lần lượt lấy bằng nội trú Mỹ chuyên ngành sản phụ khoa, thêm bằng giải phẫu bệnh, một lĩnh vực cực kỳ khó và ít người có thể lấy cả hai bằng chuyên ngành đồng thời như ông. Cũng trong khoảng thời gian đó, ông tiếp tục trở thành giảng viên, phó giáo sư rồi giáo sư thực thụ của Trường Đại học Y khoa Galveston, UTMB - Texas (University Medical Branch of Galveston); đồng thời là hội viên của các hội chuyên nghiệp y khoa Mỹ và thế giới. Nhiều sách và tài liệu nghiên cứu của ông được chọn làm giáo trình giảng dạy tại Mỹ và tham khảo tại Việt Nam.

Sinh thời, bằng tầm ảnh hưởng của mình, giáo sư đã đưa nhiều đoàn về Đà Nẵng giảng dạy. Ông cũng là người đã dành nhiều suất học bổng cho các bác sĩ tại Đà Nẵng sang Mỹ tu nghiệp với mong muốn dần dần nâng cao chất lượng ngành sản phụ khoa của thành phố ngang tầm thế giới.

Bác sĩ Hồ Đắc Hạnh - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Đà Nẵng, một trong số những người từng được nhận học bổng từ cố giáo sư Đinh Văn Tùng chia sẻ: “Thông qua sự giới thiệu của giáo sư Tùng, đã có trên dưới 10 bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng nhận được học bổng để đi tu nghiệp. Lúc tôi qua Mỹ là năm 2003, giai đoạn bác tái phát bệnh ung thư phổi. Dù sức khỏe đã suy giảm, bác gầy đi nhiều nhưng đôi mắt vẫn tinh anh, nụ cười vẫn ngời sáng trên gương mặt. Bác bảo anh em chúng tôi mỗi tuần ghé nhà một, hai lần để bác giảng lại những gì chưa hiểu, và cũng vì muốn chúng tôi có dịp ăn các món Việt Nam khi chưa quen với đồ Mỹ”.

Trong ký ức về giáo sư Tùng, bác sĩ Hạnh luôn xúc động khi nhớ khoảng thời gian cuối đời của ông: “Lúc bác biết mình không còn sống bao lâu nữa, bác đã di chúc lại cho các con rằng toàn bộ tài sản của gia đình sẽ được làm quỹ phát triển y tế cho quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, không chỉ ở sản phụ khoa mà mở rộng ra tất cả các lĩnh vực khác”.

Từ nguồn quỹ này, hơn chục năm qua, hoạt động của tổ chức UTMB nói chung, anh em gia đình họ Đinh nói riêng được thực hiện có quy củ và mang lại nhiều đóng góp cho các bệnh viện trên địa bàn Đà Nẵng.

Không dừng ở việc dành toàn bộ tài sản của cả đời mình làm từ thiện, cố giáo sư Đinh Văn Tùng còn gửi lời nhắn, ngày ra đi của ông đừng ai mang hoa đến mà hãy dùng số tiền đó góp vào quỹ. Bác sĩ Hạnh nhớ lại: “Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi đến dự lễ tang mà không thấy hoa. Chỉ có giáo sư ở đó giữa sự luyến thương, biết ơn của mọi người”.

Ngày bác sĩ Hạnh về nước, giáo sư đã ra đi nhưng anh vẫn được nhận quà từ ông. Đó là một cuốn sách y khoa mới tinh và rất đắt giá. Trước khi đi xa, giáo sư có dặn các con rằng, khi mỗi tu nghiệp sinh của Đà Nẵng hoàn thành chương trình học và trở về, hãy tặng họ một cuốn sách thật giá trị. Không chỉ riêng bác sĩ Hạnh, ai cũng có một món quà như thế.

Còn một món quà chung, lớn nhất ông để lại cho cuộc đời đó chính là những người con, những giáo sư y khoa có tâm và có tầm.

THU HOA

;
.
.
.
.
.