Tổ quốc nơi đầu sóng:

Đảo Đá Tây A - chiếc thuyền lớn giữa biển khơi

.

ĐNO - Nếu Trường Sa là “thủ đô” của các đảo và của cả quần đảo Trường Sa thì đảo Đá Tây lại được coi là trung tâm, là thành phố của các đảo và được ví như chiếc thuyền lớn giữa biển khơi.

Đảo Đá Tây gồm 4 đảo nhỏ riêng biệt được ngăn cách bằng các luồng nước. Đảo Đá Tây nằm ở vĩ độ 80 52’ bắc, 1120 15’30” độ kinh đông.

Đảo Đá Tây A trong cụm đảo Đá Tây có âu thuyền rộng, bảo đảm các dịch vụ hậu cần nghề cá giúp ngư dân bám biển. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Đảo Đá Tây A trong cụm đảo Đá Tây có âu thuyền rộng, bảo đảm các dịch vụ hậu cần nghề cá giúp ngư dân bám biển. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Cụm đảo Đá Tây là bãi san hô có hình quả trám, nằm theo hướng đông bắc - tây nam, ở giữa có hồ hình vành khuyên. Chiều dài của bãi Đá Tây khoảng 9,1km, chiều rộng khoảng 5,6km.

Diện tích bãi Đá Tây khoảng 41km2, độ cao trung bình các cụm bãi từ 0,2-0,3m, thềm san hô của bãi Đá Tây có thể phân thành 4 bãi riêng biệt, giới hạn ngăn cách giữa các bãi là luồng và hồ, riêng bãi san hô phía đông có một bãi cát nổi lên, chỗ cao nhất khoảng 0,7m.

Nhà ở của nhân dân trên đảo Đá Tây A. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Nhà ở của người dân trên đảo Đá Tây A. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Bãi Đá Tây hình thành các đảo với các tên gọi đảo Đá Tây A, Đá Tây B, Đá Tây C… Trong đó đảo Đá Tây A có diện tích lớn và được đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang. Đá Tây A tựa như một con thuyền lớn vững chãi trên Biển Đông.

Trong tất cả các đảo chìm mà chúng tôi ghé thăm, Đá Tây A tạo ấn tượng mạnh khi phía trước đảo là một âu thuyền mênh mông, nước trong xanh như ngọc. Đây là tàu thuyền ngư dân trú tránh bão, tiếp nhận lương thực, thực phẩm, nước ngọt…

Đảo Đá Tây A nhìn từ xa như một chiếc bè, chiếc thuyền lớn giữa biển khơi, nhưng khi đến gần ai ai cũng nhận ra ngay sự sống sôi động, sung túc từ những vườn cây, cho đến ánh mắt người và nụ cười của trẻ thơ.

Trên lối đi quanh đảo là hàng phi lao có bóng che trùm mát rượi. Xen lẫn với phi lao là các loài cây phong ba, bàng vuông… Có rất nhiều vườn rau được trồng trên đảo.

Chiến sĩ công tác ở đảo Đá Tây A đón nhận thư gửi từ đất liền. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Chiến sĩ công tác ở đảo Đá Tây A đón nhận thư gửi từ đất liền. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Giữa sóng gió biển khơi, những người lính Trường Sa dù gian khó vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Gặp những người trẻ từ đất liền, họ như bắt được “sóng”, hòa nhịp “cháy” hết mình ca hát. 

Diễn viên Huỳnh Thông, Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng chia sẻ, đội văn nghệ tham gia đoàn công tác với trọng trách đem hơi ấm của đất liền đến với tất cả các chiến sĩ trên đảo, để các anh cảm thấy yên tâm, vững tin hơn về tình cảm của đất liền đối với các chiến sĩ để yên tâm chắc tay súng bảo vệ vững chắc biển đảo của Tổ quốc.

Diễn viên Ksor Sơn mong muốn hát thật nhiều, trải lòng mình để khơi dậy tình yêu quê hương, tình yêu biển đảo trong các anh và trong lòng mọi người. Và mong muốn tiếp tục hát cùng lính đảo Trường Sa trong những lần tới nếu có thể.

Một tiết mục giao lưu văn nghệ của diễn viên Nhà hát Trưng Vương với quân và dân trên đảo Đá Tây A. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Tiết mục giao lưu văn nghệ của diễn viên Nhà hát Trưng Vương với quân và dân trên đảo Đá Tây A. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Sân khấu ở Trường Sa thật đặc biệt. Đó có thể chỉ ở một góc sân, dưới tán cây bàng vuông, cây mù u rợp bóng mát tại những đảo nổi, hoặc chỉ là một ban công nhỏ, hướng nhìn ra biển ở các đảo chìm. Nhưng khi tiếng nhạc, tiếng hát cất lên, tất cả đều chung một nhịp...

Những lời hát âm vang trong không gian như những tiếng vang vọng ngoài biển khơi, nối đất liền với đảo.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.
.