Multimedia

Mang Tết ấm đến mọi nhà

15:51, 14/01/2023 (GMT+7)

 

 

 

Những ngày cuối năm, tiết trời se lạnh và mưa phùn không cản được bước chân của những người đi nhận quà Tết. Hơn 7 giờ sáng, ông Lê Ngọc Anh (tổ 10, phường Thạc Gián) lọc cọc trên chiếc xe máy cà tàng đến UBND phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) nhận quà Tết. Vợ mất từ khi con gái đầu lòng tròn 2 tuổi. Hơn 7 năm qua, ông Anh sống cảnh côi cút “gà trống nuôi con”.

Không có việc làm ổn định, mọi chi phí sinh hoạt của hai cha con đều trông chờ vào tiền công ai thuê gì làm nấy. “Năm nay mọi thứ khó khăn, giáp Tết lại càng khó khăn hơn khi có đủ thứ phải lo mà thu nhập thì bấp bênh”, ông Anh trải lòng.

Không khá hơn là mấy, bà Võ Thị Diệu Lý (SN 1972, tổ 18, phường Thạc Gián là hộ nghèo, đơn thân. “Đã nghèo lại gặp cái eo” khi mới đây, trong lúc làm giúp việc về, bà Lý không may gặp tai nạn gãy xương chân phải bó bột. Suốt hơn một tháng nay, bà Lý bó gối, không làm gì ra tiền trong khi Tết cận kề. Cầm chặt món quà Tết là 700.000 đồng tiền mặt vừa nhận được, đôi mắt bà Lý ngấn lệ, nói: “Quý lắm con ơi! Cả tháng nay bà không làm ra đồng nào. Nhờ được địa phương quan tâm mà năm nay bà không mất Tết”.

 

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thạc Gián Nguyễn Hữu Hoàng, với mục tiêu không để ai thiếu Tết, ngay từ những tháng cuối năm 2022, cả hệ thống chính trị phường đã lên kế hoạch vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp quỹ “Vì người nghèo” để chăm lo Tết cho nhân dân. Không chỉ chăm lo Tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, Mặt trận phường còn dành tặng hàng chục suất quà Tết cho hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo trong năm 2022 để lòng dân thêm phấn khởi trước thềm năm mới.

 

“Năm nay, toàn phường dự kiến trao từ 800 - 900 suất quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất từ 300.000 - 700.000 đồng tùy đối tượng. Ngoài suất quà của phường, những hộ đặc biệt khó khăn, chúng tôi ưu tiên cho nhận thêm suất quà của quận, thành phố, bảo đảm để mọi người, mọi nhà đều có Tết đủ đầy”, ông Hoàng nói.

Quận Liên Chiểu là một trong những địa phương có số lượng hộ nghèo, hộ khó khăn và người lao động ngoại tỉnh đông nhất thành phố. Đây cũng là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 4 và số 5 trong năm 2022.

Đến nay, Mặt trận quận Liên Chiểu đã vận động được 2.000 suất quà, tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng để chăm lo Tết cho nhân dân. Các phường và khu dân cư cũng vận động trao hàng trăm suất quà, góp phần san sẻ yêu thương với những hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết.

Tương tự, tại quận Hải Châu, công tác chăm lo Tết được UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận phối hợp thực hiện chu đáo. Đối tượng được nhận quà Tết năm nay không chỉ gói gọn ở hộ nghèo, hộ cận nghèo mà còn có hàng trăm hộ khó khăn, trẻ mồ côi, hộ bị ảnh hưởng Covid-19 và thiên tai. Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hải Châu Trương Thanh Dũng cho biết, tại chương trình “Tết sum vầy - Xuân yêu thương” năm 2023, UBND quận trao 1.301 suất quà, Mặt trận quận trao 2.087 suất quà, tổng kinh phí 2,3 tỷ đồng cho các đối tượng, góp phần mang Tết ấm đến với mọi nhà.

 

Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho biết ngoài mức quà tặng theo Nghị quyết số 275/2019/NQ-HĐND ngày 12-12-2019, năm 2023, thành phố Đà Nẵng hỗ trợ thêm mức quà tặng 500.000 đồng cho đối tượng người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội... với tổng kinh phí hơn 52 tỷ đồng; nâng tổng mức kinh phí hỗ trợ dịp Tết Nguyên đán năm 2023 lên khoảng 115 tỷ đồng. Dự kiến, có 41.000 người có công và gia đình người có công được hỗ trợ mức tăng thêm, với kinh phí 20,5 tỷ đồng; các đối tượng đặc thù, với tổng kinh phí hơn 168 triệu đồng; 52.225 người và hộ thuộc đối tượng xã hội được hỗ trợ, với kinh phí hơn 26 tỷ đồng. Đây là chính sách nhân văn, cũng là nỗ lực rất lớn của thành phố trong chăm lo cho đối tượng người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

 

“Với người nghèo, việc thành phố hỗ trợ thêm 500.000 đồng/hộ để ăn Tết ngoài phần quà theo quy định như mọi năm không chỉ mang đến sự ấm lòng, niềm phấn khởi, vui mừng mà còn thể hiện nghĩa tình của thành phố đối với nhân dân sau một năm đồng hành đầy khó khăn”, bà Hoàng Thị Nga (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) bộc bạch.

 

Không chỉ chăm lo Tết ở miền xuôi, càng về những ngày cuối năm, chuyến xe chở Tết ngược lên non của các tổ chức, đơn vị càng thêm hối hả. Sau 2 năm tạm dừng vì Covid-19, cuối tháng 12-2022 vừa qua, đoàn xe của Hội Kiến trúc sư trẻ thành phố lại tiếp nối hành trình ý nghĩa mang Tết đến với trẻ em đồng bào Cơ Tu tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang). Năm nay, từ vận động và đóng góp của hội viên, Hội Kiến trúc sư trẻ thành phố tặng 10 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng), 20 góc học tập cho các em học sinh vượt khó. Nhận được học bổng, em Trần Đinh Triệu Võ (lớp 3, Trường Tiểu học Hòa Bắc) vội chạy đến khoe với mẹ. Ôm đứa con trai vào lòng khẽ xoa đầu, đôi mắt chị Hồ Thị Minh Tâm (mẹ Võ) rơm rớm giọt nước mắt hạnh phúc. Hôn nhân tan vỡ, hơn 3 năm qua, một mình chị nuôi bốn con đang tuổi ăn học. Có lẽ với nhiều người số tiền 1 triệu đồng có thể không lớn nhưng với mấy mẹ con chị là cả một niềm vui. Chị kể, sẽ dùng số tiền này để sắm cho con bộ quần áo mới và đôi giày, vừa mặc Tết, vừa đi học. Nếu còn thì mua thêm chút bánh mứt cho tụi nhỏ ăn Tết. “Nhờ số tiền này mà bỗng dưng tôi thấy Tết thêm gần hơn, ấm hơn với mấy mẹ con”, chị Tâm thỏ thẻ tâm sự.
Không chỉ trao học bổng, Tết này, Hội Kiến trúc sư trẻ thành phố còn mang lên non gần 240 suất quà Tết với đầy đủ nhu yếu phẩm, bánh kẹo, áo ấm… giúp gia đình các em học sinh Cơ tu đón một mùa Tết đủ đầy, trọn vẹn.

 

Còn với những hộ nghèo tại xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang), Tết này càng thêm ấm nhờ những phần quà trĩu tay từ các đơn vị, doanh nghiệp mang đến. Có mặt trong chương trình “Ấm tình mùa xuân lần thứ 20” do Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - chi nhánh Sông Hàn phối hợp với xã Hòa Phú mới đây, nhìn những phần quà Tết được gói ghém chỉn chu, lãnh đạo doanh nghiệp hai tay trao từng túi quà đến người nghèo mới thấm được hết cái nghĩa, cái tình mà doanh nghiệp mang đến cho bà con miền núi. Trong những phần quà ấy, ngoài bánh mứt, hạt dưa - những thứ không thể thiếu trong ngày Tết còn có phong bao lì xì đỏ chứa tiền mặt để mọi người mua thêm thực phẩm cho bữa cơm Tết thêm trọn vẹn.

 

Cùng chung mục đích mang Tết lên non, mới đây, chuyến xe của Đảng ủy Khối Các cơ quan thành phố cũng chở theo 100 suất quà Tết đến với huyện Hòa Vang để trao tặng 100 gia đình thuộc diện khó khăn của 5 xã: Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Bắc, Hòa Liên. Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Đức Hoài chia sẻ: “Mỗi suất quà 1 triệu đồng có thể không lớn nhưng là tấm lòng, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thành phố gửi đến những gia đình khó khăn, góp phần san sẻ yêu thương để những gia đình nghèo có thêm điều kiện vui xuân, đón Tết”.

Theo Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng, mọi sự sẻ chia, dù ít dù nhiều đều đáng quý. Cái quý ở đây không nằm giá trị vật chất mà chính là sự động viên về tinh thần, nhất là trong thời điểm cận kề năm mới.

Những ngày giáp Tết, trong khi vật giá leo thang theo thì tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố, những “Chợ Tết 0 đồng” được mở ra, chào đón người nghèo đến mua sắm, mang Tết về nhà. Đó là “Siêu thị mini Tết 0 đồng” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố phối hợp Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức cho phụ nữ khó khăn, công nhân, người lao động bị ảnh hưởng Covid-19; là “Siêu thị lưu động” do Hội Chữ thập đỏ thành phố hỗ trợ người dân bị thiệt hại do mưa lũ; là những “Phiên chợ 0 đồng” các địa phương tổ chức cho hộ nghèo, hộ khó khăn,…

Tranh thủ trời tạnh mưa, bà Lê Thị Tấn (SN 1963, quận Thanh Khê) đạp xe đến “Siêu thị mini Tết 0 đồng” của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố. Dù không có nhiều tiền mặt nhưng bà Tấn vẫn tự tin bước vào siêu thị nhờ tấm phiếu mua hàng trị giá 300.000 đồng được cấp trước đó. Sau khi đi hết các quầy hàng, chiếc giỏ trong tay bà Tấn dần nặng trĩu với đủ loại nhu yếu phẩm, từ mắm muối, dầu ăn, gia vị cho đến bánh mứt Tết. Đặt túi đồ lên xe ra về, từng vòng quay có phần thêm nặng nhưng có lẽ lòng bà đang nhẹ bẫng vì Tết này bớt những lo toan.

Với những người lao động ngoại tỉnh như chị Trương Thị Bích Đào (SN 1972, quê Thừa Thiên Huế), nghề mua ve chai vốn không dư giả nay lại càng thêm nhọc nhằn bởi muôn vàn nỗi lo giáp Tết. Chị Đào kể, năm nay mưa gió thất thường, thu nhập vừa đủ chi tiêu nên chị vẫn chưa sắm sửa được gì cho Tết.

Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Nguyễn Thị Huyền cho biết, với 600 phiếu mua hàng đã trao đi, hội mong muốn san sẻ phần nào khó khăn, tạo điều kiện cho người lao động thu nhập thấp được mua sắm nhu yếu phẩm miễn phí để đón một cái Tết trọn vẹn.

Tương tự, liên tục từ ngày 4 đến 14-1, “Siêu thị lưu động” do Hội Chữ thập đỏ thành phố tổ chức đi qua lần lượt 7 quận, huyện toàn thành phố phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Lê Thị Như Hồng thông tin: “Siêu thị lưu động được thực hiện bởi nguồn viện trợ của Quỹ Coca-Cola nhằm hỗ trợ người dân bị thiệt hại do mưa lũ năm 2022. Theo đó, có 4.900 phiếu mua hàng (gồm 3.400 phiếu mua lương thực thực phẩm và 1.500 phiếu mua dụng cụ gia đình), mỗi phiếu trị giá 1 triệu đồng được cấp phát cho người dân tại 28 phường, xã của 7 quận, huyện để mua sắm nhu yếu phẩm, vật dụng thiết yếu cho ngày Tết.


Vợ chồng chị Cáp Thị Kim Chi (công nhân Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam, Khu công nghiệp Hòa Cầm) quê tỉnh Quảng Trị, vào Đà Nẵng thuê trọ, làm công nhân hơn 5 năm nay. Mấy tháng cận Tết, chồng chị thất nghiệp, mọi chi phí trong gia đình đều trông chờ vào đồng lương công nhân của chị. Kinh tế hạn hẹp, hai vợ chồng bàn tính năm nay không về quê để tiết kiệm chi phí. Kế hoạch là vậy nhưng nhìn hai con cứ đếm từng ngày về ăn Tết với ông bà, vợ chồng chị lại không đành lòng đón Tết xa quê. “Phải chăng Công đoàn công ty biết được tâm nguyện của tôi mà mấy hôm trước cán bộ Công đoàn xuống từng chuyền phát phiếu nhận quà Tết và thông báo đăng ký về Tết trên chuyến xe Công đoàn. Như gặp được vận may, tôi liền đăng ký vé xe cho cả gia đình về quê”, chị Chi kể.

Còn với chị Đoàn Thị Phương (Công ty CP Dệt may 29-3), niềm vui Tết của chị như được nhân đôi khi năm nay ngoài quà Tết của Công đoàn công ty, chị Phương còn được nhận thêm một suất của Công đoàn thành phố vì hoàn cảnh có phần đặc biệt khó khăn. “Chồng tôi làm công nhân thủy sản nhưng mấy tháng gần đây bị cắt giảm giờ làm, thu nhập giảm sút. Nhờ có quà của Công đoàn mà tôi vơi bớt nỗi lo sắm Tết”, chị Phương tâm sự.

 

Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Nguyễn Duy Minh cho biết, do ảnh hưởng tình hình chính trị, kinh tế trên thế giới, hiện có khoảng 20 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, thiếu nguyên vật liệu sản xuất. Trước tình hình đó, chủ doanh nghiệp đã thỏa thuận với người lao động cắt giảm giờ làm, ngưng việc, nghỉ việc tạm thời khiến gần 4.800 lao động bị mất việc, giảm giờ làm và giảm thu nhập. Đây là điều không ai mong muốn, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán cận kề. Để san sẻ phần nào nỗi lo của người lao động, từ tháng 11-2022, LĐLĐ thành phố đã có kế hoạch chăm lo Tết Quý Mão 2023 cho đoàn viên, người lao động (NLĐ), nhất là NLĐ gặp khó khăn. Với phương châm “Tất cả đoàn viên, NLĐ đều có Tết”, các hoạt động chăm lo Tết năm nay được Công đoàn các cấp thành phố thực hiện đa dạng, chú trọng tính thiết thực, ý nghĩa nhằm mang lại một cái Tết đủ đầy, trọn vẹn, ấm áp cho tất cả công nhân lao động, cụ thể hóa câu nói “có Công đoàn là có Tết” của đoàn viên, NLĐ.

 

 

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn quan tâm đến công tác bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, thành phố luôn dành một nguồn ngân sách để tặng quà người có công với cách mạng và xã hội nhằm thể hiện sự tri ân đối với người có công, động viên tinh thần các tổ chức, cá nhân được đón Tết đầm ấm, vui tươi, an toàn góp phần bảo đảm chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố, với phương châm "không để hộ gia đình nào, người dân nào không có Tết".

 

 

.