Multimedia

Bờ đông đã khác…

15:55, 28/04/2019 (GMT+7)

 

 

 

 

Những người Đà Nẵng xưa của hơn 20 năm trước nay đã vào tuổi cao niên, nhiều người trong thế hệ ấy giờ tìm thú vui đánh cờ, hóng mát dưới chân cầu Sông Hàn, phía bờ tây. Ông Đào Xuân An (70 tuổi, trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) ngồi bên các đồng niên chơi cờ, chỉ tay về phía bờ đông, giọng khàn đặc chất Quảng: “Mới đó mà đã hơn hai chục năm chia tách Quảng Nam - Đà Nẵng. Hồi xưa chưa có cầu Sông Hàn, phà ngang chạy nườm nượp hai bờ. Bên kia, ngã ba Nguyễn Công Trứ - Trần Hưng Đạo là bến phà An Hải…”.

 

Lời ông An kể, đã là quá khứ của một vùng đất mom sông Hàn. Chính xác là 22 năm, từ ngày Đà Nẵng tách khỏi tỉnh QN-ĐN trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, và cũng chứng kiến thêm nhiều thế hệ nối tiếp nhau lớn lên ở thành phố biển xinh đẹp này.

Những người của 20 năm trước giờ vẫn chưa quên những chuyến phà ngang qua lại đôi bờ, chưa thể quên tiếng còi phà cảnh báo giữa một khúc sông, vẫn còn hằn sâu trong ký ức họ cái ngày vác xe đạp, địu xe máy lên phà sang sông hay thẫn thờ trên bến vì lỡ chuyến cuối ngày.

 

Người đi phà còn đó, còn những người lái phà năm ấy nay đâu? Về An Thị, hỏi về ông già Năm Đoan lái phà sông Hàn, hầu như ai cũng biết. Ông Năm Đoan, tên thật là Ngô Văn Đoan năm nay đã ngoài 80 tuổi vẫn rưng rưng bao kỷ niệm của những tháng năm đưa khách qua sông... 

 

Đến giờ, ông vẫn nhớ quay quắt tiếng con sóng vỗ vào mạn phà, nhớ tiếng phà, tiếng người náo nhiệt, nhớ bạn bè đồng nghiệp nhớ cả hình bóng người vợ Đặng Thị Loan tần tảo bán nước suốt 45 năm ở mom sông phía bến phà An Hải. Đầu năm 2019, bà mất, ông bảo mình “ôm” thêm một nỗi cô đơn tuổi già.

Hình ảnh những chuyến phà trên sông Hàn trước năm 2000 (Video tư liệu)

 

Bến phà An Hải bao giờ cũng “dậy trước bình minh”. Cứ chừng 4 giờ sáng, phà trĩu nặng bởi những gánh hoa từ Phước Mỹ, An Đồn hay những thúng cá tươi roi rói đánh bắt cận bờ ở Thọ Quang, Mân Thái. Dân bờ đông gánh hàng lên phà sớm, qua chợ Tam Giác, chợ Cồn, chợ Hàn rồi chợ Đống Đa... để bán cho dân bờ tây.

“Năm ấy, nửa vui, nửa buồn”, ông nói. Khi phà ngưng chạy mãi mãi, ông bảo thế hệ của mình rồi nhiều bà con ở bờ đông cũng ít nhiều hụt hẫng. Buồn vì chuyện sinh kế có phần trắc trở trong những năm đầu, nhưng vui vì thành phố đã có cầu mới, người dân hai bờ đông – tây đi lại an toàn hơn, rồi sẽ không còn cái cảnh đối lập cảnh quan hai bờ như câu ca khuyết danh xưa “Ở bên ni Hàn, ngó qua bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lá/ Ở bên tê Hà Thân, ngó qua bên ni Hàn thấy phố xá nghênh ngang…”.

Từ An Thị, gia đình ông Năm Đoan chuyển nhà về đường Đông Du thuộc phường An Hải Bắc. Những đứa con, đứa cháu của ông đã thoát cảnh sống vạ vật trên nhà chồ, không còn cảnh lội bộ trên mom sông, được đi ăn đi học đàng hoàng, được mở mang tầm nhìn về bên kia thành phố…

 

Con cháu đưa ông đi ngang chốn cũ, trên con đường mới khang trang hôm nay. Chốn cũ nay đã có công viên thoáng mát, có ghế đá nghỉ chân, nhiều nhà cao tầng hiện đại vươn lên bầu trời cao thành phố. Ông lại hào sảng đọc câu ca mới “Đứng trên cầu Sông Hàn/Ngó xuống sông nước xanh như tàu lá/Ngó về An Hải phố xá nghênh ngang…”.

 

 

Cũng như ông Năm Đoan, trong tiềm thức vợ chồng ngư dân Đặng Văn Mày – Đặng Thị Bê (tổ 36, phường An Hải Tây) còn đó những dòng nước đen ngòm trên sông, vợ lội bì bõm theo chồng lên bờ gánh nước sinh hoạt. Những đứa con đi học rơi vở, ướt sách. Những mùa mưa nước dâng cao mấp mé mép nhà, mùa bão to “oanh tạc” ngỡ chừng xô đổ tất cả, vợ chồng con cái co ro trong căn chòi nhỏ xập xệ mà người ta vẫn gọi là “nhà chồ”.

Năm 1984, ông Mày cưới bà Bê, rồi sinh hai người con là chị Đặng Thị Tuyết và anh Đặng Văn Mây trong căn nhà chồ ọp ẹp cách bờ chừng 300 mét. Ông kể, muốn lên bờ chỉ có nước canh thủy triều xuống để lội bộ, thủy triều lên thì bơi thúng chai vô “đất liền”. Trẻ con xóm nhà chồ được đưa đi học bằng thúng, nhiều gia đình vất vả lại để con ở nhà nối nghiệp sông nước.

Nhà chồ trên sông Hàn (Video tư liệu)

 

“Ở nhà chồ cực không kể xiết. Thiếu nước sạch, thiếu nhà vệ sinh, cả gia đình ngứa ngáy hoài, có hồi xách nước sông lên đun nấu giặt giũ. Rồi nước dâng lên, rác rến, xác động vật trôi vô nhà, rồi cứ sợ mấy đứa nhỏ rơi xuống sông…”, ông Mày kể lại.

Bây giờ, cuộc sống đã khác xưa. Năm 1997, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo thành phố đề ra chủ trương giải tỏa, xóa bỏ các xóm nhà chồ ven sông Hàn, đồng thời phát triển bờ đông thành những khu phố khang trang, hiện đại.

 

Những cư dân xóm nhà chồ được bố trí đất ở, hỗ trợ tiền thuê nhà, miễn giảm tiền sử dụng đất để tạo lập cuộc sống mới, được tập huấn kỹ thuật khai thác hải sản và cho vay vốn ưu đãi để cải hoán, nâng cấp, đóng mới tàu thuyền, hỗ trợ nghề cá…

Theo đó, gia đình ông Mày được “lên bờ” năm 1999, sau khi thành phố bố trí cho ông một lô đất rộng 100m2 tại khu vực An Thuần. Từ mom sông về với phố thị, vốn dĩ đã có nghề biển, hai vợ chồng ông tích lũy đầu tư tàu đánh bắt buôn bán cá.

Trời không phụ công người, sau nhiều năm chịu khó làm ăn, đến nay, ông đã sở hữu 3 chiếc tàu đánh bắt hiện đại với gần 30 thuyền viên, thu nhập cao từ nghề biển, cùng với đó là 2 căn nhà mặt tiền khang trang trên đường Trần Hưng Đạo.

Để nhắc nhở các con về một thời cơ cực và mong muốn các con học hành đàng hoàng để giúp mình, giúp đời, có tương lai tươi sáng, ông đặt tên 5 người con lần lượt là Tuyết – Mây – Sương – Gió – Bão. Rồi các con ông cũng trưởng thành, anh Mây đang là cán bộ Trung tâm Kiểm định và Chứng nhận 3, anh Gió và anh Bão chí thú làm ăn với doanh nghiệp riêng sau khi tốt nghiệp đại học, chị Tuyết và chị Sương trở thành công nhân lành nghề tại Khu Công nghiệp An Đồn. Ai cũng đã có công ăn việc làm ổn định, vợ chồng ông đã an hưởng tuổi già.

 

Bờ đông nay trở thành khu trung tâm quận Sơn Trà. 22 năm đã đi qua, những mái nhà chồ năm ấy đã trở thành dĩ vãng... nhưng vẫn chưa xa, vẫn nhắc nhở những cư dân bờ đông như vợ chồng ông Mày về cái thuở hàn vi trên dòng sông Hàn.

Họ bây giờ, đã “chạm tay” vào giấc mơ chuyển mình từ những quyết sách của thành phố. Mảnh đất “bông tê sên – bên tê sông” thuở nào đã hết cảnh đất trống hoang vu với những "nhà không số, phố không tên". Đất đã chuyển mình, cuộc sống người dân đã ổn định, kinh tế-xã hội nơi đây nay cũng phát triển mạnh mẽ .

 

Điểm nhấn của sự phát triển ấy, theo lời bà Trần Thị Thanh Tâm, chủ tịch UBND quận Sơn Trà trong đợt kỷ niệm 20 năm thành lập quận chính là công tác quy hoạch, đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị.

Toàn cảnh bờ Đông nhìn từ flycam.

 

Bờ đông vươn mình khoác màu áo mới, để Sơn Trà hôm nay trở thành trung tâm du lịch của thành phố với những điểm đến hấp dẫn thu hút ngày càng đông du khách thập phương. Rồi hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại với những tuyến đường mới khang trang, người từ Đà Nẵng trong hành trình đến Điện Bàn, Hội An đã không còn thấy xa xôi. 

Từ nhà ông Năm Đoan, ngược ra đường Nguyễn Thế Lộc sẽ đến vị trí lắp đặt khán đài xem pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. Đã 22 năm thành phố trực thuộc Trung ương và sắp 11 mùa pháo hoa quốc tế tỏa sáng rực rỡ trên dòng sông Hàn. Nghĩ về cảnh ấy, dân bờ đông, bao bận đứng nhìn dòng sông Hàn chảy giữa đôi bờ, như ông Đoan hay ông Mày đã thấy sông mang một sắc thái mới, khác xưa…

 

 

 

 

.