4 an

Nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ hàng rong dọc các tuyến đường ven biển, các xe bán hàng rong

09:52, 31/07/2020 (GMT+7)

Dọc các tuyến đường ven biển, các xe bán hàng rong di động xuất hiện ngày càng nhiều với thức ăn nhanh nguy hại vì mất vệ sinh, không rõ nguồn gốc, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khi sử dụng.

Đồ ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong ảnh: Một quầy thức ăn đường phố tại ngã tư đường Loseby - Võ Nghĩa (trước bãi tắm số 3). Ảnh: XUÂN DŨNG
Đồ ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong ảnh: Một quầy thức ăn đường phố tại ngã tư đường Loseby - Võ Nghĩa (trước bãi tắm số 3). Ảnh: XUÂN DŨNG

Dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà) vào khoảng 16 đến 19 giờ hằng ngày, dễ dàng bắt gặp những “hàng rong di động” bày bán các thức ăn nhanh như: cá viên chiên, xúc xích, bắp rang bơ, các loại bánh… sẵn sàng phục vụ người dân và du khách tắm biển. Theo ghi nhận tại ngã tư Loseby - Võ Nghĩa (trước bãi tắm số 3), cứ khoảng 17 giờ chiều, người dân, du khách lại nườm nượp kéo tới đây thưởng thức đồ ăn vặt đông kín một khoảng đường. Với những thức ăn cần chế biến nóng, người bán chỉ cần 1 chiếc xe đẩy, bếp gas mini, nguyên liệu và chảo dầu đã qua sử dụng nhiều lần, chỉ sau vài phút là có ngay dĩa đồ ăn nóng hổi, bắt mắt cho thực khách thưởng thức.

Chị Nguyễn Hạnh Duyên (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) chia sẻ: “Mỗi lần đi tắm biển, tôi cùng bạn bè, gia đình tranh thủ ghé qua mấy quán ăn vặt này. Thức ăn ở đây ngon, rẻ, thu hút nhiều người nên tôi tự trấn an mình là thức ăn an toàn, sạch sẽ...”. Những thực phẩm này có điểm chung là đều được chế biến ngay bên lề đường trong điều kiện nắng nóng, khói bụi và không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn mối nguy hại khôn lường cho sức khỏe, thế nhưng chúng vẫn là món “khoái khẩu” của nhiều người dân và du khách tắm biển.

Ngoài điểm kể trên, tại khu vực ven biển Sơn Trà còn xuất hiện nhiều điểm bán đồ ăn vặt khác trên các tuyến đường Nguyễn Huy Chương, Morrison, Dương Đình Nghệ, Võ Văn Kiệt… Những hàng ăn vặt này không phải ở ngay vỉa hè sát các bãi tắm mà chủ yếu tập trung tại các tuyến đường đối diện các bãi tắm, nơi có nhiều khách sạn, nhà hàng và du khách. Theo quan sát, các món đồ ăn vặt được xếp la liệt trên các ngăn của chiếc tủ xe hàng rong, không được che đậy, một số người bán không sử dụng bao tay trong khi chế biển đồ ăn cho thực khách, nhưng vì tâm lý muốn mua nhanh nên không khách hàng nào phản ứng gì.

Các món đồ ăn, thức uống đường phố này có giá tiền khá rẻ, chỉ cần 7.000 đồng đã có một ly nước mía, 20.000 đồng một dĩa bánh đầy ắp, vàng thơm. Khách cũ vừa đi, các chủ quán ngay lập tức dọn ly, chén, dĩa đi rửa để sẵn sàng phục vụ khách mới. Chị Lan (chủ một xe đồ ăn vặt) trên đường Dương Đình Nghệ chia sẻ: “Bình thường tôi bán tại các trường học đến 18 giờ chiều mới ra đây, nay học sinh nghỉ hè rồi nên tôi đến đây bán sớm hơn. Ở các bãi biển, vào mùa hè có nhiều khách du lịch nên bán cũng nhanh hơn”.

Ngoài các điểm bán thức ăn đường phố kể trên, ngay trước các cổng bãi tắm cũng xuất hiện nhiều xe hàng rong di động. Người dân, du khách mua những đồ ăn này rồi mang xuống bãi biển, trải bạt ăn uống, để lại rác gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường biển. Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã sử dụng nhiều biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở và cử đội quản lý trật tự du lịch phối hợp Công an phường thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nhưng tình trạng trên vẫn tiếp diễn hằng ngày.

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, những xe hàng rong hoạt động trước bãi biển được xếp vào loại hình thức ăn đường phố, hoạt động suốt ngày đêm nên việc quản lý tương đối khó khăn. Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Nguyễn Tấn Hải cho biết: “Xác định thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn vệ sinh thực phẩm, vì vậy Ban Quản lý đã có văn bản về mặt chuyên môn đề nghị các UBND quận, huyện chỉ đạo UBND phường, xã tăng cường công tác bám sát địa bàn, bảo đảm tuân thủ đúng yêu cầu an toàn thực phẩm đối với các đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố. Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng tăng cường công tác truyền thông, phối hợp báo chí truyền tải các thông điệp về việc lựa chọn thực phẩm an toàn, nâng cao ý thức của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm, trong đó có thức ăn đường phố; tăng cường tập huấn, thanh tra an toàn thực phẩm cho các cán bộ phường, xã để nâng cao năng lực quản lý an toàn thực phẩm cho tuyến cơ sở”.

Theo thống kê của Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, từ đầu năm đến nay, đơn vị chưa ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố gây ra. Tuy nhiên, thức ăn đường phố vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc quản lý cơ sở kinh doanh, mỗi người dân cần thay đổi thói quen ăn uống, nói không với thực phẩm không an toàn và không ngại cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện cơ sở có dấu hiệu mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

XUÂN DŨNG

.