Nâng cao chất lượng dân số: Bắt đầu từ đâu?

.

Hơn 10 năm qua, dân số Việt Nam luôn đạt được mức sinh thay thế, tức là mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2 con. Do vậy, trọng tâm công tác dân số đã chuyển từ dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) sang dân số và phát triển, tập trung nâng cao chất lượng dân số.

Khám cho trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng.
Khám cho trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng dân số, điều này được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22-3-2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ và Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần cho mỗi công dân. Đây chính là “chìa khóa vàng” để mở ra cánh cửa phát triển bền vững.

Vấn đề nâng cao chất lượng DS bao trùm rất rộng từ khi đứa trẻ chưa chào đời cho đến khi trưởng thành và đến già đều phải được quan tâm, chăm sóc. Trung bình mỗi năm nước ta có trên một triệu em bé ra đời, trong đó có khoảng 1,5 - 2% trẻ mắc các dị tật bẩm sinh.

Do đó, sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp trẻ sinh ra bình thường hoặc tránh những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Trường hợp chị Mai Thị Hương ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn phát hiện con bị bệnh bẩm sinh ngay sau khi sinh và được can thiệp kịp thời là một ví dụ điển hình về can thiệp sớm để nâng cao chất lượng dân số.

Chị Hương cho biết: “Nhờ xét nghiệm máu gót chân, con tôi đã sớm được phát hiện bị thiếu men G6PD. Cán bộ y tế đã hướng dẫn cho cháu uống thuốc và sử dụng thức ăn phù hợp nên 3 năm qua cháu vẫn phát triển bình thường”.

Tiêu chí đầu tiên đánh giá chất lượng dân số chính là việc bảo đảm một thế hệ khỏe mạnh ngay từ khi chào đời. Trên thực tế, trong số gần 1,4 triệu trẻ em được sinh ra mỗi năm ở nước ta vẫn có ít nhất hơn 30.000 trường hợp mắc bệnh, tật bẩm sinh như: đao, dị tật ống thần kinh, suy tuyến giáp, tăng, giảm tuyến thượng thận; tan máu bẩm sinh và nhiều bệnh tật khác…

Không ít người vẫn cho rằng “bố mẹ khỏe, ắt con cũng khỏe” nên đã chủ quan bỏ qua việc sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Có trường hợp khi mang thai đứa con đầu lòng ở tuần thứ 24, người mẹ đã phải tiến hành chọc hút nước ối để xác định chính xác tình trạng thai nhi. Vì nhiều nguyên nhân do nhà nghèo, lại cách xa cơ sở y tế nên từ khi mang thai, sản phụ chỉ đi siêu âm duy nhất một lần khi thai nhi được 7 tuần tuổi và không được tư vấn để sàng lọc.

Có trường hợp, chủ quan mẹ còn trẻ, hai bên nội, ngoại không ai mắc bệnh di truyền nên tin rằng con mình sẽ chào đời khỏe mạnh, nhưng khi đi khám mới biết bào thai có nhiều dị tật, có khả năng bị đột biến cặp nhiễm sắc thể số 18 và được tư vấn không nên giữ lại đứa bé.

Vì thế, những cặp vợ chồng trước khi sinh con và mang thai nên đi khám và được tư vấn cụ thể để trẻ được khỏe mạnh khi chào đời. Y học hiện đại đã thực hiện được nhiều kỹ thuật thăm dò đặc hiệu trong thời gian mang thai để tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và can thiệp sau sinh.

Việc các bà mẹ khám, siêu âm, xét nghiệm định kỳ trong thời gian mang thai sẽ giúp biết được từ 80 - 90% những bất thường của thai nhi. Từ các kết quả nghiên cứu ban đầu ở Việt Nam cho thấy, tình trạng bệnh, tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh ở nước ta bắt nguồn từ các nguyên nhân như:

Sai lệch di truyền (bất thường nhiễm sắc thể, rối loạn gen, rối loạn chuyển hóa…); trong quá trình mang thai, bà mẹ tiếp xúc với môi trường độc hại (hóa chất, không khí, đất, nước…); mẹ uống thuốc trong 3 tháng đầu của thai kỳ; mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng trong khi mang thai như giang mai, rubella, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng sinh dục…

Những đứa trẻ sinh ra không may bị dị tật hoặc thiểu năng trí tuệ không chỉ là sự thiệt thòi, nỗi đau cho trẻ mà còn là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội. Anh Lê Lai, Trưởng Trạm Y tế xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang cho biết: Các cộng tác viên và cán bộ DS luôn đến tận nhà, thậm chí đến nhiều lần mới gặp được chị em trong độ tuổi sinh sản và các em tiền hôn nhân để tuyên truyền, vận động về sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Một năm xã Hòa Phú có khoảng gần 90 đứa trẻ ra đời. Các sản phụ đến Trạm Y tế xã khám đều được tư vấn về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Vì thế, là xã miền núi nhưng nhận thức vấn đề này của người dân cũng đã có những chuyển biến rõ rệt.

Bài và ảnh: MINH PHÚC

;
.
.
.
.
.
.