Phương hay Thuốc quý

Diếp cá - cây rau, cây thuốc

.

Diếp cá là cây rau – cây thuốc quen thuộc, được trồng khá phổ biến trong nhân dân. Trong một lần lên núi Ngọc Linh thuộc địa phận xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tôi đã tận mắt thấy loài này cao trên nửa mét, mọc hoang khắp nơi, từ các bờ ruộng bậc thang đến các nương rẫy, dọc khe suối, ven đường đi trong rừng…

Một đám rau Diếp cá mọc hoang trên núi Ngọc Linh tỉnh Quảng Nam. Ảnh: P.C.T
Một đám rau Diếp cá mọc hoang trên núi Ngọc Linh tỉnh Quảng Nam. Ảnh: P.C.T

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, Diếp cá còn gọi Rau diếp cá, Rau giấp, Cây lá giấp - Houttuynia cordata Thunb., thuộc họ Lá giấp - Saururaceae.

Đây là cây thảo cao 15-50cm; thân màu lục hoặc tím đỏ. Lá mọc so le, hình tim, có bẹ, khi vò ra có mùi tanh như mùi cá. Cụm hoa hình bông bao bởi 4 lá bắc màu trắng, trong chứa nhiều hoa nhỏ màu vàng nhạt. Quả nang mở ở đỉnh, hạt hình trái xoan, nhẵn. Mùa hoa tháng 5-8, quả tháng 7-10.

Ngoài công dụng làm rau ăn sống hay nấu canh, người ta còn dùng toàn cây làm thuốc, gọi là Ngư tinh thảo, có thể dùng tươi hoặc phơi sấy khô để dùng dần.

Phân tích thành phần hóa học Diếp cá cho thấy (tính theo g%): Nước 91,5; protid 2,9; glucid 2,7; lipit 0,5; cellulose 1,8; dẫn xuất không protein 2,2; khoáng toàn phần 1,1 và (theo mg%): calcium 0,3; kali 0,1; caroten 1,26; vitamin C 68. Trong cây có tinh dầu mà thành phần chủ yếu là methylnonylketon, decanonylacetaldehyde và một ít alcaloid là cordalin, một hợp chất sterol, v.v... Trong lá có quercitrin (0,2%); trong hoa và quả có isoquercitrin.

Theo Đông y,  Diếp cá có vị cay chua, mùi tanh, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu tiêu thũng, sát trùng; còn có tác dụng ức chế thần kinh và chống viêm loét. Người ta đã biết là cordalin có tác dụng kích thích gây phồng, quercitrin có tác dụng lợi tiểu mạnh.

Diếp cá là loại rau rất quen thuộc trong các bữa ăn hằng ngày của các gia đình Việt Nam, nhất là các tỉnh phía Nam. Thường dùng làm rau ăn sống, làm gia vị cùng các loại rau khác. Diếp cá cũng được sử dụng làm thuốc trị: Táo bón, lòi dom; trẻ em lên sởi, mày đay; viêm vú, viêm mô tế bào, viêm tai giữa; mắt đau nhặm đỏ, hoặc nhiễm trùng gây mủ xanh; viêm mủ màng phổi; viêm ruột, lỵ; viêm nhiễm đường tiết niệu, viêm thận phù thũng; phụ nữ kinh nguyệt không đều. Diếp cá còn dùng chữa sốt rét, sài giật trẻ em, đau răng, trâu bò bị rắn cắn. Liều dùng 6-12g khô, hoặc 20-40g tươi dạng thuốc sắc hoặc giã nát lấy nước uống. Dùng ngoài lấy lá tươi giã nhỏ đắp.

Ở Thái Lan, người ta dùng lá tươi để trị bệnh hoa liễu và trị các bệnh ngoài da. Toàn cây được dùng làm thuốc lợi tiểu sát khuẩn đường tiết niệu sinh dục.

Ở Trung Quốc người ta cũng sử dụng Diếp cá trong các trường hợp viêm mủ màng phổi (dùng 30g lá Diếp cá, 15 g rễ Cát cánh, sắc lấy nước uống); thử nghiệm điều trị ung thư phổi (Diếp cá 18g, Đông quỳ tử 30g, Thổ phục linh 30g, Cỏ mực và Dương xỉ mộc, mỗi vị 18g và rễ Cam thảo bắc 5g, sắc nước uống); chữa dị ứng mẩn ngứa mày đay (toàn cây tươi giã đắp).

Nghiên cứu dược lý chứng minh Diếp cá có hoạt tính kháng khuẩn, kháng virus gây cảm cúm, kháng HIV.

Đơn thuốc

1. Viêm tuyến sữa: lá Diếp cá, lá Cải trời, mỗi vị 30g giã nát, chế nước sôi vào vắt lấy nước cốt uống nóng; bã trộn với giấm, đắp rịt.

2. Kinh nguyệt không đều: lá Diếp cá 1 nắm, vò nát, thêm nước uống.

3. Đau mắt nhặm đỏ, đau mắt do trực trùng mủ xanh: lá Diếp cá tươi giã nát, trộn với lòng trắng trứng gà để đắp lên mí mắt khi đi ngủ.

4. Bệnh trĩ đau nhức: lá Diếp cá nấu nước xông, ngâm rửa lúc còn nóng, còn bã dùng đắp vào chỗ đau. Cũng dùng Diếp cá ăn sống hoặc sắc uống liên tục trong ba tháng.

5. Bệnh sởi: lấy 30 lá bánh tẻ cây Diếp cá, rửa sạch (có thể sao qua) sắc nước đặc để nguội uống, ngày làm vài lần để tiệt nọc và không tái phát.

6. Đái buốt, đái dắt: Diếp cá, Rau má tươi, mỗi thứ 50g, lá Mã đề rửa sạch vò với nước sôi để nguội, gạn trong uống.

7. Viêm phổi, viêm ruột, kiết lỵ, viêm thận phù thũng: lá Diếp cá 50g sắc uống.

PHAN CÔNG TUẤN

(theo Từ điển cây thuốc Việt Nam)

;
.
.
.
.
.