Quá tải bệnh nhân đột quỵ đến điều trị tại các bệnh viện

.

Theo một thống kê gần đây cho thấy, ở Việt Nam, tỷ lệ mắc đột quỵ đang gia tăng ở mức đáng lo ngại đối với cả hai giới nam và nữ ở mọi lứa tuổi.

Nhân viên y tế cấp cứu cho bệnh nhân bị đột quỵ. (Ảnh: TTXVN)
Nhân viên y tế cấp cứu cho bệnh nhân bị đột quỵ. (Ảnh: TTXVN)

Hàng năm có khoảng 230.000 ca mắc đột quỵ mới và ước tính ngành y tế Việt Nam chi phí khoảng 48 triệu USD/năm.

[Bệnh nhân bị đột quỵ: Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc, ăn uống]

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp thông tin về Chương trình Avant – hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Áo về phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ diễn ra sáng 6/6, tại Hà Nội.

Qúa tải bệnh nhân

Tại cuộc họp, phó giáo sư Nguyễn Hoàng Ngọc - Giám đốc Trung tâm đột quỵ (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho hay, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ trong thời gian gần đây ở Việt Nam tăng lên đáng kể. Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ đến các bệnh viện gần như luôn trong tình trạng quá tải.

Bác sỹ Ngọc phân tích, tại một số bệnh viện lớn, bệnh nhân bị đột quỵ đến điều trị rất đông, chẳng hạn như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lúc nào cũng trong tình trạng quá tải.

Nguyên nhân bởi sự nhận biết của cộng đồng đã nâng cao hơn trước. Trước kia nhiều người bị đột quỵ không được phát hiện kịp thời, bởi nhiều người cho rằng đó là các bệnh lý mang tính dân gian và đến viện. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người đã nhận thức được về bệnh và đưa đến cơ sở y tế kịp thời.

“Chẳng hạn như, trước kia mọi người cho rằng người bị đột quỵ thì cứ cho nằm yên ở nhà, ổn định mới cho đi viện. Như vậy người bệnh đã mất đi cơ hội vàng để khỏi bệnh. Thời gian vàng để cứu sống những người bị đột quỵ đã mở rộng đến 6 giờ. Có nghĩa là khi bệnh nhân bắt đầu bị đột quỵ cho đến khi bệnh nhân được xử trí các biện pháp điều trị đặc hiệu, chỉ có giá trị phục hồi tốt trong 6 giờ đầu,” phó giáo sư Ngọc phân tích.

Theo phó giáo sư Lương Tuấn Khanh – Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai), số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ có xu hướng tăng mạnh, chiếm 90% với nhiều di chứng nặng nề như: liệt nửa người, rối loạn nuốt, thất ngôn, viêm phổi, co cứng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm…

Đặc biệt, chỉ có 20-30% số bệnh nhân sau điều trị tự đi lại phục vụ bản thân, 20-50% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hằng ngày, 15-25% bệnh nhân đột quỵ phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.

Các biểu hiện bệnh đột quỵ dễ nhầm lẫn

Thống kê của Trung ương Quân đội 108 cho thấy, trước đây bệnh nhân đến viện, tỷ lệ thiếu máu não thoảng qua (giai đoạn sớm của bệnh đột quỵ) chiếm tỷ lệ 3-5%, thì trong một năm gần đây thì những người có triệu chứng sớm của đột quỵ não vào viện chiếm tới 20% và trong số đó và rất nhiều bệnh nhân được các bác sỹ của bệnh viện chẩn đoán phát hiện sớm nên tỷ lệ hồi phục cao.

Theo bác sỹ Nguyễn Hoàng Ngọc, nhận biết bệnh đột quỵ qua một số chức năng như bệnh nhân có méo miệng, liệt miệng. Thứ hai tay chân bệnh nhân đang vận động thấy yếu, tê. Thứ ba là rối loạn ngôn ngữ, rối loạn cảm giác, biểu hiện chóng mặt.

Tất cả các triệu chứng đó trùng lặp với nhiều bệnh lý nội khoa khác. Đặc biệt, nhiều người cứ thực hiện theo dân gian, khi thấy méo miệng thì xoa bóp, yếu tê nửa người một lúc xong hết, nhưng thực tế đó là những biểu hiện sớm của đột quỵ, trong đó là những cơn thiếu máu não thoảng qua.

Đó là những triệu chứng rất sớm, nếu như người bệnh chủ quan, bỏ qua thì tỷ lệ tái phát để trở thành đột quỵ thực sự trong một tuần đầu rất cao và những biểu hiện đó mọi người nên nắm và hiểu để phòng tránh.

Chính vì vậy, nhân viên y tế các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện phải nhận biết được các biểu hiện sớm đó trong công tác điều trị.

Tổ chức Đột quỵ Thế giới khuyến cáo những phương pháp phục hồi chức năng cần được tiến hành bài bản, có thể bắt đầu từ 24 giờ sau khi đột quỵ khởi phát.

Trước thực trạng bệnh nhân đột quỵ sau điều trị giai đoạn cấp chưa được tiếp cận với các phương pháp trị phục hồi chức năng một cách có hệ thống và bài bản, việc phổ cập các kiến thức, bài tập phục hồi chức năng không chỉ giúp bản thân bệnh nhân có thể sinh hoạt độc lập, sớm hòa nhập với cuộc sống bình thường mà còn giúp giảm gánh nặng cho gia đình bệnh nhân và toàn xã hội.

Vì vậy, chương trình Avant ra đời nhằm chuẩn hóa hệ thống hóa việc phục hồi thần kinh sau đột quỵ thông qua các khóa đào tạo dành cho đối tượng tham gia là các bác sỹ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng và người chăm sóc bệnh nhân.

Dưới sự chỉ đạo của Tổng hội Y học Việt Nam, Ever Pharma sẽ phát triển mạng lưới đào tạo trên khắp cả nước, từ các bệnh viện Trung ương đến các cơ sở y tế tuyến tỉnh và thành phố. Dự kiến sẽ có 100 khóa tập huấn dành cho các cán bộ y tế và 100 lớp học cho người nhà bệnh nhân diễn ra trong ba năm, từ 2017-2020.

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.